Chủ đề
CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !
Đồng bằng Bắc Bộ đang vào vụ gặt. Nhớ ngày xưa, người nông dân phải dậy từ tờ mờ sáng để gặt, mang theo lỉnh kỉnh những chai nước, những ấm đồng, cơm nắm mà gặt tới qua trưa vẫn chưa xong.
. Đó là chưa kể đến những việc khác như gánh lúa rồi đập lúa, rất vất vả. Đó là người lớn, còn tụi trẻ con thì chúng lại thảnh thơi và vui vẻ với “vụ mùa” rất riêng của mình. Người lớn thì lúi húi gặt, mấy đứa nhỏ thì nhảy nhô nhảy nhào trên bờ ruộng tìm bắt những con muồm muỗm, cào cào hoặc bắt dễ, bắt ếch. Rồi khi nắng lên, cả bọn lại rủ nhau nằm xuống gầm xe bò, rút những cây lúa thật dài và to rồi tuột hết hạt và lá đi để giả làm gươm đánh nhau. Khi chơi chán chê thì cũng là lúc dưới ruộng người lớn đã gặt được la liệt những đon lúa. Cả bọn lại lau chau đội mũ rơm đi xuống phụ với người lớn ôm lúa chất lên xe. Những lúc đó, hương lúa theo gió phả vào mặt rất dễ chịu. Mùi hương ấy còn đi mãi cùng năm tháng, đó là một phần của hương mùa hè, của tuổi thơ bằng vàng.
Nhưng cuộc sống của người lớn bây giờ đã làm cho cái hiện tại không còn là vàng nữa. Mặt trời không như ngày xưa, đồng ruộng không như ngày xưa… cái người lớn trong mỗi người đã làm tất cả thay đổi. Cái người lớn bây giờ đã sử dụng quá nhiều thuốc trừ sâu khiến cho ếch nhái không sống nổi, những vụ gặt không còn thấy lách tách những muồm muỗm, cào cào.
Cái gọi là người lớn làm cho tâm con người ta thay đổi. Những chiếc lá của hồn nhiên, của thảnh thơi rơi rụng hết, chỉ còn lại trong những kí ức. Làm người lớn, phiền não giăng đầy, chẳng thế mà nhiều người luôn thích những gì thuộc về tuổi thơ, thuộc về ngày xưa và muốn tìm một “cái vé” để “xin” được trở về dù biết điều đó là không thể.
Những trạng thái mơ màng trong quá khứ dù là những điều tinh khôi nhất khiến mình không thể có mặt được với thực tại, và đó là nguyên nhân dẫn tới tương lai của mình cũng mờ ảo. Mờ ảo ở đây không phải là sự thiếu thốn về vật chất, danh lợi mà là sự khắc khoải một thiên đường, một không gian bình yên và an toàn trong sâu thẳm tâm hồn mình.
Và thực tập chánh niệm sẽ giúp chúng ta có thể tiếp xúc với hiện tại một cách đích thực và nhìn sâu để thấy được rằng không có gì đã mất hoặc đã qua. Nó giúp ta không rơi vào tình trạng bâng khuâng, mơ màng trong quá khứ. Khi theo sự vận hành của tâm thức, những dữ liệu quá khứ trong tàng thức có phát khởi lên ý thức thì chánh niệm chỉ có việc tiếp nhận sự phát khởi đó, tiếp xúc với cánh đồng xưa một cách có hiểu biết, có ý thức rồi nương theo năng lượng ấy mà nhìn sâu vào cánh đồng của hiện tại. Công năng của cánh đồng vẫn như vậy, chỉ có tâm của mình đổi thay thôi. Mình đã đổi thay từ hình dáng cho đến tâm thức mà sao bắt cánh đồng không đổi thay. Nhìn sâu để thấy rằng dù là vô thường nhưng cậu bé của ngày xưa vẫn đang có mặt trong cái thân xác đã to lớn hơn, cánh đồng đất quê của ngày xưa vẫn đang có mặt trong cái thực trạng của “cánh đồng bê tông” hiện đại bây giờ.
Trong tâm ta có hai phần là ý thức và tàng thức. Một người không thể nói rằng hiện tại tôi không có tâm hành nào đó tiêu cực. Có thể điều đó đúng ở phần trên ý thức nhưng ở tàng thức vẫn đang chứa đựng đầy rẫy những tâm bất thiện, chỉ là nó chưa có đủ điều kiện để phát khởi lên tàng thức mà thôi. Trong Duy thức học gọi những phần ở dưới tàng thức là hạt giống, hạt giống chỉ nảy mầm và lớn lên đơm hoa kết trái khi và chỉ khi có hội đủ điều kiện hỗ trợ cho điều đó. Chánh niệm có mặt khi ta có đủ những điều kiện như công đức tu tập, thiền thân, giáo lý chỉ dẫn, thầy, thiền đường… Tùy theo căn cơ tu tập mà mình lựa chọn uyển chuyển phương pháp tu tập sao cho phù hợp. Không nên lấy một tiêu chuẩn nào đó áp đặt cho mình vì như vậy vô hình trở thành những áp lực và chướng ngại. Ví dụ như khi ở với thiền thân, ở nơi tĩnh mịch… ta nuôi dưỡng được chánh niệm tốt nhất thì ta nên nương vào đó mà tưới tẩm hạt giống chánh niệm phát triển mạnh. Khi đó cây chánh niệm đơm hoa kết trái và rơi xuống “đất tâm” thật nhiều hạt giống chánh niệm khác, làm áp đảo những hạt giống của thất niệm. Chớ vội vàng đi vào những hoàn cảnh, những điều kiện khác để hạt giống chánh niệm không có cơ hội nẩy mầm. Tự độ được chừng mực thì hãy độ tha.
Và như thế, khi cánh đồng tuổi thơ ào ạt về, ta đừng đàn áp kí ức để ở với cái “hiện tại” là cánh đồng ngày nay, đó không phải là chánh niệm. Sự khéo léo trong chánh niệm lúc này là nương vào những cái đẹp của kí ức cánh đồng xưa, của dòng tâm thức đang có mặt. Ta nhìn sâu vào cánh đồng của hiện tại để thấy rằng cái hiện tại đang ôm cái ngày xưa ở trong lòng, đích thực không sai và ta không bị cái bề ngoài đánh lừa nữa, ta có thể thực sự an trú với hiện tại.
Ta có hai hỷ lạc trong tâm, cái hồn nhiên, thảnh thơi của tuổi thơ hòa quyện với sự trầm tĩnh, thanh thản của ngày nay. Nhìn vào bản thân, ta cũng thấy mình có được nhiều lắm những hỷ lạc. Hỷ lạc cộng hưởng với nhau nên có tác dụng cân bằng được những lúc khổ đau dồn góp lại, vì mình biết làm hòa, mình đã biết chế tác sự cân bằng.
Chánh niệm ngoài tiếp xúc đích thực với hiện tại còn có khả năng nhìn sâu, tiền đề cho sự quán chiếu sâu sắc. Các pháp môn tu học luôn có những mạch ngầm thông với nhau, tu một pháp cho sâu sắc là ta có thể tiếp xúc dần tới những pháp khác. Ta luôn thở và cười được khi chánh niệm thực sự biểu hiện. Và một cánh đồng trong ta cũng sẽ luôn ắp đầy những tươi vui, hạnh phúc.
Tịnh Dũng - Đăng trên Tuổi Trẻ Phật Việt - Một ấn phẩm của Vườn Tâm