Chủ đề
CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !
Những ngày giáp tết, trời trở nên lạnh đến lạ kỳ. Cái nắng thường ngày đã biến mất! Thay vào đó, những đợt lạnh dần dần xâm chiếm nơi đây. Vậy là, Sài Gòn kiêu kỳ cũng phải đua nhau mặc áo ấm, chẳng còn cái vẻ nhí nhảnh như xưa.
Nhưng cái lạnh như thế cũng chẳng thể nào làm lung lay ý chí xuất gia của Bình và Hổ. Mà dường như trong những ngày này, cái lạnh ấy như khiến các bạn quyết tâm hơn. Bởi một lẽ, sắp tới sẽ là ngày khảo kinh lại. Đang ngồi suy nghĩ như vậy, bỗng nghe thấy giọng Bình gọi, Hổ ngưng tay đập búa, ngước lên hỏi:
-         Có chuyện gì vậy anh?
-         Thầy Sáu kêu anh em mình lên Đồng Nai làm việc. Ở trên đó chuẩn bị xây tạm Niệm Phật Đường để cho mọi người có chỗ tu một ngày.
-         Vậy thì mình chuẩn bị đi thôi.
Hổ vừa nói vừa nhìn vào mắt Bình, nhưng Bình cũng chẳng nói gì thêm, đi vào kho chuẩn bị đồ cho chuyến đi. Vậy là chẳng cần nói nhiều cả hai cũng đã cùng hiểu được lựa chọn của mình.
Ngay chiều hôm đó, khi cái quyết định của Bình và Hổ đã xong, hai bạn chỉ còn đợi đến sáng mai, là cùng thầy Sáu đi làm việc, thì đã bắt đầu nghe sự cản của mọi người. Người nào cũng khuyên hai người ở lại để học kinh vì chỉ còn vài hôm nữa là khảo kinh lại. Nhớ lại ngày khảo kinh đầu tiên, khi không thể thuộc được trọn vẹn kinh, Bình và Hổ đã rất xấu hổ, các bạn cũng muốn dành thời gian để ôn lại kinh để khỏi phải ngập ngừng khi đọc. Vì các bạn hiểu khi xuất gia việc quan trọng đầu tiên chính là thuộc kinh. Bởi muốn làm con Phật, thì làm sao lại không thuộc kinh, không thuộc những lời dạy của Cha thì làm sao có thể hiểu rồi đem những bài học thâm sâu ấy cứu độ chúng sanh? Nhưng nghĩ tới việc nếu không có nhiều người lên làm thì sẽ chẳng thể nào xây dựng được Niệm Phật Đường trước tết cho bà con nghèo ở Xuân Hưng. Chẳng lẽ chỉ vì một cuộc thi mà các bạn lại làm lỡ hẹn niệm Phật chào xuân của bà con vùng xa? Huống hồ các bạn đang ở chùa đang được nghe tiếng niệm Phật, được hưởng những dư vị an lạc từ đó thì sao các bạn lại không đem đến cho mọi người những hương vị ấy? Xuất gia thì còn có nhiều đợt, nên sớm hay muộn thì các bạn cũng sẽ được, vậy nên nôn nóng để làm gì? Trong khi, bà con nơi xóm nghèo lại đang khao khát được niệm Phật, được nghe những bài thuyết giảng của quý Thầy nhưng tất cả chỉ dừng lại ở mong muốn vì điều kiện cơ sở hạ tầng chưa cho phép. Làm sao có thể làm ngơ trước những trái tim đang khát khao được trở về bên cạnh Phật? Vả lại xuất gia không chỉ là kết quả của những suy nghĩ nông cạn mới đây mà nó là kết quả của vô số nhân duyên từ bao kiếp, không những thế nó còn là nhân thành Phật tương lai nên nếu chưa đủ nhân duyên thì làm sao nhân đó, quả đó có thể trổ? Nên mặc cho mọi người nói sao thì nói cả Bình và Hổ vẫn thản nhiên làm theo những gì các bạn suy nghĩ.
Vậy là Bình và Hổ đã ở cùng với bà con được 2 tuần. Công việc xây dựng ngày càng khẩn trương, mọi người làm từ tờ mờ sáng cho đến tối mịt mới nghỉ để mong sao hoàn thành trước tết. Tuy công việc mệt nhọc nhưng các  bạn lại cảm thấy vô cùng an lạc, cho dù cả tuần qua các bạn không có thời gian để mà đọc kinh. Nhưng bù lại những bài học cuộc sống đã khiến các bạn hiểu sâu sắc hơn con đường mình đã chọn. Bởi một lẽ, nếu không có chuyến đi này, chắc chắn cả Bình và Hổ sẽ không tận mắt thấy được nỗi khao khát của bà con nơi đây để có được một Niệm Phật Đường, sẽ không thấy được nỗ lực muốn làm cuộc sống của mọi người trở nên tốt đẹp của quý thầy, quý chú. Chẳng thế mà dù điều kiện khó khăn, quý thầy quý chú cũng cố gắng mở lớp dạy học vi tính và tiếng Anh cho các em nhỏ nhằm đưa các em lại gần hơn với tri thức, với một sự giáo dục tròn vẹn cả vể đạo đức lẫn kiến thức…
Nghĩ lại Bình thầm cám ơn thầy Sáu vì đã gọi hai anh em đi lên đây bởi một lẽ nhờ có chuyến đi này mà bạn hiểu Sư phụ hơn. Và từ đâu đó ở trong bạn, đã bắt đầu cảm nhận được mình đang từng bước, từng bước cùng với Sư phụ và quý thầy đi trên một con đường.Trên con đường đó, bạn không còn cảm thấy cái đích đến là quá xa, và sẽ khiến bạn nhụt chí mà giờ đây cùng với Sư phụ và quý thầy, bạn bắt đầu chia nhỏ chặng đường mình đi. Cứ như vậy, bạn sẽ vượt qua từng trạm một để rồi sau  mỗi lần vượt qua  một trạm, bạn lại hiểu thêm được ý nghĩa cao thượng của việc xuất gia, và trách nhiệm lớn lao của một người xuất gia.
Đang đứng giăng giây cho thẳng, thì Hổ thấy xe chở thầy Sáu đi đến, Hổ vui lắm bởi đối với Hổ mà nói thầy như một người cha, nhưng cũng không vì vậy mà bạn bỏ làm chạy lại bên thầy. Bởi làm với thầy lâu, bạn cũng hiểu được thể nào thầy xuống xe là ra liền chỗ các bạn. Quả không sai! Thầy xuống xe là ra liền công trình:
-         Mấy chú sao rồi? Liệu công việc tốt chứ?
Bác Phi-đen vui vẻ trả lời:
-         Dạ, chúng con cũng đang cố gắng. Hi vọng là tới 28 tết xong.
-         Thôi các chú cố lên nhé, vì bà con mà.
Lần này thầy Sáu lên đây là kết hợp một công đôi việc. Thầy đem quà lên tặng cho người nghèo và các em học sinh hiếu học ở đây, đồng thời cũng xem qua tổng thể công trình. Nên tranh thủ thời gian, thầy đã gợi ý cho mọi người bản thiết kế. Nhìn sự năng nổ làm việc, quên thời gian và tuổi tác của thầy khiến Hổ càng khâm phục. Bạn thầm mong, sau này khi xuất gia rồi mình sẽ vẫn giữ được cái hạnh như thầy, chẳng quản bất cứ công việc gì, vì Tam Bảo mà phụng sự, chẳng thế mà ăn sáng xong, là thầy xuống rửa chén liền. Từ thầy, Hổ học được những bài học tuy nhỏ nhưng nó giống như những giọt nước cứ thấm dần vào trong bạn để rồi ý chí xuất gia ngày càng vững bền.
Đến cuối buổi, khi thầy kêu mấy bạn trở về chùa để khảo kinh, Bình và Hổ ngạc nhiên lắm, cả hai định không về, bởi ở trên này công việc đang nhiều. Nhưng thầy đã nghiêm nét mặt nói:
- Sư phụ kêu hai chú về, hai chú dám cãi? Công việc cũng quan trọng nhưng khảo kinh cũng chẳng kém phần. Về khảo nếu chưa thuộc kinh, chưa đủ duyên  xuất gia thì ta lại lên đây làm. Chứ mấy chú không thuộc kinh, kiếm cớ ở đây làm, các chú có biết như vậy là các chú quá nhụt chí không?
 Thầy nói rồi, vỗ vai khích lệ, khiến hai bạn cảm thấy vững tin hơn trở về.
Về chùa, các bạn còn được 2 ngày để ôn lại kinh, cũng gắng gác hết công việc lại để học kinh nhưng đến ngày cuối cùng, Bình quay sang hỏi Hổ:
- Đã thuộc chưa?
- Cũng chưa thuộc lắm, đọc vẫn còn có chỗ để vấp.
- Vậy có lên khảo kinh không? Nếu mình khảo không thuộc, mọi người lại nói là tại thầy Sáu bắt anh em mình làm việc quá không có thời gian học. Như vậy là không đúng, nếu vậy là mọi người nói oan cho thầy. Anh em mình chưa thuộc là vì mình chưa cố gắng, không chịu học chứ không phải tại thầy. Nên có lẽ anh không khảo đâu.
- Vậy em cũng thế.
- Thống nhất vậy đi.
Hai anh em quyết định như vậy, nên thôi cất sách đi ra làm. Đang làm việc thì nghe có người nói chú Tâm Đạo đang đợi hai anh em ở dưới bếp, cũng đã đến giờ ăn trưa rồi, nên Bình và Hổ đi liền xuống bếp. Vừa mới thấy hai bạn, chú Đạo đã sang sảng:
- Nghe nói là hai ông không chịu lên khảo kinh?
Bình, Hổ chỉ biết cười trừ, vì biết tính chú Đạo rất nóng. Thấy vậy chú Đạo nói tiếp:
- Tôi cũng biết là hai ông thương thầy Sáu, không muốn mọi người nói như thế nhưng dù các ông có lên khảo kinh hay không thì người ta cũng vẫn nói thầy. Chi bằng, thương thầy các ông hãy gắng hết mình trong buổi khảo kinh, còn kết quả như thế nào thì đừng quan tâm. Bởi việc xuất gia hay không là do nhân duyên. Tới duyên, là các ông cũng xuất gia thôi, còn chưa đủ phước thì các ông cũng chẳng thể xuất gia được.
Ngẫm nghĩ một lúc, Bình trả lời:
- Vậy con nghe lời chú, con sẽ khảo kinh.
Tối hôm đó, hai người khảo kinh với một tâm trạng thoải mái nên tuy có ngắc ngứ và chưa thuộc cho lắm nhưng hai bạn vẫn cứ cố gắng hết sức. Đến cuối buổi, khi các thầy nói rằng các bạn được xuất gia, cả Bình và Hổ đều bật khóc. Mọi người thì cứ nghĩ các bạn khóc vì sung sướng. Nhưng ngồi ở một nơi yên tĩnh, bên cạnh Tâm Quyền, Bình và Hổ mới bộc bạch hết nỗi lòng của mình. Bình nói:
- Mình cảm thấy xấu hổ quá, mình chưa thuộc kinh lại được xuất gia, liệu có là gương xấu cho những chú tập sự xuất gia sau này không? Mấy chú sẽ nghĩ rằng, cứ làm việc nhiều chẳng cần học kinh, cũng sẽ được các thầy châm chước cho xuất gia? Như vậy thì thật buồn! Có lẽ mình sẽ không xuất gia đâu.
Còn Hổ thì lại nghĩ:
- Bây giờ, nếu mình xuất gia rồi thì chỉ có đi học miết như Tâm Quyền này,  đâu có giúp gì được cho thầy Sáu như trước. Thầy thì đã già.
 Tâm Quyền nhìn hai người thở dài một cái:
- Mấy anh nghĩ sao ấy chứ! Sư phụ lúc nào cũng tùy theo hạnh nguyện của mỗi người, chứ đâu có bắt ép ai làm gì. Có xuất gia, sống trong môi trường tăng đoàn thì sau này mình mới có cơ hội giúp đỡ mọi người nhiều hơn. Với lại các anh đừng có áy náy việc các anh không thuộc. Mà chỉ đơn giản là các anh chưa thuộc đến mức đọc làu làu thôi. Nếu bây giờ không xuất gia thì đợi đến khi nào xuất gia? Đợi sau này thì bao nhiêu thứ lại kéo đến, hết lí do này, đến lí do khác. Với lại Sư phụ và quý thầy quyết định cho các anh xuất gia chứ đâu phải một ai đó đứng ra quyết định. Các thầy có cách nhìn của các thầy, mình đã tin Sư phụ về đây nương tựa, thì cứ làm theo như thầy chỉ dạy đi.
Nghe Tâm Quyền nói vậy, Bình và Hổ nhìn nhau, đến giờ hai người mới như thoát ra khỏi mớ suy nghĩ vòng vo về việc xuất gia hay không xuất gia. Ừ, Tâm Quyền nói đúng rồi, mình đã nhận thầy làm Sư phụ thì cứ nghe theo lời sư phụ chỉ dạy.
Vậy là chỉ nay mai thôi, Mười phương chư Phật cùng tất cả mọi người sẽ vui mừng đón chào thêm những vị Phật tương lai mới. Và có lẽ như mừng thêm điều này, nên đâu đó trong cái lạnh cuối đông, trong sự khắc nghiệt của thiên nhiên vẫn ẩn hiện  những mầm non đang khao khát vươn chồi. Và đâu đó, những nụ mai đã sớm nở để chào đón một mùa xuân mới. Mùa xuân của sự giao thoa giữa đạo và đời để rồi con người ta thăng hoa trong tiết xuân, vươn lên cùng với xuân mang đến cho đời những niềm vui mới.
     
Làm việc quên mình
BBT vuontam.net