Chủ đề
CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !
Sáng nay, 21-3 (28-2-Canh Tý), tại chùa Vạn Đức, Q.Thủ Đức - TP.HCM, tứ chúng đệ tử pháp quyến đã trang nghiêm tổ chức lễ húy kỵ lần thứ 4 của Đại lão HT.Thích Trí Tịnh, Đệ nhất Phó Pháp chủ kiêm Giám luật HĐCM, nguyên Chủ tịch HĐTS GHPGVN.
 
21ct.JPG
Quang cảnh buổi lễ tại Tổ đường chùa Vạn Đức
 
Từ sáng, chư Tăng Ni đã vân tập, đồng tụng phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện trước bảo tháp Phù Thi, sau đó cử hành khóa lễ cúng ngọ tại chánh điện và cung tiến Giác linh tại Tổ đường.
 
Trưởng lão HT.Thích Hân Đức, Thành viên HĐCM, Chứng minh BTS GHPGVN tỉnh An Giang; HT.Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS; HT.Thích Thiện Pháp, Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS kiêm Trưởng ban Tăng sự T.Ư, cùng chư tôn đức giáo phẩm HĐTS, BTS GHPGVN TP.HCM, Q.Thủ Đức, môn đồ pháp quyến, Phật tử tham dự lễ tưởng niệm.
 
2ct.JPG
HT.Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS đến dâng hương, đảnh lễ tưởng niệm
 
Dịp này, HT.Thích Hoằng Tri, trụ trì chùa Vạn Đức đã cung tuyên tiểu sử, ôn lại cuộc đời và đạo nghiệp của cố Đại lão Hòa thượng.
 
Theo đó, Đại lão HT.Thích Trí Tịnh, thế danh Nguyễn Văn Bình, sinh năm Đinh Tỵ (1917), tại làng Mỹ Luông, quận Cái Tàu Thượng, tỉnh Sa Đéc.
 
Năm 1937, ngài lên núi Cấm, đến chùa Vạn Linh, cầu xin Hòa thượng trụ trì Pháp húy Hồng Xứng cầu thế độ xuất gia; Năm 1941, thọ Sa-di giới tại chùa Quốc Ân - Huế và được Sư cụ Trí Độ ban cho Pháp hiệu là Trí Tịnh. Năm 1945, ngài được đăng đàn thọ Tỳ-kheo và Bồ-tát giới tại chùa Long An, Sa Đéc.
 
Từ năm 1945 đến ngày viên tịch, Đại lão Hòa thượng cống hiến trọn đời cho sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh, đóng góp công đức to lớn trong công cuộc chấn hưng, thống nhất và hòa hợp Phật giáo, đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo Tăng tài… góp phần xây dựng và bảo vệ khối đại đoàn kết dân tộc, phụng sự đất nước.
 
5ct.JPG
HT.Thích Hoằng Tri cung tuyên tiểu sử của Đại lão Hòa thượng
 
Trong công tác giáo dục, ngài là một trong những vị cao Tăng của Phật giáo Việt Nam vào những thập niên 40, 50 của thế kỷ 20 và của thế kỷ hôm nay. Đại lão Hòa thượng đã có công rất lớn trong việc thành lập và giảng dạy tại các Phật học đường miền Nam Việt Nam, từ Phật học đường Phật Quang, Liên Hải, Phật học đường Nam Việt, Phật học viện Huệ Nghiêm, Cao đẳng Phật học Huệ Nghiêm, Đại học Vạn Hạnh.
 
Ngài là nhà lãnh đạo, bậc thầy trong lĩnh vực Giáo dục, là nhà giáo dục mô phạm của Phật giáo Việt Nam thời hiện đại.
 
Đại lão Hòa thượng đã đào tạo được nhiều thế hệ Tăng Ni tài đức, Phật tử hữu danh, có ích cho Đạo lẫn đời, hiện đang phục vụ các cấp Giáo hội từ Trung ương đến địa phương, trong nước và nước ngoài, góp phần xây dựng và phát triển Phật giáo Việt Nam qua từng giai đoạn.
 
16ct.JPG
Chư Tăng tụng kinh và nhiễu tháp Phù Thi trong khuôn viên chùa Vạn Đức
 
Trong công tác phiên dịch và trước tác, Đại lão Hòa thượng đã để lại trong kho tàng Tam tạng Phật giáo Đại thừa nhiều bản kinh, sách có giá trị để Tăng Ni, Phật tử Phật giáo Việt Nam tụng đọc, nghiên cứu, tham học, trở về cội nguồn giáo lý như lời Phật dạy. Những tác phẩm Hòa thượng đã biên soạn, phiên dịch và phổ biến như: Kinh Pháp hoa (8 quyển); Kinh Hoa nghiêm (8 quyển); Kinh Đại bát Niết-bàn (2 quyển); Kinh Đại Bát-nhã (3 quyển); Kinh Đại bảo tích + Đại Tập (12 quyển); Kinh Phổ Hiền hạnh nguyện; Kinh Địa tạng bổn nguyện; Kinh Tam bảo; Tỳ-kheo giới bổn; Bồ-tát giới bổn; Kinh Pháp hoa cương yếu (Tóm tắt); Kinh Pháp Hoa thông nghĩa (tóm tắt); Cực lạc Liên hữu tập; Đường về cực lạc; Ngộ tánh luận...
 
Đại lão Hòa thượng đã nỗ lực trùng tu chốn Tổ chùa Vạn Linh, chùa Vạn Đức, thiền viện Quảng Đức -Văn phòng Ban Thường trực HĐTS GHPGVN tại TP.HCM.
 
Do niên cao lạp trưởng, ngài đã thu thần viên tịch vào lúc 9g15 sáng nay 28-3-2014 (nhằm ngày 28-2-Giáp Ngọ) tại chùa Vạn Đức (số 502 đường Tô Ngọc Vân, P.Tam Phú, Q.Thủ Đức, TP.HCM) - Trụ thế: 98 năm; Hạ lạp: 69 năm.
 
Sau đây là những hình ảnh do PV Giác Ngộ thực hiện:
 
1ct.JPG
 
12ct.JPG
 
18ct.JPG
 
14ct.JPG
 
13ct.JPG
 
17ct.JPG
 
20ct.JPG
 
6ct.JPG
 
7ct.JPG
 
9ct1.JPG
 
19ct.JPG
 
11ct.JPG
 
10ct.JPG
 
15ct.JPG
Dù đang cao điểm dịch bệnh Covid-19, nhưng chư Tăng Ni và Phật tử vẫn đến đảnh lễ nhân húy nhật của ngài
 
Như Danh GNO