Chủ đề
CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !
VTO - Vào lúc 17h30 ngày 01/11/2019 (nhằm ngày 5/10 năm Kỷ Hợi), HT. Giác Toàn - Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Phó Tổng Biên tập thường trực Báo Giác Ngộ đã có buổi gặp gỡ và chia sẻ kinh nghiệm về Thông tin Truyền thông Phật giáo tại Khóa bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý thông tin truyền thông Phật giáo toàn quốc năm 2019
Mở đầu buổi chia sẻ, Hòa thượng cho biết, trước đây đầu thế ký 20, Phật giáo cũng đã có những tờ báo. Và hiện nay, phục vụ cho công tác truyền thông của Phật giáo hiện đang có các tờ báo như Giác Ngộ, tạp chí Phật học, Tạp chí Văn Hóa Phật giáo, Trang thông tin Phatgiao.org.vn hay Phật sự online…
Kể từ Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ 7, với gần 10 năm thành lập Ban Thông tin Truyền thông Trung ương GHPGVN. Các thành viên trong ban đã có những hoạt động để chuyển tải những nét đẹp của Phật giáo, các hình ảnh đặc sắc, những thông tin nhạy bén, kịp thời cung cấp cho Tăng Ni và Phật tử trong và ngoài nước theo dõi.
Tuy nhiên, bên cạnh những hình ảnh và thông tin đẹp của Phật giáo được đăng tải, thì vẫn có những vấn đề không tốt, ảnh hưởng đến Phật giáo cũng xuất hiện, khiến cho dư luận có nhiều ý kiến trái chiều.

Trước những vấn đề như vậy, đòi hỏi mỗi người làm công tác truyền thông cần phải có sự gạn lọc, suy nghĩ, lưu tâm và chú ý… để tránh những vấn đề đáng tiếc xảy ra.
Hòa thượng đã nhắc lại để có được cuộc sống ấm no như hiện nay đó là nhờ công lao của cha anh đã hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc và lấy lại sự độc lập cho dân tộc. Chính vì thế những người làm công tác truyền thông nói chung và cho truyền thông Phật giáo nói riêng phải hết sức đắn do, thanh lọc… để đưa lên những hình ảnh đẹp nhất, có ý nghĩa nhất. Chứ không phải những vấn đề không tốt, để rồi các thế lực bên ngoài dựa vào đó bới móc, lảm ảnh hưởng đến đạo pháp nói riêng, đời sống cộng đồng xã hội nói chung.
Ngay trong nội quy thiền môn của Phật giáo, vào ngày rằm và 30AL chư Tăng Ni đều phải thực hiện nghi thức bố tát (sám hối các tội nếu phạm trước đại tăng -  PV), các Phật tử thì về chùa sám hối… Qua đó cho thấy những người xuất gia tu tập cũng đang trên con đường tu học, nên cũng sẽ không thể tránh những sơ sót. Nhưng đó chỉ là vấn đề của cá nhân, của từng trường hợp chứ không phải của cả một tập thể hay nền tảng xã hội.

Vì thế các vị làm công tác truyền thông cũng cần ghi nhận, đón nhận nếu có những gì không tốt phát sanh từ các mạng xã hội. Chúng ta cần phải hiểu có lỗi thì nhận lỗi, bình tâm để có những cách ứng xử cho phù hợp.
Dân gian có câu: “Mía sâu có đốt, nhà dột có nơi” hay “Con sâu làm rầu nồi canh”. Ngày nay đất nước ngày càng phát triển, tăng ni cũng phải dấn thân nhiều hơn, nhưng mỗi vị đều không được tách rời kinh, luật, luận hay giới, định, tuệ. Nếu ai không đi đúng con đường này thì dễ đi vào sự sai lầm.
Vì thế mỗi vị làm công tác truyền thông Phật giáo cũng phải dựa trên các yếu tố này để có những cái nhìn đúng để có các hình ảnh, bài viết phù hợp. Qua đó mới giúp cho cộng đồng hoan hỷ với chúng ta. Mỗi bài viết, hình ảnh phải trung thực nhưng phải có sự dung hòa, hoan hỷ, mộc mạc, hòa hợp, trong sáng…
Chúng ta phải lấy cái hiền, cái đẹp của Phật giáo để thông qua ngòi bút, bài viết chuyển tải thông tin đến công chúng. Qua đó giúp cho đất nước hòa bình, an lạc và hạnh phúc.
Đồng thời mỗi người làm công tác truyền thông Phật giáo, chúng ta cũng phải hiểu, có những cái cần minh bạch, nhưng cũng có những cái minh bạch mà gây xung đột trong xã hội thì không nên, cần lấy cái hiền, cái đẹp, cái khoan dung của nhà Phật để dung hòa xã hội. Đó là cách làm của những người làm truyền thông của Phật giáo cần hướng tới.
Giác Minh Chương
Ảnh: Thiện Dưỡng