Chủ đề
CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !
Để đạt điều này, cần kiên nhẫn. Và ta cũng vậy, để tâm có thể bình an, cần kiên mẫn lắng nghe thân, tâm mình, sao cho từng dòng cảm xúc dần lắng đọng hiền hòa. Khi ta biết lắng lòng cảm nhận, lắng nghe thân, tâm mình, nương theo từng dòng chảy nơi tâm thức như từng hơi thở vào, ra được cảm thụ sâu sắc, khi đó ta thấy bình yên.
Giữa bộn bề cuộc sống, không phải ngày nào ta cũng trọn vẹn một ngày vui, yên ả. Sóng cả cuộc đời luôn cuộn dâng bất cứ lúc nào… 
 
Lẽ vậy, nhưng khi đồng hành cùng những thăng trầm nhiều đến mức thấy quen, rồi thấy thân nữa, ta dần thấy nhiều mệt mỏi, muộn phiền dần rời xa, không còn đeo bám dai dẳng nữa. 
 
Rồi ngày kia, ta thấy tâm không còn lạc trôi quá nhiều vọng tưởng, không nhiều tham đắm dục lạc đời thường. Không ít ngày, sau công việc, về với thực tại riêng mình, ta thấy an nhiên, ta thấy được: Tâm bình yên…
Giữa chiều đầu Hè, người lữ khách xuống phố. Con phố quen gần công sở nay thanh lặng, nhẹ nhàng. Nắng tỏa dịu ngát, gió hiền hòa lay nhẹ chút trầm tư. Góc quán quen bên ly trà ấm, người lữ khách hồi tưởng những câu chuyện, điển tích về “Tâm bình yên”, hiện hữu rõ câu chuyện từng được nghe nhiều lần, người lữ khách ngước nhìn khoảng trời trong xanh, lắng tâm quán tịnh, từng dòng chữ hiện ra: “Một ngày kia, Đức Phật đi hoằng hóa từ tỉnh này sang tỉnh khác, với vài người đệ tử đi theo ngài. Đây là câu chuyện xảy ra trong những ngày đầu tiên.
 
Trong chuyến du hành, họ đi ngang qua một hồ nước. Họ dừng lại ở đó, và Đức Phật nói với một trong những người đệ tử của Ngài:
 
“Thầy khát nước. Con lấy nước cho thầy từ hồ kia”.
 
Người đệ tử đi đến hồ. Tới nơi, ông thấy vài người giặt quần áo trong hồ, và ngay lúc đó, một chiếc xe bò bắt đầu vượt ngang qua hồ. Kết quả là, nước hồ đã đầy bùn, dơ bẩn, vì bùn bị khuấy lên.
 
Người đệ tử nghĩ thầm: “ta không thể mang nước bùn này về cho Đức Thế Tôn uống được!” Vì vậy, khi trở lại ông thưa với Đức Phật: “Bạch Đức Thế Tôn, nước hồ giống như bùn. Con không nghĩ là uống được”.
 
Khoảng nửa giờ sau, Đức Phật bảo người đệ tử lúc nãy quay trở lại hồ để lấy nước cho ngài uống. Người đệ tử ngoan ngoãn quay trở lại hồ. Lần này, ông thấy nước hồ trong veo. Bùn lắng xuống và nước có thể dùng được. Cho nên, ông đã lấy nước và mang về cho Đức Phật.
 
Đức Phật nhìn nước, và sau đó Ngài nhìn người đệ tử rồi nói rằng: “Con hãy nhìn cách làm cho nước trong. Để nước tự nhiên… rồi tự bùn lắng xuống, và sau cùng con có nước trong. Tâm của con cũng như vậy. Khi rối loạn, hãy để yên. Rồi chờ một lát. Rối loạn tự ngừng lại. Con không cần gắng sức. Bình yên sẽ đến. Mà không cần làm gì cả”.

Thực tại cuộc sống, không phải ai gặp những điều bất như ý cũng đều phản ứng như nhau. Ngay cả bản thân mỗi người cũng có những phản ứng khác biệt với cùng một đối tượng hay một vấn đề. Khi ta đang khỏe mạnh, an vui thì dù có bị xúc phạm hay tấn công, ta cũng có thể bỏ qua dễ dàng. Thậm chí ta còn có thể suy nghĩ tích cực là tìm cách giúp cho người kia tỉnh ngộ. Nhưng khi tâm lý ta có vấn đề, căng thẳng và mệt mỏi, năng lượng đã cạn kiệt thì chuyện không cũng thành có, chuyện nhỏ cũng hóa to. Để hạn chế những cảm xúc tiêu cực, trước tiên ta phải có nhận thức đúng đắn về bản chất của cuộc sống và nuôi dưỡng nhận thức đó.
 
Nếu bạn có nhận thức rằng cuộc đời là chuỗi tập hợp của những điều như ý và bất như ý, và bạn đã hăng hái đón nhận những điều như ý rồi thì cũng phải vui vẻ đón nhận luôn những điều bất như ý, khi đó nỗi khổ của bạn chỉ còn một nửa thôi. Cũng như bạn đã từng yêu thích những ưu điểm của một người bạn thì cũng phải cố gắng học cách chấp nhận những khuyết điểm của họ.
Có nhận thức đúng đắn thôi thì chưa đủ, bạn cần phải có khả năng thực hiện những cái thấy cái biết ấy nữa. Tức là phải có phương pháp và ý chí nuôi dưỡng phẩm chất tâm hồn. Bạn phải biết cách nới rộng dung lượng trái tim khi biết rằng mình phải chấp nhận đối tượng khó chịu này hay hoàn cảnh trái nghịch này. Bạn không thể dùng cái đầu thông minh của mình để đón nhận sự khó khăn được mà cần phải có một trái tim đủ lớn.
 
Trở lại câu chuyện Đức Phật dạy người đệ tử: Điều như ý người đệ tử cần là nước sạch, nước trong lành. Điều bất như ý là ngoại cảnh tác động làm nước vẩn đục. Nhưng rồi thời gian làm nước lắng, lặng, bùn cũng thôi rong chơi, mà nghỉ ngơi nơi nó thường vậy, “nơi sâu nhất” vũng nước, hay sông, suối là đáy. 
 
Để đạt điều này, cần kiên nhẫn. Và ta cũng vậy, để tâm có thể bình an, cần kiên mẫn lắng nghe thân, tâm mình, sao cho từng dòng cảm xúc dần lắng đọng hiền hòa.
 
Khi ta biết lắng lòng cảm nhận, lắng nghe thân, tâm mình, nương theo từng dòng chảy nơi tâm thức như từng hơi thở vào, ra được cảm thụ sâu sắc, khi đó ta thấy bình yên. 
 
Rồi ngày kia, bạn, tôi, tất cả chúng ta đều cảm nhận rõ: Tâm tự tìm thấy bình yên…
 
Thường Nguyên - Phật giáo ORG