Chủ đề
CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !
VTO - Sáng ngày 01/11/2019 (nhằm ngày 5/10 năm Kỷ Hợi), sau lễ khai mạc Khóa bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý thông tin truyền thông Phật giáo toàn quốc năm 2019, ông Bùi Hữu Dược – Vụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo chính phủ đã có buổi chia sẻ với hơn 350 học viên của Khóa bồi dưỡng.
Mở đầu cho bài giảng, ông đã định nghĩa lại 2 từ truyền thông. Theo ông, truyền thông là việc cung cấp những thông tin theo yêu cầu mà mình có, biết… cho người đọc, nghe, thấy, cần…  theo một định hướng có lợi ích nhất.
Tuy nhiên ông cũng cho rằng truyền thông cung cấp những thông tin có các yếu tố tác động đến lối sống, đạo đức và văn hóa xã hội. Chính vì thế việc giải quyết truyền thông là điều rất cần thiết. Vì thế việc truyền thông có những vấn đề cần nắm rõ như sau:
Thứ nhất: Tính đa dạng và phức tạp của truyền thông và Phật giáo phải giải quyết. Vì thông tin mang tính đa chiều, ai cũng có quyền đưa thông tin hay tiếp cận theo quan điểm của mình. Trong khi đó thông tin hiện nay được chuyển tải đa phương tiện, nên nó mang một thách thức, một vấn đề khó giải quyết nếu không kiểm soát được.
Riêng Phật giáo, việc truyền thông ngoài các phương tiện báo nói, báo nghe, báo nhìn… thì bản thân đạo Phật có 1 phương tiện để truyền thông đó là bằng con người. Chính là những hình ảnh, y áo, sự mẫu mực oai nghi của người tu tập…
Thứ hai: Truyền thông bao giờ cũng mang ý nghĩa, mục đích. Từ hình ảnh, lời nói, bài viết… tất cả mọi cái đều có tính mục đích, sâu sắc…
Vì thế, những người làm công tác truyền thông Phật giáo phải chú ý vấn đề nâng cao những giá trị đạo đức của xã hội lên, phải thể hiện và triển khai nhiều tính tích cực càng tốt… Trong đó mỗi người làm truyền thông phải chuyển tải sao cho người đọc, nghe xem… thấy rõ đức chính là gốc của làm người.
Ông cũng cho rằng con người cũng có lúc thiện, lúc chưa thiện, trong gia đình cũng có đứa con ngoan nhưng cũng có đứa chưa ngoan, chưa tốt, chưa chuẩn. Đó chỉ là cái cá nhân, chứ không phải là toàn bộ.
Chính vì thế khi nêu ra một vấn đề cần phải đúng lúc, đúng chổ… sao cho người ta thấy Phật giáo có sự khoan dung, sự từ bi, lòng vị tha.
Thứ ba: Định hướng cho truyền thông: Ông cho rằng cần phải xác định truyền thông về nội dung gì? về hoạt động gì? lĩnh vực gì? mục đích gì?...
Công tác truyền thông Phật giáo phải có chiến lược, lâu dài, khai thác đời sống, những tích cực của các hoạt động đóng góp cho xã hội… Phải đưa cái hay, cái tốt nhiều lên để cho cái xấu tự triệt tiêu.
Mỗi người phải thấy rằng, người nào đi ra nói chuyện thiện lành thì rất lành, còn chỉ khai thác vấn đề xấu thì con mắt của người đó luôn nhìn mọi thứ xung quanh trong sự méo mó, cái xấu… Vì thế đức Phật đã dạy rằng: “Tất cả mọi người trước mặt Phật ai cũng là Phật”.
Mọi người cho rằng phải chỉ cái xấu để cho người khác sửa, nhưng ông cho rằng vấn đề được nêu ra chỉ có vài người sửa, nhưng đồng thời có nhiều người nhiễm cái xấu, vậy thì có nên nêu ra hay không?
Thứ tư: Định hướng cũng phải có giới hạn nhất định. Cũng như nhà nước này là nhà nước dân chủ bình đằng những cũng phải trong khuôn khổ pháp luật. Qua đó, công tác truyền thông thể hiện sự tôn trọng, nói những gì không ảnh  hưởng đến uy tín, quyền lợi của người khác.
Và truyền thông về tôn giáo thì cần phải nói sự thật, điều đúng chứ không được nói sai, và chỉ trong phạm vi của mình, tránh làm ảnh hưởng đến sự đoàn kết tôn giáo hay đoàn kết dân tộc trong xã hội.
Việc truyền thông ngoài phản ánh những vấn đề tích cực thì còn có những đấu tranh, phản biện xã hội. Đây là một hoạt động vô cùng quan trọng và đươc chú ý. Tuy nhiên, truyền thông Phật giáo không giống như các truyền thông ngoài đời, Phật giáo là một tôn giáo từ bi, trí tuệ, nhân quả. Vì thế việc ứng xử truyền thông của Phật giáo phải thể hiện khác, mang tính khoan dung, trí tuệ và từ bi hơn.
Thứ năm: Trang bị cái khả năng miễn dịch cho truyền thông Phật giáo. Theo ông cần trang bị kinh nghiệm truyền thông cho những người làm công tác này của Phật giáo. Đối với những xúc phạm, hay sự đối nghịch, chống phá… thì người làm công tác truyền thông Phật giáo cần phải điềm tỉnh, suy nghĩ trước rồi mới thể hiện.
Mỗi thành viên truyền thông Phật giáo cần phải trang bị kỹ năng, kinh nghiệm trước những vấn đề xã hội. Qua đó giúp miễn dịch với những đối nghịch đó… để có sự điểm tỉnh trong việc ứng phó, giải quyết. Việc này sẽ giúp cho xã hội cũng như Phật giáo ngày càng tốt hơn.
Cuối cùng ông cho rằng, các vị lãnh đạo của truyền thông Phật giáo cần chấn chỉnh hoạt động, phân cách từng lĩnh vực, từng địa phương, từng khía cạnh… phân vùng để tiện theo dõi, xử lý kịp thời các vấn đề không tốt, sao cho giải quyết nhanh gọn nhất.

HT. Thích Gia Quang - Trưởng ban tổ chức trao hoa cảm ơn đến TS. Bùi Hữu Dược đã về chia sẻ với các học viên Khóa bồi dưỡng
Sau phần chia sẻ của Tiến sĩ Bùi Hữu Dược, buổi chiều cùng ngày Tiến sĩ Trần Bá Dung - Trưởng ban Nghiệp vụ Hội nhà báo Việt Nam và nhà báo Nguyễn Thanh Lâm - Cục trưởng cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử Bộ Thông tin Truyền thông cũng đã chia sẻ các chuyên đề “Cần chuyên nghiệp hóa trong Truyền thông Phật giáo” và “Thông tin dư luận về một số vấn đề trong Phật giáo, Giáo hội Tăng Ni trên mạng interet, góc nhìn từ công tác quản lý truyền thông trong thời đại 4.0”

Tiến sĩ Trần Bá Dung  - Trưởng ban Nghiệp vụ Hội nhà báo Việt Nam 





Nhà báo Nguyễn Thanh Lâm - Cục trưởng cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử Bộ Thông tin Truyền thông
Qua các bài giảng của các nhà báo đã giúp cho các thành viên truyền thông Phật giáo có cái nhìn bao quát, hiểu hơn về tầm quan trọng của việc truyền thông, cũng như công tác truyền thông trong thời đại 4.0. Muốn vậy, truyền thông Phật giáo nên thực hiện theo các hướng: tuyên truyền (chủ trương), phản ánh (hoạt động), phạn biện (xã hội), và nêu gương (điển hình). Bên cạnh đó, truyền thông Phật giáo cũng nên hạn chế lại những thông tin lễ tân, đây là các tin tức được đưa ra nhiều nhất thời gian qua, nên nêu những nét đẹp của những hình ảnh sinh hoạt của Phật giáo trong từng ngôi chùa, từng cá nhân tăng ni Phật tử…
Đây là những bài học kinh nghiệm quý giá giúp các thành viên truyền thông Phật giáo có kinh nghiệm vững chải để xử lý tốt các vấn đề trong các hoạt động của mình.

Sau phần giảng của các diễn giả, các học viên đã có những trao đổi xoay quanh các vấn đề được trình bày để nắm rõ hơn trong công tác truyền thông của Phật giáo



Giác Minh Chương
Ảnh: Thiện Dưỡng – Nguyễn Phương