Chủ đề
CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !
Tổ sư Minh Đăng Quang đã có cái nhìn về hai hệ phái Bắc truyền, Nam truyền và các đạo giáo mới, cộng với yếu tố thấu đạt lý đạo, chính đây là yếu tố quan trọng góp phần dẫn tới sự ra đời của Đạo Phật Khất Sĩ.

1. Dẫn nhập

Đức Phật xuất hiện trên cõi đời không chỉ là một ngôi sao sáng vĩ đại, mà Ngài còn là sự hiện thân của tất cả những phẩm hạnh mà Ngài thuyết giảng. Thật vậy, trong suốt 45 năm thực hiện hạnh giáo hóa độ tha, Ngài đã biến tất cả những ngôn từ, lời nói của Ngài thành hành động cụ thể, thiết thực. Không lúc nào mà Ngài không nghĩ đến sự cứu vớt khổ đau cho nhân loại, chỉ ra sự yếu đuối và nỗi đam mê thấp kém của con người, từ đó mở ra cho nhân loại một thế giới an lạc, hạnh phúc đích thực. Giới hạnh của Đức Phật là tấm gương hoàn hảo nhất mà cả thế giới đều công nhận, kính ngưỡng. Mặc dù Phật giáo đã suy tàn ngay trên chính mảnh đất đã sản sinh ra nó, nhưng ngọn lửa giáo lý vi diệu của Đức Phật không những không bị dập tắt mà còn được nhen nhúm và lan rộng ra nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Có thể thấy, đạo Phật du nhập vào Việt Nam trên dưới 2.000 năm và đã thấm sâu trong lòng dân tộc Việt. Phật giáo Việt Nam đã trải qua nhiều biến thiên lịch sử, song hành cùng sự thịnh suy của dân tộc, nhưng vẫn có những nét đặc thù riêng từ kiến trúc hội họa, điêu khắc, nghệ thuật, văn chương… Đạo Phật đi vào lòng người bằng tất cả sự nghiệp, tư tưởng, lời nói, hành động của các vị Tăng sĩ thấm nhuần giáo lý Phật giáo, chính họ đã góp phần tạo dựng một cuộc sống tốt đẹp đưa đất nước đến đỉnh cao của sự phồn vinh, hạnh phúc. Mỗi một hệ phái Phật giáo ra đời đều để lại nhiều dấu ấn lịch sử vô cùng quan trọng, dù Phật giáo Nam tông, Bắc tông hay Hệ phái Khất sĩ Việt Nam ra đời cũng không ngoài mục đích đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của thời duyên, phát huy bản sắc dân tộc, tạo được thế đứng vững chắc trong lòng dân tộc cũng như làm nền tảng tinh thần trong cuộc sống. Được chắt lọc tinh hoa từ hai Hệ phái Phật giáo, Hệ phái Khất Sĩ Việt Nam do Tổ sư Minh Đăng Quang khai sáng, ra đời vào khoảng giữa thế kỷ XX (1944) với chí nguyện “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp”, khai mở Hệ phái Phật giáo biệt truyền[1], góp phần tạo nên một hệ tư tưởng mang đậm tính dân tộc sâu sắc bởi hình thức tu học, phương pháp hành trì, kiến trúc đạo tràng, thờ phượng… tất cả đều thuần bản chất của người Việt Nam, thể hiện được tính phổ biến, gần gũi, dễ học, dễ hiểu, và dễ hành trì. Thế nên, mặc dù ra đời sau hai hệ phái lớn, nhưng Hệ phái Khất sĩ vẫn đầy đủ về hình thức lẫn phương pháp tu học. Vì lợi ích thiết thực ấy đã có sức lan tỏa rộng lớn khắp mọi nơi, mọi chốn, làm nền tảng đạo đức trong cuộc sống cho nhân loại.

Bổ sung một phần không thể thiếu trong đời sống để gia đình và xã hội, vật chất và tinh thần được quân bình, Phật giáo nói chung và Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam nói riêng trở thành tôn giáo thực tiễn, khoa học, ảnh hưởng sâu đậm tính chất dân tộc chỉ có ở Việt Nam. Chúng con chọn đề tài “Tổ sư Minh Đăng Quang với tâm nguyện Nối truyền Thích-ca Chánh pháp” trước hết là để kiến giải cho mình những thắc mắc, những thiếu sót của tự thân khi tìm hiểu về Hệ phái. Chúng con xét thấy hạnh nguyện Nối truyền Thích-ca Chánh pháp của Tổ sư là hạnh nguyện thiêng liêng và khởi động một sự nghiệp lớn lao sâu dày của bao thế hệ tiền bối đã và đang nối tiếp truyền thừa. Vì thế, ôn lại và làm sáng ngời sự nghiệp ấy chính là một việc làm thiết thực, ý nghĩa để giữ gìn ngọn đèn chơn lý thắp sáng mãi ở thế gian.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc He phai Khat si Duc To Su Minh Dang Quang 5

2. Nội dung

2.1. Thân thế và sự nghiệp của Tổ sư Minh Đăng Quang

Đức Tổ sư Minh Đăng Quang, thế danh là Nguyễn Thành Đạt, tự Lý Huờn, sinh ra đời lúc 10 giờ tối ngày Tân Tỵ, 26 tháng 09 năm Quý Hợi (1923), tại làng Phú Hậu, tổng Bình Phú, quận Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Thân phụ Ngài là cụ ông Nguyễn Tồn Hiếu, thân mẫu là cụ bà Phạm Thị Nhàn. Từ bao đời, gia đình song thân vốn có nề nếp ăn ở theo đạo Thánh hiền, tu nhân tích đức, được người đương thời khen ngợi là gia đình hiền lương nhân nghĩa. Gia đình ông bà có tất cả 5 người con, Ngài là con út. Trước Ngài có 4 anh chị, thân mẫu đều thọ thai sinh nở bình thường, nhưng đến Ngài thì bà mang thai đến 12 tháng mới khai hoa. Mười tháng sau, ngày 25 tháng 7 năm Giáp Tý (1924), thân mẫu bệnh nặng qua đời, hưởng dương 32 tuổi. Từ đó về sau, Ngài được thân phụ và kế mẫu là bà Hà Thị Song nuôi dưỡng đến ngày trưởng thành. Cụ ông mất ngày mùng 5 tháng Giêng năm Mậu Thân (1968), thọ 75 tuổi.

Thuở nhỏ, tuy sinh trưởng ở một làng quê nhưng Ngài có trí thông minh khác thường. Ngoài giờ học ở trường, ở nhà, những lịch sử của các danh nhân, những kinh sách, truyện, sự tích được Ngài chú ý xem coi, xem đến đâu thì nhớ hết, cùng luận giải phê bình có phương pháp rõ rệt. Có lòng thương người từ lúc nhỏ nên Ngài ăn chay theo cha, cũng niệm hương cúng Phật vào mỗi tối. Nhân duyên thiện lành đã gieo trồng từ nhiều kiếp, đến đời này, mầm thiện từ bi thương người vật và lòng kính ngưỡng Phật pháp càng thấm nhuần nơi Ngài.

Cây lành sinh trái ngọt, vốn được hấp thụ nề nếp đạo đức Nho phong, nên Ngài thường tới lui các bậc trưởng thượng đương thời để tham vấn đạo lý, tìm tòi những điều huyền bí trong vũ trụ bao la, suy tư quán chiếu lại nội tâm, nhận biết cuộc đời là huyễn ảo. Ngài có tạo phía sau nhà một cái thất nhỏ để hàng ngày tiện bề tu tập tham thiền. Với tinh thần hướng thượng sẵn có, nhiều đêm suy nghĩ, Ngài tự nhủ kiếp phù sinh cứ mãi lăn xoay trong vòng sinh, già, bệnh, chết… cuối cùng Ngài quyết tâm dõng mãnh cất bước ra đi, cắt đứt tình thân.

Thôi thì thôi, thế thì thôi,

Vẹn nguyền xin chịu lỗi nghì với cha.

Thiếu niên ngày nọ rời nhà,

Vượt biên giới Việt, Miên xa dặm ngàn.

Lên non tìm động hoa vàng,

Tầm Sư học đạo chốn Nam Vang thành”[2].

Ngài rời Việt Nam đến Campuchia vào năm 15 tuổi, gặp được một vị thầy người Việt lai Miên nổi tiếng về đạo pháp, Ngài liền xin thọ giáo. Bốn năm ở Campuchia, Ngài vừa làm tròn bổn phận, vừa nghiên cứu Kinh tạng và đường lối “Y bát chơn truyền” của Phật Tăng xưa. Sau đó, Ngài xin phép Thầy được trở về Việt Nam truyền bá giáo lý. Trên đường về, Ngài gặp phải thử thách lớn trong đời là đền ơn hiếu nghĩa song đường, trả cho xong nghiệp duyên trần thế. Để tỏ lòng hiếu thuận với cha, cũng như an ủi hương linh của mẹ, Ngài đã lập gia thất để trọn phần nghĩa ân. Cuối năm 1941, Ngài về lại Sài Gòn, vâng lời cha lập gia đình vào năm 1942. Và rồi duyên định cũng an bài, hơn một năm sau, thê tử Kim Huê và con nhỏ của Ngài lâm bệnh rồi lần lượt qua đời.

Gẫm trong trời đất vô cùng,

Nợ duyên âu cũng nghiệp chung muôn loài.

Cảm cảnh vô thường, Ngài quyết chí đi tu. Đầu tiên, Ngài đến Hà Tiên, định lần qua Phú Quốc rồi sau đó sẽ đi nước ngoài học đạo, nhưng khi đến nơi đã trễ tàu, Ngài ra đầu gành bãi biển Mũi Nai (Hà Tiên) ngồi tham thiền 7 ngày đêm.

Sau khi ngộ đạo, Ngài lên núi Thất Sơn (An Giang) để tiếp tục tu tập. Ít lâu sau, chiến tranh lan tới vùng núi rừng Thất Sơn, phá tan cảnh yên tịnh vốn có. Trong bối cảnh ấy, Ngài gặp được một nam cư sĩ và theo vị này về trú ở Linh Bửu tự, thuộc làng Phú Mỹ, tỉnh Mỹ Tho. Nơi đây, suốt ba năm (1944 – 1947), mỗi buổi sáng, Ngài đi khất thực, trưa về thọ trai, buổi chiều giáo hóa, buổi tối tham thiền nhập định, nêu gương về đời sống phạm hạnh thanh tịnh, y theo truyền thống của Phật Tăng thời chính pháp. Ngài hành đạo thuyết pháp độ sinh được khoảng mười năm thì thọ nạn và vắng bóng vào ngày mùng 1 tháng 2 năm Giáp Ngọ (1954). Từ đó, hàng năm vào ngày này, hàng môn đồ đệ tử Tăng Ni xuất gia và thiện nam tín nữ Phật tử đồng nhất tâm thành kính thắp nén tâm hương tưởng niệm cuộc đời giáo hóa và ân đức khai sơn sáng lập ra Hệ phái Khất sĩ của Tổ sư.

2.2 Thành lập đạo Phật Khất Sĩ

Với chí nguyện “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp”, Tổ sư đã quyết chí đi theo con đường truyền thống mà Đức Phật đã vạch ra, noi gương Phật Tăng xưa, sống đời phạm hạnh của một “du phương khất sĩ”. Tuy nhiên, từ nguồn suối tâm linh này, Tổ sư tiếp tục khơi thông nguồn mạch, thuận duyên hành đạo trong cộng đồng dân tộc Việt, để khai sáng ra Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam. Những lần qua Campuchia, và khi sống ở miền Nam, Tổ sư Minh Đăng Quang đã có cái nhìn về hai hệ phái Bắc truyền, Nam truyền và các đạo giáo mới, cộng với yếu tố thấu đạt lý đạo, chính đây là yếu tố quan trọng góp phần dẫn tới sự ra đời của Đạo Phật Khất Sĩ. Đạo Phật Khất Sĩ ra đời hình thành và phát triển đều dựa trên nền tảng bối cảnh lịch sử, chính trị, kinh tế, văn hóa, địa lý, xã hội của Nam Bộ đương thời. “Từ giữa thế kỷ thứ XVI trở đi, bạo động và loạn lạc xảy ra liên tiếp khiến một mình Nho giáo không còn đủ sức làm chỗ nương tựa tín ngưỡng và nơi an tâm lập mệnh cho quần chúng nữa, giới trí thức và quần chúng tìm về đạo Phật và sự chống đối kỳ thị đạo Phật của Nho gia cũng dịu dần đi”[3]. Vì thế, năm 1947 – 1954, với tinh thần hướng thượng sẵn có, Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam với tâm nguyện “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp” buổi đầu do Tổ sư Minh Đăng Quang trực tiếp khai lập, dần dần hình thành Tăng đoàn. Tổ sư thu nhận Tăng Ni xuất gia, quy y dạy đạo cho nam nữ Phật tử hữu duyên. Ngài soạn thảo ra các nghi thức tụng niệm, chương trình tu học và hành đạo cơ bản cho Tăng Ni và cư sĩ Phật tử. Bên cạnh đó, Ngài cũng rất quan tâm về mặt giáo dưỡng và xây dựng hai giáo đoàn Tăng Ni về đạo hạnh, vững về giáo lý Chánh pháp của Phật. Khi nhân duyên hội đủ, Ngài đã thực hiện chuyến du hành giảng đạo đầu tiên từ các miền như Long An, Mỹ Tho, Gò Công cho đến Phú Lâm, Chợ Lớn, Sài Gòn, Gia Định… Gót chân hành đạo của Tổ sư lan rộng ra khắp miền từ thành thị cho đến nông thôn. Đi đến đâu, Ngài đều kêu gọi Tăng Ni cũng như Phật tử phải sống đúng theo giới luật và kêu gọi “Nên tập sống chung tu học”. Không những thế, Ngài còn kêu gọi nhân loại hãy thương yêu nhau. “Không tự lấy để trừ tham, không tự làm để tránh ác” đó cũng chính là Bức thông điệp mà Đức Tổ sư để lại cho chúng ta.

Những thời pháp của Đức Tổ sư còn lưu lại khá rõ nét trong bộ Chơn lý (gồm 69 bài). Ở đây, Ngài đã khéo vận dụng dung hợp tư tưởng giáo lý của Phật giáo Bắc tông và Nam tông để rồi đưa ra con đường “Trung đạo”, giúp cho mọi tầng lớp trong xã hội nhận được chân giá trị của đạo Phật. Nhận thấy lợi ích thiết thực, chư Tăng Ni xuất gia theo Ngài học đạo thời bấy giờ có trên 100 vị, còn Phật tử quy y thọ giới cũng có trên vạn người, nhiều ngôi tịnh xá được thành lập, dưới sự hướng dẫn của các vị đệ tử lớn của Đức Tổ sư. Quý Ngài cũng nối gót theo bậc Tổ Thầy mà dong ruổi hành đạo khắp các miền, nhất là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh miền Đông. Nếu bên Tăng có các vị trưởng lão đạo cao đức trọng như ngài Giác Tánh, Giác Chánh, Giác Như, Giác An, Giác Nhiên… thì hàng Ni giới cũng có các vị tài giỏi như Ni trưởng Huỳnh Liên, Bạch Liên, Thanh Liên, Kim Liên… Từ đây có thể thấy, Hệ phái Khất Sĩ đã dần dần đứng vững và khẳng định được vị thế của mình trong lòng dân tộc.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc He phai Khat si Duc To Su Minh Dang Quang 3

3. Tâm nguyện Nối truyền Thích-ca Chánh pháp của Đức Tôn sư

3.1. Hạnh giữ gìn y bát chơn truyền

Còn hình ảnh nào cao đẹp và hạnh phúc hơn người đã cắt ái, ly gia, xem vật chất là thứ yếu, nêu cao tinh thần thiểu dục tri túc để hòa nhập, san sẻ cùng với tất cả chúng sinh, hóa độ họ không còn bị khổ đau trói buộc trong cuộc đời giả tạm vô thường. Một cuộc đời nhẹ nhàng giải thoát, không tham cầu ước muốn, như cánh chim trời lộng gió bay khắp muôn phương đem tình thương cho khắp vạn loại. Một hình bóng chỉ có duy nhất ở đạo Phật mà không có ở đạo giáo khác. Ý nghĩa việc truyền y bát trong đạo Phật rất cao thượng, thẳm sâu, mầu nhiệm giữa tình thầy trò “Tổ tổ tương truyền, Sư sư tương thọ”, thầy trò hiểu ý nhau, mà giao việc của người trước cho người sau, biết phải làm gì cho đúng ý tưởng của người trước. Hoặc là pháp “truyền đăng tục diệm”, tức là lửa pháp của đèn trước mồi lửa pháp cho đèn sau, đèn sau tiếp lửa pháp cho đèn trước, dù có khác nhau về hình thức, nhưng lửa tâm vẫn không khác. Đó là hạnh rất cao thượng mà cả ba đời chư Phật đều thực hành miên mật. Chính Đức Tổ sư đã thấu đạt được chân lý này, với quyết tâm nối truyền hạnh Phật, thế nên, trong Chơn lý, bài số 58, Đức Tổ sư có dạy: “Đạo Phật là con đường đi đến quả Phật giác chơn, con đường ấy là Khất sĩ, Khất sĩ là lẽ thật của chúng sinh, mục đích của chúng sinh, Khất sĩ là đến với giác chơn, toàn học, biết sáng tự nhiên, hết mê lầm vọng động”[4]. Và chúng ta thấy rằng, đạo Phật là đạo Khất sĩ Du tăng, con đường của bậc giác ngộ, đi theo con đường ấy là đến với chân lý của vũ trụ, để đạt mục đích Niết-bàn, Khất sĩ y bát là bậc thượng trí, sau sự học của lớp thế gian. Kẻ du học ấy phải đi xin ăn, mặc một bộ áo ba manh và một cái bát đựng đồ ăn, để nhẹ mình lo tu học, và đi khắp xứ. Thế mới nói:

Y Khất sĩ bức họa đồ thế giới,

Vẽ muôn ngàn đường lối bước vân du.

Bát Khất sĩ bầu càn khôn vũ trụ,

Chứa muôn loài vạn vật một tình thương.

Hai vật dụng tuy đơn sơ nhưng lại hàm chứa một ý nghĩa vô cùng to lớn. Để người hành trì hiểu rõ về vấn đề này, đức Tổ sư Minh Đăng Quang đã thuyết minh về những giá trị cao thượng của hai vật dụng Y và Bát chơn truyền đúng như Chánh pháp. Đức Tổ sư cảnh giác chúng ta rằng, nếu không được chơn truyền, nếu chỉ như y bát của bọn khất cái, thì hai vật dụng này không còn xứng đáng là pháp khí nữa, cũng không xứng đáng là gia tài của người xuất gia, thiếu giá trị đạo đức. Y bát khất cái dễ sắm, nhận sự thương hại của người đời. Trong bài Luật nghi Khất sĩ, Đức Tổ sư đã quy định về Y Bát một cách rành mạch rõ ràng, về cách truyền trao và thọ trì hai pháp khí căn bản này. Đồng thời, trong các bài như Bài học Sa-di, Giới bổn Tăng, 114 điều Luật nghi Khất sĩ… cũng có một số phần dạy về cách dùng y và bát. Sống trong cuộc đời, vị Khất sĩ có thể làm tròn phận sự của mình là nhờ có Y bát chơn truyền, Y bát hỗ trợ, bảo vệ người biết sử dụng chúng. Thật vậy, trong điều kiện đời sống chung của cộng đồng được sung túc, vật chất dồi dào, một nhà Sư trì bát là cách hữu hiệu để ổn định đời sống tu tập và phụng sự, giữ gìn được sức khỏe, không bị sa ngã theo những khoái lạc của cuộc đời, tạo nên một sức mạnh vững chắc, thực hiện sứ mệnh giáo hóa độ sinh. Y bát đã làm lợi lạc cho muôn loài, cho tất cả nhân loại, đem tinh thần xả kỷ lợi tha, giáo hóa tất cả chúng sinh, lấy hạnh từ bi bình đẳng để đến với muôn người, không phân biệt giàu nghèo. Tấm Y có năng lực bố ma phá ác, ngăn ngừa mọi lỗi lầm có thể xảy ra: “Bởi khất cái với Khất sĩ cũng tương tự in nhau, vì kẻ khất cái muốn sắm áo bát bao nhiêu cũng được, người Khất sĩ phải là có thực học, phải đủ đức hạnh, phải có chân tu mới được gọi đúng danh từ Khất sĩ”.[5] Tấm Y được ví là miếng ruộng phước điền cho người gieo hạt giống Bồ-đề, chiếc Bát có công dụng diệt trừ tham, sân, si tăng trưởng tinh thần thiểu dục tri túc của người xuất gia.

3.2. Thực hành hạnh khất thực, giáo hóa độ sinh.

Chúng ta biết rằng, Khất sĩ là một danh từ đã xuất hiện vào thời Đức Phật còn tại thế. Khất sĩ có nghĩa là khất thực và khất pháp, tức là xin vật thực của người đời để nuôi thân và xin pháp của Phật để tu hành trưởng dưỡng tâm tánh, hầu có thể tập trung toàn lực vào công việc quan trọng duy nhất là đạt giác ngộ cho mình và giúp ích cho mọi người. Tuy nhiên, trải qua mấy nghìn năm thăng trầm cùng với lịch sử của nhân loại, truyền thống ấy đang dần bị mai một để thích nghi với cuộc sống. Mặc dù Phật giáo thời hiện đại có nhiều sự thay đổi thêm bớt cho phù hợp với thực tiễn, song nhận thấy giáo pháp lợi ích thiết thực mà Đức Phật để lại, đức Tổ sư Minh Đăng Quang đã một lần nữa làm sống dậy truyền thống tốt đẹp đó ngang qua một trong những nội dung hành trì của Hệ phái, đó chính là thực hành hạnh khất thực, thực hành hạnh Khất sĩ chân chánh: “Vì ngoài Khất sĩ ra, không có pháp nào thứ hai để diệt tham sân si được”[6]. Hoặc như một đoạn khác Tổ sư dạy: “Khất sĩ là nhật nguyệt tinh quang, là ánh sáng giữa đêm trời tối để dắt người ra khỏi cảnh rừng nguy”[7].

Ai cũng biết, hạnh khất thực là hạnh của chư Phật, cũng như hạnh của Thánh chúng xưa kia, đó là một trong những hạnh đẹp của người xuất gia. Thử nghĩ, nếu ở thành thị hay thôn quê thiếu vắng đi bóng dáng của các nhà sư khất thực thì sẽ tẻ nhạt biết bao? Nếu bóng dáng ấy xuất hiện ở nơi phố thị ồn ào tấp nập sẽ một phần nào nhắc nhở mọi người chớ nên vội vã, hấp tấp, đua tranh… và nếu như bóng dáng các vị ấy xuất hiện ở nơi miền thôn quê hẻo lánh cũng góp phần tạo nên cảnh quan êm ả, thanh bình, gieo trồng ruộng phước cho chúng sinh. Khất thực trước hết là hạnh đẹp bởi lẽ nó phù hợp với lý Trung đạo, tức là tránh xa hai cực đoan thứ nhất là không dư dả, sung túc thái quá và thứ hai là tránh xa sự khổ hạnh thái quá qua chiếc bát đựng đồ ăn vừa đủ dùng, không giống như tu khổ hạnh lượm trái cây, lượm đồ ăn thừa, vứt bỏ mà ăn. Trong khi đi khất thực, vị Khất sĩ giữ tâm bình đẳng, theo thứ tự từng nhà của dân chúng mà xin ăn, không chỉ đến xin nơi nhà giàu mà cũng không chỉ đến xin nơi nhà nghèo. Có lần, Đức Phật quở Tôn giả Ca-diếp bỏ nhà giàu mà xin nhà nghèo, quở Tôn giả Tu-bồ-đề bỏ nhà nghèo mà xin nhà giàu. Vì trước đó, Tôn giả Ca-diếp nghĩ rằng: Người nghèo thật đáng thương, ít phước, nếu không gieo trồng phước lành cho họ thì đời sau lại càng khổ hơn nên đến xin người nghèo để nhờ bố thí cúng dường mà họ được phước về sau. Trái lại, Tôn giả Tu-bồ-đề lại cho rằng: Người giàu nếu đời nay không gieo trồng phước lành thì đời sau lại nghèo khổ, nên cần hóa độ người giàu. Mỗi vị đều có lý do của mình, Đức Phật liền quở các vị ấy là bậc A-la-hán, không nên sinh tâm phân biệt và nên ứng xử bình đẳng với mọi giới. Về mặt oai nghi, khi đi các vị Khất sĩ không ngó qua ngó lại, không mở miệng nói chuyện, đi hết thảy các nhà không để ý xem mình được cái gì, không thỏa mãn cũng như bất mãn.

Có thể thấy, việc xuất gia tu Phật ngoài việc phải có tam y, bình bát thì phải đi khất thực, phải làm Khất sĩ thì mới được gọi là người tu Phật, nuôi mạng chân chính đúng theo tinh thần giới luật của Phật giáo. Bởi lẽ khi đi khất thực, hạnh này sẽ giúp cho người xuất gia ngoài việc nhận được vật thực, thuốc men, sẽ thấy rõ hơn về kiếp sống của nhân sinh, từ đó tạo cơ hội tiếp cận, khích lệ truyền đạt giáo lý, khuyên răn mọi người, giảng cho người chưa biết Phật pháp hiểu rõ hơn về Phật giáo. Đây là dịp để giáo hóa chúng sinh một cách tốt nhất. Bên cạnh đó, ngay chính bản thân của người hành trì hạnh khất thực cũng đạt được nhiều thành tựu tốt đẹp, chẳng hạn như diệt trừ tính ngã mạn tự cao tự đại, rèn luyện thân tâm kiên định. Có thể nói, hạnh khất thực là hạnh mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người tu sĩ Phật giáo hành trì trên con đường giác ngộ giải thoát.

Kết luận

Cuộc đời tầm đạo của Đức Tổ sư là một hình ảnh rất sống động bởi không chỉ khoanh gọn ở vùng miền Tây Nam Bộ mà còn lan rộng đến miền Trung, miền Đông; không chỉ là một thanh niên đi tìm cho mình lý tưởng sống giữa cuộc đời mà còn là một vị Bồ-tát hiện thân nối tiếp con đường Chánh pháp của Đức Phật Thích-ca. Cho nên, Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam từ hình thức đến phương pháp hành trì đều thuần một hệ thống giáo dục, xây dựng con người, xây dựng xã hội, đưa con người đến sự hoàn thiện, xa rời khổ đau, đạt được chân hạnh phúc. Hạnh nguyện “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp” của Đức Tổ sư chính là đang mở ra một hướng đi mới, một chân trời mới dìu dắt con người từ mê đến ngộ, từ khổ đến vui, từ buộc ràng đến giải thoát. Đúng với tinh thần:

Một bát muôn nhà độ chúng sinh,

Cô thân ngàn dặm bước tu hành,

Đường mê sinh tử lầm hang tối,

Ánh đuốc quang minh hướng đạo lành.[8]

Tác giả: TKN. Tâm Huệ
Nguồn link: https://daophatkhatsi.vn/lich-su-he-phai/ts-minh-dang-quang/cuoc-doi-dao-nghiep/to-su-minh-dang-quang-voi-tam-nguyen-noi-truyen-thich-ca-chanh-phap.html

***

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn lý, tập I, III, Hà Nội, Nxb. Tôn giáo, 2009.
2. HT. Thích Giác Toàn, Ánh Minh Quang, TP. HCM, Nxb. Tổng hợp TP. HCM, 2004.
3. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, TP. HCM, Nxb. Phương Đông, TP. HCM, 2012.
4. HT. Thích Minh Châu, Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi, TP. HCM, Nxb. Tổng hợp TP. HCM, 2012.
5. Ni trưởng Huỳnh Liên, Tinh hoa bí yếu, TP. HCM, Nxb. Tổng hợp TP. HCM, 2008.

[1] HT. Thích Giác Toàn (Chủ biên), Ánh Minh Quang, Nxb. TP. HCM, 2004, tr. 6.
[2] Sđd , tr. 6-9.
[3] Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, TP. HCM, Nxb. Phương Đông, 2012, tr. 621.
[4] Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn lý tập III “Đạo Phật Khất Sĩ”, Hà Nội, Nxb. Tôn giáo, 2009, tr. 401.
[5] Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn lý “Y bát chơn truyền”, tr. 303.
[6] Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn lý tập I “Khất sĩ”, Hà Nội, Nxb. Tôn giáo, 2009, tr. 262.
[7] Sđd, tập III “Đạo Phật Khất Sĩ”, tr. 424.
[8] Ni trưởng Huỳnh Liên, Tinh hoa bí yếu, kệ Chơn lý.

Tác giả: TKN. Tâm Huệ  - Tạp chí nghiên cứu Phật Học