Chủ đề
CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !
Trong 5 năm của nhiệm kỳ VII, GHPGVN đã có những thành tựu trên nhiều lĩnh vực, giữ được sự vận động theo chủ trương đã đề ra “Kế thừa - Ổn định - Phát triển”, xác định là tổ chức đại diện cho Tăng Ni, Phật tử VN trong và ngoài nước.

Trong giới hạn của chuyên đề nhân Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2017-2022, là tuần báo duy nhất của Phật giáo cả nước hiện nay, gần tròn 42 năm hoạt động, trong đó hơn 36 năm đồng hành cùng Giáo hội kể từ khi vận động thành lập, Báo Giác Ngộ đã bình chọn 10 sự kiện nổi bật, và qua đó, trong tinh thần duyên sinh, cùng nhìn lại một chặng đường, để có những bước đi vững vàng trong một giai đoạn mới với phương châm “Trí tuệ - Kỷ cương - Hội nhập - Phát triển”.

1. Đại lễ kỷ niệm 50 năm Bồ-tát Quảng Đức vị pháp thiêu thân 
 

50 bo tat quang duc (2)-X.jpg
Đại lễ kỷ niệm 50 năm Bồ-tát Thích Quảng Đức vị phảo thiêu thân tại tỉnh Khánh Hòa - Ảnh: Nguyên Hải


Kỷ niệm tròn nửa thế kỷ Bồ-tát Quảng Đức vị pháp thiêu thân (1963-2013), TƯGH đã có thông tư hướng dẫn tổ chức sự kiện trọng đại này, với ý nghĩa “tưởng niệm công đức hy sinh to lớn của Bồ-tát Thích Quảng Đức, đã vì Pháp thiêu thân cúng dường Tam bảo, cầu nguyện Đạo pháp trường tồn, nước nhà độc lập, thống nhất, thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc; nhất là Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày nay kế thừa sự nghiệp Phật giáo Việt Nam được tồn tại và không ngừng phát triển”. 
 

50 bo tat quang duc (1)-X.jpg


Theo đó, các buổi lễ đồng loạt tổ chức tại các tỉnh thành vào ngày 20-4-Quý Tỵ (29-5-2013), đặc biệt là tại tỉnh Khánh Hòa - quê hương của Bồ-tát, Thừa Thiên Huế - nơi phát khởi cuộc đấu tranh đòi quyền bình đẳng tôn giáo năm 1963 và tại TP.Hồ Chí Minh, cao trào của cuộc tranh đấu. Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM kết hợp với Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tổ chức Hội thảo khoa học “Năm mươi năm phong trào đấu tranh của Phật giáo miền Nam (1963-2013)”, vào ngày 11-6-2013, tại Khu du lịch Phương Nam, Thuận An, tỉnh Bình Dương với sự tham dự của đông đảo học giả đến từ các trung tâm nghiên cứu trong nước và hải ngoại.

2. Đăng cai & tổ chức thành công Đại lễ Vesak 2014 
 

Dang cai Vesak-X.jpg
Khai mạc Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2014 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế chùa Bái Đính, Ninh Bình
Ảnh: Bảo Toàn


Đại lễ diễn ra trong 3 ngày (từ 8 tới 10-5-2014) tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Bái Đính (chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình) với sự tham dự của gần 100 đoàn Phật giáo các quốc gia và vùng lãnh thổ, với sự hiện diện của chư tôn đức lãnh đạo tối cao của Giáo hội, lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, MTTQVN. Lễ khai mạc được phát sóng trực tiếp trên Đài Truyền hình quốc gia (VTV).

Các học giả đã tham gia diễn đàn quốc tế, cùng đồng thuận về Tuyên bố Ninh Bình 2014 gồm 7 điều, trong đó nhấn mạnh việc đôn đốc các nhà lãnh đạo chính trị giải quyết các tranh chấp liên quan đến chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thông qua đàm phán và các biện pháp hòa bình khác, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật biển 1982 để duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác thế giới. Tại sự kiện quốc tế này, nhiều hoạt động văn hóa tâm linh đã được tổ chức, đặc biệt là nội dung hội thảo với 162 báo cáo thực hiện bằng tiếng Anh, 65 báo cáo bằng tiếng Việt tại 7 hội thảo nhóm xoay quanh chủ đề Đại lễ - “Phật giáo góp phần thực hiện mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của LHQ”.

3. Hội thảo Tăng sự toàn quốc 
 

Hoi nghi Tang su-X.jpg
Hội thảo về ngành Tăng sự toàn quốc năm 2015 - Ảnh: Bảo Thiên


Trong 2 ngày 26, 27-6-2015, Hội nghị ngành Tăng sự toàn quốc đã được tổ chức tại Phòng họp quốc tế chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình. Với chủ đề “Quản lý Tăng Ni trong giai đoạn hiện nay - thực trạng, thách thức và giải pháp”, đây được xem là hội nghị toàn quốc mang tính quy mô nhất của ngành từ ngày thành lập Giáo hội đến nay để bàn về nhiều vấn đề nảy sinh trong sinh hoạt và đời sống của Tăng đoàn trước tình hình mới như: phạm hạnh Tăng Ni, quản lý tự viện, đàn giới, thu nhận đệ tử…

Hình thức tổ chức Hội nghị cũng đặc biệt vì sau nghi thức khai mạc vào chiều 26-6 với sự tham dự của chư tôn giáo phẩm HĐCM, HĐTS, đại biểu khách mời, thì toàn bộ thời gian còn lại chỉ có chư Tăng Ni đại biểu chính thức mới được tham gia thảo luận tại hội nghị để làm sáng tỏ và đưa ra nhiều giải pháp thiết thực đối với một trong những Phật sự quan trọng nhất của cả hệ thống Giáo hội.

4. Hoàn thiện Giáo hội cấp tỉnh, thành lập 3 ban chuyên ngành mới 
 

Hoan thien Giao hoi cac cap-X.jpg
Lễ công bố quyết định thập lập BTS GHPGVN tỉnh Lai Châu năm 2015


Vào ngày 27-3-2015, tại TP.Lai Châu, TƯGH đã long trọng tổ chức lễ công bố Quyết định thành lập GHPGVN tỉnh Lai Châu. Đây là đơn vị Phật giáo cấp tỉnh được thành lập sau cùng của cả nước, đánh dấu mốc mạng mạch đạo pháp được xiển dương, thông suốt 63 tỉnh, thành phố trong toàn quốc.

Cũng liên quan đến công tác tổ chức hành chính, để đẩy mạnh và chuẩn hóa hoạt động Phật sự trong một số lĩnh vực, từ sau Đại hội kỳ VII (2012-2017), Giáo hội đã thành lập thêm 3 ban chuyên ngành cấp Trung ương mới trên cơ sở nâng cấp từ các ủy viên chuyên trách trước đó, bao gồm: Ban Pháp chế, Ban Kiểm soát, Ban Thông tin-Truyền thông; theo đó nâng tổng ban, ngành TƯGH lên con số thứ 12 và 1 viện.

5. Kiện toàn nhân sự lãnh đạo cấp cao sau khi HT.Thích Trí Tịnh viên tịch 
 

Kiện toàn nhân sự lãnh đạo-X.jpg
Lễ cung thỉnh Giác linh Trưởng lão HT.Thích Trí Tịnh quang lâm Văn phòng II TƯGH - Ảnh: Yên Hà


Ngày 28-3-2014, Trưởng lão HT.Thích Trí Tịnh, Chủ tịch HĐTS (từ năm 1984) viên tịch, để lại niềm kinh tiếc, mất mát vô cùng to lớn trong lòng Tăng Ni, Phật tử trong và ngoài nước. Sau đó, Ban Thường trực HĐTS đã tổ chức Hội nghị mở rộng vào tháng 9-2014 nhằm kiện toàn nhân sự, suy cử HT.Thích Thiện Nhơn đảm nhiệm chức vụ Quyền Chủ tịch HĐTS; HT.Thích Thiện Pháp đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS kiêm Trưởng ban Tăng sự T.Ư; HT.Thích Thiện Tánh, TT.Thích Quảng Hà, TT.Thích Thanh Quyết đảm nhiệm Phó Chủ tịch HĐTS; TT.Thích Đức Thiện đảm nhiệm Tổng Thư ký HĐTS; TT.Thích Thiện Thống, TT.Thích Thanh Điện đảm nhiệm Phó Tổng Thư ký HĐTS kiêm Chánh Văn phòng I và Văn phòng II.

Tiếp theo đó, vào tháng 1-2016, Hội nghị thường niên kỳ 4 khóa VII, các đại biểu đã suy tôn HT.Thích Chơn Thiện và HT.Thích Trí Quảng vào ngôi vị Phó Pháp chủ HĐCM GHPGVN.

6. Đào tạo thí điểm chương trình thạc sĩ Phật học đầu tiên tại VN 
 

hvpgvntphcm.png
HT.Thích Trí Quảng trao văn bằng tốt nghiệp thạc sĩ Phật học đến các học viên khóa I - Ảnh : B.Toàn


Theo Công văn số 18/TTr-TGCP ngày 27-9-2011 của Ban Tôn giáo Chính phủ, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã có ý kiến cho phép GHPGVN được thí điểm đào tạo thạc sĩ chuyên ngành Phật học tại Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM bắt đầu từ năm 2012, và thí điểm trong thời gian 5 năm. Khóa I có 150 học viên đủ điều kiện theo học sau kỳ thi tuyển, nhiều học viên đã bảo vệ luận văn thành công và đã được cấp bằng thạc sĩ Phật học tại lễ tốt nghiệp của Học viện vào năm 2015, 2017. Bằng tốt nghiệp thạc sĩ Phật học chỉ có giá trị trong hệ thống Phật giáo VN. Khóa II Học viện đã tuyển sinh được 150 học viên, đào tạo hai phương thức chính quy và từ xa. Đội ngũ giảng dạy gồm 100 giảng viên cơ hữu, thỉnh giảng có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ đang tham gia công tác giảng dạy và nghiên cứu tại Học viện cũng như các đại học khác.

Cùng với dấu ấn trên, về cơ sở vật chất của các Học viện cũng có nhiều thành tựu: Khánh thành và đưa vào sử dụng cơ sở 2 Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM (xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh); khánh thành cơ sở mới Học viện Phật giáo VN tại Huế và đặt đá xây dựng Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại Cần Thơ, cùng với việc thống nhất chương trình giảng dạy trung cấp Phật học trcả nước.

7. Đại lễ kỷ niệm 35 năm thành lập Giáo hội 
 

35 nam thanh lap GH 2-X.jpg
Đại lễ kỷ niệm 35 năm thành lập GHPGVN tại Bảo tàng Phật giáo Việt Nam, Sóc Sơn, Hà Nội
Ảnh: Hoàng Tuấn


Đánh dấu 35 năm hình thành và phát triển GHPGVN, một đại lễ quy mô, trang trọng đã được tổ chức tại Bảo tàng Học viện Phật giáo VN tại Hà Nội (H.Sóc Sơn, TP.Hà Nội) với sự tham dự của chư tôn đức lãnh đạo cao cấp của Giáo hội, lãnh đạo chính quyền các cấp và hàng ngàn chư Tăng Ni, Phật tử.

Nhân Đại lễ, Đức Pháp chủ HĐCM đã gởi bức thông điệp đặc biệt đến Tăng Ni, Phật tử trong và ngoài nước; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có bài phát biểu quan trọng và tặng Huân chương Lao động hạng Nhất của Chủ tịch nước đến Giáo hội. Trước đó, các tỉnh, thành trong cả nước lần lượt tổ chức lễ kỷ niệm tại từng địa phương.

Đại lễ kỷ niệm 35 năm thành lập Giáo hội là sự kiện trọng đại đối với Tăng Ni, Phật tử, đánh dấu sự trưởng thành, phát triển; đồng thời khẳng định tính kế thừa truyền thống hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc suốt chiều dài lịch sử 2.000 năm của Phật giáo VN.

8. TƯGH phê duyệt thực hiện đề án thống nhất văn hóa Phật giáo VN trên 4 phương diện: sắc phục, kiến trúc, ngôn ngữ và di sản 
 

Phe duyet thuc hien de an-X.jpg
Chư tôn đức và Quan khách tham quan triển lãm về 4 đề án văn hóa Phật giáo Việt nam - Ảnh: H.Tuấn


Lần đầu tiên xây dựng đề án về việc thống nhất trong đa dạng văn hóa Phật giáo trên 4 phương diện, đó là sắc phục, kiến trúc, ngôn ngữ và di sản Phật giáo. Theo đó, đề án do Ban Văn hóa T.Ư chủ trì và thực hiện với sự phối hợp của các ban, viện T.Ư GHPGVN và Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, các Viện Ngôn ngữ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội VN, Viện Di sản, Cục Bảo tồn Di sản, Hội Kiến trúc sư VN, Hiệp hội Dệt may VN và các đối tác chuyên môn khác. Đề án này đã được HT.Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS phê duyệt thực hiện tại Công văn số 271/2015/QĐ.HĐTS. Theo đó, đây là lần đầu tiên vấn đề định hướng bản sắc văn hóa dân tộc trong Phật giáo VN được Giáo hội quan tâm.

Vấn đề này có ý nghĩa căn bản trong việc định hướng, tìm về cội nguồn bản sắc văn hóa Phật giáo trong các biểu hiện hài hòa và được cô kết qua quá trình lịch sử hơn hai ngàn năm gắn bó mật thiết giữa Phật giáo và Dân tộc.

9. Hơn 6.000 huynh trưởng, đoàn sinh dự Trại Lục Hòa 2017 
 

Trai Lục hoa-X.jpg
Những gương mặt trẻ của Gia đình Phật tử tại Hội trại Lục Hòa năm 2017 - Ảnh: Bảo Thiên


Nhằm kỷ niệm 20 năm tổ chức Gia đình Phật tử VN (GĐPT) sinh hoạt trong lòng Giáo hội; tạo cơ duyên cho huynh trưởng, đoàn sinh ngành Thanh, Thiếu kết thân, tu tập Lục hòa, giao lưu sinh hoạt, phát huy sáng kiến xây dựng ngành, Trại họp bạn liên ngành Thanh - Thiếu GĐPT toàn quốc 2017 (Trại Lục Hòa 2017) đã được tổ chức từ 20 đến 23-7 tại tổ đình Thiên Ấn (Quảng Ngãi).

Hơn 6.000 huynh trưởng, đoàn sinh của tổ chức giáo dục thanh, thiếu, đồng niên GĐPT từ 35 tỉnh, thành trong cả nước dự trại. Đây là con số kỷ lục của một kỳ trại do GĐPT T.Ư tổ chức, kể từ ngày thành lập hơn 60 năm qua, qua đó cho thấy sự lớn mạnh của tổ chức GĐPT. Sau 4 ngày trại sôi nổi với nhiều nội dung thi đua và giao lưu được triển khai gồm văn nghệ, kỹ năng, hoạt động thanh niên, giáo lý, trò chơi vận động, đơn vị GĐPT tỉnh Quảng Nam đã đoạt giải nhất toàn đoàn, giải nhì và ba thuộc về GĐPT TP.Đà Nẵng và GĐPT tỉnh Thừa Thiên Huế.

10. Chú trọng và duy trì các Phật sự nơi vùng biên cương và hải đảo của Tổ quốc 
 

Chú trọng.jpg
Chùa Trường Sa Lớn - một trong những cột mốc tâm linh trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa
Ảnh: Mai Thắng


Đó là một trong những nội dung trọng yếu trong chương trình hoạt động của GHPGVN, gắn bó, đồng hành và có tinh thần trách nhiệm với sự an nguy của Tổ quốc. Theo đó, trong nhiệm kỳ VIII Giáo hội đã vận động kiến thiết các ngôi chùa - làm cột mốc tâm linh nơi các điểm tiền tiêu như chùa Tân Thanh (Lạng Sơn), chùa Cô Tô (trên đảo Cô Tô, Quảng Ninh), chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc (thác Bản Giốc, Cao Bằng), chùa Trúc Lâm Tà Lùng (Cao Bằng)…

Cùng với việc xây dựng các cột mốc tâm linh của dân tộc nơi các vùng phên giậu, Giáo hội cũng quan tâm tới việc điều động các Tăng sĩ tiếp tục dấn thân làm Phật sự ở vùng hải đảo, vùng cao; tiếp tục cử các Tăng sĩ luân phiên làm Phật sự hướng dẫn sinh hoạt tâm linh cho đồng bào và chiến sĩ trên các chùa Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, Sinh Tồn… trên biển đảo Trường Sa sóng gió của Tổ quốc.

 

Nguồn: giacngo.vn