Chủ đề
CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !
Thiền là một trạng thái tinh khiết và tập trung cao độ khi tâm trí xuôi chảy không gì ngăn trở, hoàn toàn đắm mình trong ý nghĩ về vũ trụ. Trong kinh điển Phật giáo Nguyên Thuỷ, thiền, tiếng Pali là bhavana, dùng để chỉ những pháp thực hành nhằm rèn luyện tâm. Có hai pháp thực hành thiền là Thiền định (samatha bhavana) và Thiền tuệ (vipassana bhavana).
Thiền là gì?
Bởi vì thiền rất khó giải thích, nên một số trích dẫn sau đây có thể giúp bạn hiểu được đôi chút về phương pháp thực hành này:
Mục đích của thiền trong Phật giáo là đạt được giác ngộ bằng cách trực tiếp nhìn thấy bản chất thật của sự tồn tại mà không có sự can thiệp của “cái tôi”.
Thiền quan tâm đến bản chất thật hơn là những gì chúng ta thấy hoặc suy đoán chủ quan.
Thiền có liên quan đến những sự vật như chúng đang là, mà không cố giải nghĩa chúng.
Thiền chỉ ra điều gì đó trước khi suy nghĩ, trước tất cả những ý tưởng của bạn.
Chìa khóa cho thiền chỉ đơn giản là tự hiểu biết.
Con người có khả năng trở thành một vị Phật. Phật tính là thuật ngữ đề cập đến bản chất thật của con người.
Thiền tông Phật giáo (Zen Buddhism) là một trường phái chuyên về thiền. Nó đôi khi được gọi là tôn giáo và đôi khi được gọi là triết học.
Thiền không phải là triết học hay tôn giáo.
Thiền cố gắng giải phóng tâm trí khỏi sự nô lệ của lý luận và sự bóp nghẹt của logic.
Thiền là tĩnh tâm.
– Từ điển Oxford định nghĩa thiền là thực hành suy ngẫm, chiêm nghiệm trong tĩnh lặng để cho tâm của người thực hành được an tịnh.
– Từ điển Merriam-Webster thì đưa ra hai định nghĩa khác nhau về thiền:
Thiền là tập trung tâm trí trong sự trầm tư để suy ngẫm về bản chất thật của cuộc sống.
Thiền là phương pháp rèn luyện và phát triển tâm trí dựa trên một đối tượng nào đó nhằm kích hoạt một nhận thức đúng đắn hơn về thực tại, một sự tỉnh thức tâm linh ở cấp độ cao hơn.
– Từ điển Cambridge định nghĩa thiền là hoạt đông hướng sự tập trung vào một đối tượng để tâm an tịnh và buông xã những phiền não trong đời sống hàng ngày.
Tóm lại, thiền có nghĩa là phương pháp rèn luyện tâm dựa trên sự tập trung có chủ ý vào một đối tượng, hoặc những khoảnh khắc xảy ra trong cuộc sống để tâm an tịnh. Khi tâm an tịnh thì trí tuệ sẽ phát triển giúp hành giả có cái nhìn chính xác và thấu đáo hơn những sự vật, hiện tượng để từ đó đưa ra những phản ứng phù hợp.
Ngoài ra, các tôn giáo cảm thấy bắt buộc phải trả lời mọi thứ như một dấu hiệu cho “sự khôn ngoan tuyệt vời” của họ, nhưng đối với thiền, không đưa ra bất cứ câu trả lời nào mới là sự khôn ngoan tuyệt vời.
Thiền không tìm cách trả lời những câu hỏi chủ quan bởi vì đây không phải là vấn đề quan trọng. Điều thực sự quan trọng là giây phút hiện tại, ở đây và ngay bây giờ, chứ không phải là quá khứ, tương lai hay Đấng tạo hóa.
Bạn chỉ cần tập trung vào khoảnh khắc hiện tại, sống hết mình trong khoẳnh khắc đó với những suy nghĩ, lời nói và hành động tốt đẹp tại thời điểm đó. Bạn không phải lo lắng về tương lai của mình sẽ như thế nào.

Hơn nữa, thiền thực sự tin rằng, không ai biết câu trả lời cho những câu hỏi đó và rằng họ không thể trả lời được vì khả năng hạn chế của con người. Cuộc sống là một giấc mơ, một ảo ảnh vĩ đại mà chúng ta nhận thức được thông qua bộ lọc tham chiếu, kinh nghiệm và bản ngã của chúng ta.

Thiền không tìm cách trả lời những câu hỏi chủ quan liên quan đến vũ trụ, siêu nhiên hay Đấng tạo hóa và một số học thuyết của tôn giáo khác.

Điều này có nghĩa là thiền đóng cánh cửa cho hiện tượng siêu hình? Không phải! Thiền không thể khẳng định hay phủ nhận chúng, vì vậy, nên giữ im lặng và sống một cách tích cực trong thời điểm hiện tại.
Nguồn gốc của thiền


Bồ Đề Đạt Ma là người sáng lập ra Thiền tông Trung Hoa.

Thiền là một phương pháp thực hành để tập luyện tâm trí được Đức Phật chia sẻ sau khi Ngài giác ngộ vào năm 35 tuổi. Sau đó, Phật giáo Đại Thừa đã hệ thống lại thành một trường phái Phật giáo được gọi là Thiền Tông, xuất hiện ở Trung Quốc cách đây 15 thế kỷ. Thiền Phật giáo được biết đến tại Trung Quốc bởi nhà sư Ấn Độ có tên là Đạt Ma Sư Tổ (Bodhidharma) vào thế kỷ thứ 5 SCN.
Ở Trung Quốc, nó được gọi là Ch’an, sự biểu hiện của Phạn ngữ Dhyana, nói đến một tâm trí hấp thu trong thiền định. Ở Nhật Bản, “thiền” được gọi là Zen thông qua cách phát âm từ chữ “Ch’an” của Trung Quốc, trong bất kỳ ngôn ngữ nào, nó điều có ý nghĩa là Thiền Phật giáo.
Theo một số học giả, thiền ban đầu giống như một hình thức pha trộn của Đạo giáo và Phật giáo Đại Thừa truyền thống, trong đó các thực hành thiền định phức tạp của Đại Thừa đã gặp phải sự đơn giản dường như vô nghĩa của Đạo giáo Trung Quốc để tạo ra một nhánh mới của Phật giáo là Thiền Tông.
Các bài giảng của Bodhidharma đã khai thác một số tiến triển đã có trong tiến trình, chẳng hạn như sự hợp lưu giữa triết học Đạo Lão với triết học Phật giáo. Các triết lý ban đầu Đại Thừa của Madhyamika (khoảng thế kỷ 2 SCN) và Yogacara (thế kỷ thứ 3 SCN) cũng đóng vai trò rất lớn trong sự phát triển của thiền.
Dưới sự hướng dẫn của Tổ phụ thứ sáu, Huệ Năng (Huineng: 638-713), thiền đã bỏ hầu hết những thứ của Ấn Độ, để trở thành của Trung Quốc và giống như thiền mà chúng ta đang nghĩ đến.
Thời kỳ vàng son của thiền phát triển mạnh vào thời nhà Đường, 618-907 SCN, và các bậc thầy của thời kỳ này vẫn “nói chuyện” với chúng ta thông qua các công án và những câu chuyện ý nghĩa.
thiền đã được truyền sang Việt Nam và Hàn Quốc rất sớm, có thể là ngay từ thế kỷ thứ 7 và Nhật Bản vào thế kỷ 12. Nó được phổ biến ở phương Tây bởi học giả người Nhật Daisetz Teitaro Suzuki (1870 – 1966), mặc dù nó đã được tìm thấy ở phương Tây trước đó. Eihei Dogen (1200-1253), không phải là vị Thiền sư đầu tiên ở Nhật Bản, nhưng ông là người đầu tiên thiết lập một dòng truyền thừa tồn tại cho đến ngày nay.
Thiền định là gì?
Thiền định hay còn gọi là thiền chỉ (Samatha bhavana) là một thực hành Phật giáo để làm dịu tâm, phát triển sự tĩnh lặng thông qua chánh niệm. Điều này được thực hiện bằng cách tập trung vào hơi thở để có thể nhận thức rõ ràng các suy nghĩ, hành động và mọi diễn biến xung quanh khi chúng phát sinh và biến mất.
Trong thiền định, tâm trở thành một cái hồ tĩnh lặng không bị xáo trộn, kích động, và sẵn sàng phản chiếu bản chất thật của sự vật, hiện tượng. Chúng ta sẽ nhận thấy rõ ràng khía cạnh chân thật của chúng khi chúng ẩn nấp dưới kiến ​​thức thông thường và sự bồn chồn của ái dục.
Thực hành thiền định thường xuyên sẽ đi kèm 3 lợi ích: Mang lại hạnh phúc trong cuộc sống hiện tại, thanh lọc cơ thể và tâm trí, tự do khỏi những phiền não tinh thần. Đây cũng điều kiện tiên quyết để đạt được Tuệ Minh Sát.
Thiền quán là gì?
Thiền Minh Sát, thiền quán hay thiền tuệ (Vipassana Bhavana) có thể được dịch là “cái nhìn sâu sắc vào bên trong”, một nhận thức rõ ràng và chính xác những gì đang xảy ra khi nó xảy ra. Nó liên quan đến khoảnh khắc hiện tại, quan sát thân thể (rupa) và tâm (nama) với sự chú ý sâu sắc.
Để làm được điều này, hành giả phải đưa tâm vào trạng thái tĩnh lặng, nghĩa là phải đạt định thì mới “minh sát” (nhìn sáng suốt) được. Cũng giống như mặt hồ tĩnh lặng thì bóng trăng mới tròn và rõ được, có thể nhìn thấu suốt những gì bên dưới nó.
Thiền quán là một cách tự chuyển đổi tâm thức thông qua sự tự quan sát của cá nhân. Nó tập trung vào sự kết nối sâu sắc giữa tâm và thân thể, có thể trải nghiệm trực tiếp bằng sự chú ý kỷ luật đối với những cảm giác vật chất hình thành nên cuộc sống của cơ thể và liên tục kết nối các điều kiện tạo nên cuộc sống của tâm.
Chính hành trình tự khám phá này sẽ dẫn đến tận gốc rễ của tâm và cơ thể để giải thể sự ô uế về tinh thần, dẫn đến một tâm cân bằng đầy tình thương, từ bi và trí tuệ.
Thiền quán là biểu hiện cuối cùng của khẩu hiệu Socrates, “Hãy tự biết lấy chính mình”. Đức Phật khám phá ra nguyên nhân của đau khổ và nó có thể loại bỏ khi chúng ta nhìn thấy bản chất thật của chính mình. Đây là một cái nhìn sâu sắc vào bên trong. Nó có nghĩa là hạnh phúc của chúng ta không phụ thuộc vào các điều kiện bên ngoài, mà nó phụ thuộc vào chất lượng của tâm trí.
Thiền Minh Sát là một thực hành quan trọng để thanh lọc tâm trí, các yếu tố tinh thần gây ra phiền não và đau khổ. Kỹ thuật này không đòi hỏi sự trợ giúp của thần linh hay bất kỳ sức mạnh bên ngoài nào khác, mà nó dựa vào nỗ lực của mỗi cá nhân.
Mục đích của thiền trong Phật giáo


Mục đích của thiền là nhận ra bản chất thật của cuộc sống thông qua chánh niệm tỉnh giác.

Có rất nhiều điều trong cuộc sống ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta có thể chịu trách nhiệm về trạng thái tâm trí của chính mình và thay đổi cho chúng tốt hơn.
Theo đạo Phật, đây là điều quan trọng nhất mà chúng ta có thể làm, và Phật giáo dạy rằng đó là thuốc giải độc duy nhất cho nỗi đau, những lo lắng, sợ hãi, hận thù và những rối rắm xung quanh.
Thiền là một phương pháp để biến đổi tâm trí. Thiền quán trong Phật giáo là những kỹ thuật khuyến khích và phát triển sự tập trung, sự rõ ràng, tình cảm, và sự bình tĩnh để nhìn thấy bản chất đích thực của cuộc sống.
Bằng cách tham gia vào một khoá thực hành thiền cụ thể, bạn sẽ luyện tập thói quen trong tâm trí của bạn, biến chúng thành những hành động tích cực trong cuộc sống.
Với công việc thường xuyên và sự kiên nhẫn, những trạng thái tâm dưỡng, tập trung của tâm trí có thể đi sâu vào các trạng thái tinh thần tích cực và tràn đầy sức sống. Những trải nghiệm như vậy có thể giúp chuyển đổi hoặc dẫn đến một sự hiểu biết mới về cuộc sống.
Thiền định nhằm mục đích đưa tâm trí ra khỏi vòng luẩn quẩn tinh thần, từ đó có thể nhận thức rõ ràng và nhận ra Phật tánh của mình. Những người hành thiền nhằm mục đích đạt được giác ngộ thông qua cách sống của họ, bởi vì các hành động tinh thần tiếp cận chân lý mà không có tư tưởng triết học hay nỗ lực trí tuệ.
Một số trường phái thiền làm việc để đạt được khoảnh khắc giác ngộ bất ngờ, trong khi những trường phái khác thì thích một quá trình từ từ.

Thiền không phải là một lý thuyết, một ý tưởng hay một phần của kiến ​​thức. Nó không phải là niềm tin, tín điều hay tôn giáo, mà đó là một kinh nghiệm thực tế.
Nó không quan tâm đến các lý thuyết hay các nghi thức siêu hình mà chỉ tập trung hoàn toàn vào việc thực hành chánh niệm thông qua các tư thế (Zazen).

Trong sự im lặng của không gian xung quanh, lặng lẽ ngồi xuống, ngừng chuyển động, và buông bỏ những suy nghĩ của bạn. Giữ thẳng lưng, tập trung vào tư thế, hơi thở và để tâm trí của bạn tan chảy, hợp nhất với vũ trụ.
Thiền trong Phật giáo là một thực hành cần phải có kinh nghiệm chứ không phải là một khái niệm mà bạn có thể tri thức hóa hay hiểu được thông qua một bài viết như thế này.
Hậu quả khi ngồi thiền không đúng cách

Theo nhiều nghiên cứu, những người thường xuyên ngồi thiền sai tư thế sẽ dẫn đến các bệnh lý về xương khớp, thoái vị đĩa đệm, vẹo cột sống… Hành giả tu thiền không đúng cách có thể mắc các chứng rối loạn tâm thần (tẩu hỏa nhập ma) như hoang tưởng, ảo giác và trầm cảm.
Vì vậy, nếu bạn nào muốn thực hành thiền thì nên đến các trung tâm thiền uy tín, đến gặp các sư thầy để được hướng dẫn kỳ càng hoặc tham khảo những kỹ thuật ngồi thiền định cơ bản sau.
Kỹ thuật ngồi thiền định đúng phương pháp
Trước khi bắt đầu thực tập ngồi thiền, bạn cần tìm một nơi yên tĩnh để không bị quấy rầy. Phòng mà bạn tập luyện không nên quá tối hoặc quá sáng, quá nóng hoặc quá lạnh.
Tư thế chuẩn khi ngồi thiền
Có nhiều cách khác nhau mà bạn có thể ngồi thiền định. Theo truyền thống, chỉ có tư thế hoa sen hoặc tư thế bán hoa sen là được sử dụng. Nếu bạn khó khăn khi thực hiện tư thế này, hãy mạnh dạn ngồi trên ghế hoặc tựa lưng vào tường với một tư thế mà bạn thấy thoải mái nhất.


Tư thế hoa sen trong thiền

Đầu tiên bạn nên ngồi trên một cái đệm dày và tròn, trong tư thế hoa sen hoặc tư thế bán hoa sen. Mục đích của đệm này là nâng hông, do đó buộc đầu gối chắc phải bắt rễ xuống sàn nhà. Bằng cách này, tư thế thiền của bạn sẽ được ổn định hơn và cũng thoải mái. Ngoài ra, bạn nên có một một tấm thảm chữ nhật được đặt dưới vòng đùi lót đầu gối và chân.
Đối với tư thế bán hoa sen, đặt hai chân lên trên đùi đối diện, và đặt chân kia lên sàn bên dưới đùi còn lại. Đối với tư thế hoa sen, bạn đặt từng chân lên đùi đối diện với đường ngón chân khớp với đường ngoài của đùi. Điều quan trọng là “đẩy” bầu trời lên trên đầu và đẩy sàn nhà xuống với đầu gối của bạn.


Tư Thế Bán Hoa Sen Trong Thiền

 

Nếu những tư thế này quá khó chịu, bạn có thể sử dụng ghế ngồi thiền. Bạn cũng có thể ngồi trên ghế nhưng không nên sử dụng ghế dựa.
Điểm quan trọng của tư thế này là giữ cho cơ thể thẳng đứng và cân bằng, cố gắng không nghiêng theo bất kỳ hướng nào, không phải hay trái, không tiến về phía sau và ngược lại.
Đầu và cổ trong khi ngồi thiền
Dù bạn chọn tư thế nào thì hãy đảm bảo rằng lưng và cổ của bạn càng thẳng càng tốt. Kéo cằm của bạn xuống một chút để dựng cổ lên và cố gắng “đẩy bầu trời” lên trên đỉnh đầu của bạn.
Đừng quá căng thẳng hoặc quá thoải mái trong khi bạn làm điều này. Cố gắng tìm sự cân bằng trong tư thế của bạn. Giữ miệng của bạn khép lại trong suốt quá trình thiền định. Răng của bạn nên chạm vào nhau, và lưỡi của bạn phải dựa trên mái vòm miệng, đằng sau răng của bạn.
Đôi mắt trong khi ngồi thiền
Theo truyền thống trong Phật giáo, đôi mắt được giữ mở trong suốt quá trình thiền định. Điều này ngăn người thiền mơ mộng hoặc buồn ngủ. Hướng tầm nhìn của bạn khoảng một mét phía trước trên sàn nhà. Đôi mắt của bạn sẽ tự nhiên nghỉ ngơi ở vị trí nửa mở và đóng. Hành giả nên ngồi đối diện với một bức tường để tránh bị xao lãng bởi sự di chuyển bên ngoài.
Vị trí bàn tay khi ngồi thiền
Vị trí của bàn tay chạm vào nhau, tư thế tay này được gọi là Mudra vũ trụ hay Hokkaijoin bằng tiếng Nhật. Đầu tiên, đặt tay trái của bạn vào bên phải, và lòng bàn tay quay về phía bầu trời.
Bây giờ, tạo một hình bầu dục bằng cách chạm vào đầu ngón tay cái để ngón tay cái chạm vào nhau và tạo thành một đường thẳng. Các đầu ngón tay cái của bạn nên nhẹ chạm vào nhau. Cả hai cổ tay bạn nên nghỉ ngơi trên đùi của bạn. Cạnh của bàn tay bạn nên nghỉ ngơi trên bụng bạn. Giữ vai của bạn thư giãn.


Vị Trí Bàn Tay Trong Khi Thiền

Có hai lý do cho tư thế tay này. Thứ nhất, hình dạng của bàn tay hài hoà điều kiện của tâm trí chúng ta. Ý nghĩa của mudra là “vượt khỏi tính hai mặt”.
Thứ hai, nếu tâm trí của bạn ở đâu đó khác khi bạn ngồi thiền, hình dạng của hình bầu dục này trở nên méo mó. Đây có thể là một dấu hiệu cho chính bạn rằng có điều gì đó không ổn và cho giáo viên của bạn để họ có thể sửa bạn.
Hơi thở trong khi ngồi thiền
Thở trong thực tập thiền định là một phần quan trọng, và nó là một phần cơ bản của luyện tập thiền định. Hít thở đúng chỉ có thể đạt được qua tư thế đúng. Trong thời gian thiền định, hãy thở nhẹ nhàng qua mũi và giữ miệng đóng lại.
Hãy cố gắng thiết lập một nhịp điệu tự nhiên bình tĩnh, dài và sâu. Bạn nên nhớ rằng, không được kiểm soát hơi thở mà để nó tự nhiên. Cái chúng ta cần làm là quan sát nó chứ không phải kiểm soát nó. Thở trong thiền và võ thuật là tương tự, và chúng có thể được so sánh với tiếng kêu của một con bò hoặc tiếng gầm của một con hổ.
Trạng thái tâm trí
Giống như hơi thở, tâm trí là điều thiết yếu trong thực hành thiền. Trạng thái tâm trí xuất hiện tự nhiên từ tập trung sâu vào tư thế và hít thở. Trong khi thiền, bình thường sẽ có hình ảnh, tư tưởng và cảm xúc xuất hiện trên bề mặt tâm trí.
Đừng theo đuổi chúng hoặc chiến đấu chống lại chúng. Càng cố gắng loại bỏ chúng, bạn càng chú ý nhiều đến chúng và chúng càng trở nên mạnh hơn. Chỉ để chúng tự nhiên, quan sát chúng đến rồi đi như những đám mây trên bầu trời.


Tư Thế Chuẩn Khi Ngồi Thiền Định

Thiền sư Taisen Deshimaru chia sẻ:

“Chỉ cần ngồi, không tìm kiếm bất kỳ mục tiêu hay lợi ích cá nhân nào, nếu tư thế, hơi thở và tâm trí của bạn hòa hợp, bạn sẽ hiểu thật sự thiền là gì. Bạn sẽ hiểu được bản chất của Đức Phật. “

Tóm lại, người tu thiền nếu chỉ học lý thuyết mà không trực tiếp thực tập thiền thì không thể nào hiểu được thiền là gì. Có thực tập thiền mới là thiền sinh, có thiền chứng mới là Thiền sư. Thời gian công phu lâu mau tùy căn cơ và sự cố gắng tinh cần của mỗi người. Sự tham lam và nóng vội muốn chứng ngộ nhanh chóng thường dẫn đến những hậu quả khó lường.

Theo Hoa Sen Phật – Tham khảo: zen-buddhism.net