Chủ đề
CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !
Phó Vương Vitasoka ( Em trai Vua A Dục Asoka) Vấn Đạo Ngài Sangharakkhita


Ảnh: Minh Họa

Một hôm, khi bái kiến Tôn giả Sangharakkhita tại ngôi chùa Asokarama, hoàng đệ đảnh lễ và kính bạch:

- Thưa Tôn giả, người sống thế nào gọi là không hoang phí cuộc đời?

- Tâu phó vương, sống với thiện pháp gọi là không hoang phí cuộc đời.

- Thưa Tôn giả, sống với thiện pháp là sống thế nào?

- Tâu phó vương, sống với thiện pháp tức sống nhiêu ích bản thân và tha nhân.

- Thưa Tôn giả, sống nhiêu ích bản thân và tha nhân là thế nào?

- Tâu phó vương, cuộc sống có hi hiến tức thực hiện hạnh bố thí; kiến tạo cuộc sống nhiều ích bằng thiện hạnh hóa thân, khẩu, ý, tích cực nỗ lực tu tập mọi thiện sự tinh tấn bất thối chuyển; sống trung hậu, chân chất trong hành động, ngôn từ, ý nghĩ tức thành thật với chính mình và mọi người.

- Thưa tôn giả, đây có phải là những tiêu chuẩn tác thành phúc lạc hiện kiếp và hậu kiếp.

- Tâu phó vương, đúng vậy.

- Thưa Tôn giả, có những tiêu chuẩn nào kiến tạo hạnh phúc ngay trong hiện kiếp.

- Tâu phó vương, Đức Phật dạy bốn tiêu chuẩn có khả năng tiến thân hạnh phúc ngay trong kiếp sống:

1.Uitthanasampada - Cần mẫn tức nỗ lực công tác chuyên ngành, như thời niên thiếu tích cực học hành; trung niên tạo lập sự nghiệp hợp đạo; lão niên chuyên tu phúc huệ.

2.Arakkhasampada - Kiệm phác tức cảnh gíác trong vấn đề chi tiêu, tằn tiện chất phát không hoang phí.

3.Kalyanamittata - Thiện hữu tức cẩn trọng kết giao, tiếp cận bạn hiền, bạn tốt.

4.Samajivita - Sống đơn giản tức biết an phận, không đua đòi ...

Tâu phó vương, bất cứ ai nghiêm túc trì hành bốn tiêu chuẩn này bảo đảm sẽ được hạnh phúc ngay trong cuộc sống hiện tại.

- Thưa Tôn giả, có tiêu chuẩn nào đặc biệt tác thành hạnh phúc trong tương lai.

- Tâu phó vương, Đức Phật dạy bốn tiêu chuẩn để thụ hưởng phúc trong tương lai:

1.Saddha – Chánh tín tức niềm tin có sự trợ duyên của trí tuệ tức tin nghiệp quả, chánh tà, tội phước, địa ngục, chư thiên và sự giác ngộ chư Phật.

2.Sila - giới đức tức đời sống vô tội, không hại mình hại người và luôn tôn trọng sự sống, tài sản và hạnh phúc gia đình tha nhân.

3.Caga - Xả tài ban bố tức chia cơm xẻ áo, giúp đỡ kẻ nghèo, khuyết tật, mù lòa, phong cùi, bệnh tâm thần mê loạn v.v.

4.Panna – Trí tuệ tức tạo điều kiện học rộng nghe nhiều, dùng trí suy nghĩ phán xét, đối chiếu; thực tập thiền chỉ thiền quán khiến phát sinh trí tuệ. Nhận định bốn sự thật cuộc đời là khổ, nhân sinh khổ, sự diệt khổ và phương pháp diệt khổ.

- Tâu phó vương, người nào tu tập tích cực bốn tiêu chuẩn này thì chắc chắn sẽ thành tựu phúc lạc trong những kiếp lai sinh. Nhưng nếu muốn giải thoát sinh tử luân hồi, Đức Phật dạy pháp môn tu tập cao hơn, tức tu Tăng thượng giới, Tăng thượng Tâm (định), Tăng thượng tuệ, tức tu giới để diệt tham, tu định để diệt sân, tu huệ để diệt si. Tâu phó vương, tu theo giới định huệ sẽ đoạn trừ tham, sân, si và sẽ được thành Phật.

- Thưa Tôn giả, người hành trì phạm hạnh với mục đích gì?

- Tâu phó vương, người tu trì phạm hạnh với mục đích thúc liễm các căn (samvara); đoạn phiền não (Pahana), ly dục (Viraga), diệt khổ (Nirodha).

- Thưa Tôn giả, những Tăng thượng pháp này, người tại gia có thể hành trì được không.

- Tâu phó vương, dĩ nhiên là được, nhưng trong nếp sống xuất gia thì khả năng tu tập tích cực hơn và sự thành tựu có cơ hội đạt kỷ lục vượt thời gian.

Vì giáo pháp đức Thế tôn khéo tuyên thuyết, khéo lưu bố, nghĩa văn cụ túc, thiết thực hiện tiền, dành cho những người phát tâm để chứng nghiệm, vượt ngoài thời gian, có hiệu năng hướng thượng, chỉ bậc trí giả mới thực sự thân chứng.

Còn đời sống tại gia thì quá bận bịu thế sự, công ăn việc làm, giáo dưỡng vợ con, giúp đỡ thân quyến, tiếp cận thù lao, giao tế xã hội, xúc tiếp trực diện sắc đẹp, tiếng hay, mùi thơm, vị ngon và nhiều thú vui khoái lạc vật chất, có quyền lựa chọn vật dục, tùy thuận thị hiếu, không có phương pháp chế tài, không người giám hộ, ngay cả luật lệ cũng trở thành vô nghĩa.

Trong khi đời sống xuất gia thì hoàn toàn ngược lại.

Phó vương Vitasoka đảnh lễ Tôn giả Sangharakkhita xin phép cáo lui. Trên đường về, phó vương triền miên suy nghiệm pháp thoại Tôn giả, cảm thấy thú vị ngọt ngào, một nỗi hân hoan, an lạc tràn ngập toàn thân.

Trích Đại Đế Asoka
HT Hộ Giác

Nguồn: Buddha Dhamma