1. Túc duyên Phật pháp
Cố Hòa thượng Đạo hiệu Giác Tần, quê ở vùng ngoại ô thành phố Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên. Chúng ta rất có phước duyên, khi Hòa thượng để lại cho hàng đệ tử những trang Nhật ký, ghi lại những bài học đạo lý cao quý, nhằm sách tấn cho hàng hậu học.
Tuy nhiên, với Công đức và Đạo nghiệp thì Ngài ko ghi lại. May thay, cũng có nhiều bậc Trưởng lão huynh đệ cùng thời với Ngài đã cho chúng ta biết thêm về Đạo nghiệp của Ngài.
Tối nay, với thời gian ngắn chúng ta nghe lại đôi điều về Đạo nghiệp của Hòa thượng Ân sư của chúng ta. Từ nhỏ, chỉ mới 15 tuổi (1965), ngài đã lập hạnh tu tập, ăn chay trường, tụng kinh niệm Phật, tập sống hạnh quên mình, hàng ngày làm việc chăm chỉ, giúp đỡ bố thí cho bà con trong hoàn cảnh khó khăn.
Trong tập nhật ký của HT, ghi:
Ngày ngày quen với muối dưa,
Mà lòng càng mến, càng ưa nâu sồng.
Quyết tâm lìa bỏ cõi hồng,
Nên trong cuộc sống không còn sắc thinh…
Ngày 29 tháng 3 năm 1968, tại Tịnh xá Ngọc Tòng, TP. Nha Trang, Khánh Hoà, Ngài được Đức Thầy Giác An xuống tóc chính thức bước vào nhà đạo, có pháp danh Huệ Học. Trong Nhật ký: “thời gian mới vào đạo mới mẻ chưa quen nhưng đây là khoảng thời gian hạnh phúc nhất trong đời, vì mỗi ngày được theo chân tu học dưới sự chỉ bảo của Đức Thầy.”
Năm 1970, vào ngày Rằm tháng Bảy, trong Lễ Tự tứ - Vu lan bồn diễn ra ở tịnh xá Ngọc Bảo (Phan Rang - Tháp Chàm, Ninh Thuận), Ngài được Đức Thầy truyền giới Sa-di và ban pháp danh Giác Tần.
Qua năm sau, Đức Thầy viên tịch. Rằm tháng 7 năm 1974, tại tịnh xá Ngọc Hoà (Nhơn Lý), Ngài được Hoà thượng Giác Dũng đỡ đầu và Trưởng lão Giác Phải truyền giới Cụ túc.
Ở điểm này, Hòa thượng cũng giống như Đức Thầy khi mới xuất gia nhập đạo. Đức Thầy xuất gia nhập đạo năm 1949, năm thọ sa-di năm 1951, năm 1954 Tổ sư vắng bóng, sau Đức Tổ sư vắng bóng 1 năm Đức Thầy thọ cụ túc Tỳ-kheo Giới (1955).
Trong hồi ký, HT. Giác Tần viết: từ ngày đặt chân vào ngôi nhà Khất sĩ, với pháp danh Huệ Học, Đức Thầy ban cho chính là nhắc phải cố gắng học hỏi không ngừng, học kiến thức phổ thông, nghiên cứu Phật học giáo pháp tối hậu và tinh chuyên hành trì.
Theo truyền thống Khất sĩ, Ngài được phân công đi trụ xứ các miền tịnh xá, như: Ngọc Tòng, Ngọc Cát, Ngọc Đà, Ngọc Trung, Ngọc Pháp, Ngọc Quang, Ngọc Phúc, Ngọc Hoà, Ngọc Duyên, Ngọc Phú, Ngọc Hải, Ngọc Đức, v.v.. Hòa thượng có mặt ở đâu thì dùng chánh pháp thuyết pháp, hóa chúng độ sinh, pháp âm của Ngài đã làm thức tỉnh biết bao khách trần tỉnh mộng, xoa dịu bao nỗi đau nhân thế.
Năm 1994, Trưởng lão Giác Dưỡng thọ bệnh viên tịch, Ngài tiếp tục gánh vác trọng trách Trụ trì, tiếp chúng độ sanh tại tịnh xá Ngọc Duyên. Cũng trong thời gian này, thân bệnh bắt đầu xuất hiện, song Ngài vẫn tự tại:
Ráng tu đi chớ lo rầu,
Bệnh duyên là một nhịp cầu phải qua.
Có không bởi tại lòng ta,
Chớ dần dà mãi trôi qua tháng ngày…
Ấy thế, mà lúc nào trên gương mặt Hòa thượng cũng đầy pháp hỷ sung mãn… hạnh giản dị, nhẫn nại, tinh tấn, hy sinh và ý chí kiên định của Ngài khiến ai một lần được tiếp xúc đều rất kính mến. Trong Điếu Văn, NT. Hiệp Liên, bạch: Ngưỡng bạch Giác linh cố Hòa thượng! Con còn nhớ và in sâu: Những mùa Hạ an cư tại đạo tràng tịnh xá Ngọc Trung, mặc dầu thân tứ đại nhiều bệnh, sức khỏe rất yếu, nhưng vì đoàn hậu học, Ngài vẫn cố gắng mỗi tháng 2 ngày đến thăm trường Hạ và sách tấn ân cần, nhắc nhở Ni chúng Hạ trường phải giữ giới luật trang nghiêm, tu học vững bền, thương yêu hòa hợp, phát triển Giáo đoàn, truyền thừa tôn chỉ Tổ Thầy, giữ gìn tư cách, phẩm hạnh thanh cao và khuyên răn Phật tử giữ vững niềm tin chánh pháp.
2. Huynh đệ tâm giao
Trong bài Điếu văn của Trưởng lão Hòa thượng Giác Lượng: Hoà thượngThích Giác Tần, một vị Tăng trẻ, Người đã có căn duyên Phật Pháp, gặp Đạo, biết Đạo từ dưới tuổi hai mươi, và đã xuất gia rất sớm khi mới trưởng thành, một thanh niên vào lớp tuổi hăm ba, người mà tôi rất thương mến ngay từ lúc nhập Đạo, vào tu trong Giáo hội Tăng Già Khất Sĩ Việt Nam.
… …
Hồi tưởng lại, bốn mươi mấy năm về trước,
Tình Thầy Trò, Nghĩa Huynh Đệ bên nhau,
Lớp học chung, trên dưới luyện dồi trau,
Trong cuộc sống, niềm vui hoà chung sống.
Dưới bóng mát, Đức Thầy đà trải rộng,
Ngài Giác An đang lãnh đạo Tăng Đoàn.
Khắp miền Trung Ngài mang Ánh Đạo Vàng
Gieo rắc tận muôn lòng người tỉnh thức.
Ngài lập Đạo, Công năng tràn Phúc đức
Nên Giáo Đoàn truyền nối đến hôm nay,
Đã trải qua nhiều giai đoạn tuyên bày,
Nhiều Tôn Đức, thay nhau được tôn cử.
… …
Một vị Tăng khiêm tốn nhu mì, một vị Tăng Từ Bi tràn đầy nhân ái, từ khi thức giác, ích chúng lợi sanh, Hoà thượng Giác Tần đã tự giác lại còn giác tha độ chúng, khi giảng dạy Phật Pháp, còn nhiều lúc phát tâm làm những việc từ thiện xã hội:“Cứu trợ thiên tai bão lụt, động đất sóng thần, an ủi người những cơn khổ nạn, tuy thân bịnh nhưng lòng bác ái vô biên, tâm từ bi tràn đầy trong kiếp sống”. Thật đáng vinh danh, tán thán trong những khi tôi thường hằng thăm hỏi, cũng có nhiều lúc gọi điện thoại nhắc khuyên, khích lệ, sách tấn, ủi an trong cuộc đời dấn thân phụng trì Phật Pháp, phụng sự nhân sanh là đền ân chư Phật, chư Tổ và các bậc Thầy.
Âu cũng là sứ mạng của người Tăng Lữ, Hoà thượng Giác Tần đã vo tròn tư tưởng phụng sự, xây dựng Phật Pháp, tái thiết trùng tu ngôi Đạo Tràng Tịnh Xá Ngọc Duyên, mà chư Phật tử địa phương đã hằng mong ước. Đạo tràng được thiết tạo tôn nghiệm, hoành tráng, làm nơi chiêm ngưỡng tôn thờ Tam Bảo, để Phật tử hướng lòng trọn vẹn tu học, tinh tấn vươn lên, trưởng dưỡng trí tâm, cho đến ngày đạo thành quả mãn.
XUÂN VỀ LÁ LẠI LÌA CÀNH (Tặng Pháp Đệ cố Hòa thượng Giác Tần)
Đêm xuân ánh sáng nhạt nhòa
Mưa xuân phơ phất ướt tà áo xuân
Thương người học đạo tinh cần
Siêng năng nhanh nhẹn trí thần thông minh
Vâng lời Phật, dạ kính thành
Tháng năm mài miệt sách Kinh am tường
Bao phen theo Thầy du phương
Phụng hành Giáo Pháp, rộng đường độ sanh
Sau ngày giải phóng dừng Chân
Giáo đoàn bổ nhiệm, chia phân các miền
Từ đây trụ lại Ngọc Duyên
Lo tròn Phật sự dưới trên vẹn toàn
Bốn mươi bốn năm dạ sắt son
Lợi mình, lợi chúng vuông tròn ước mơ
Nguyện noi dấu Phật Tăng xưa
Thể theo hạnh đức, thiết tha vun bồi
Nguyện làm đuốc tuệ rạng soi
Nhớ ơn Thầy Tổ muôn đời khắc ghi
Mong sao tròn phận hiếu nhi
Rộng lòng hỷ xả, từ bi giúp đời
Thương người hoạn nạn đơn côi
Tận tình giúp đỡ, dùng lời khuyên răn
Bếp cơm từ thiện chuyên cần
Giúp người nghèo khổ, nghĩa nhân trọn niềm
Tâm từ ái nguyện vững bền
Mong người khốn khó vơi niềm khổ đau
Khuyên người hướng thiện dồi trau
Cho đời vơi cạn nỗi sầu ai bi
Một lòng theo hạnh viễn ly
Đông tàn xuân lai, đến đi lắm lần
Xuân về khắp nẻo bàng dân
Xóm làng đón tết, tinh cần hân hoan
Hắt hiu lá rụng bên đàng
Xuân lai dân chúng, chỉnh trang ân cần
Mùng ba tết người âm thầm
Vĩnh từ trần thế, vui lòng ra đi
Hướng về cảnh giới Liên Trì
Tạ từ tất cả, những gì thế gian
Để bao thương tiếc dâng tràn
Ngọc Duyên vắng bóng tôn nhan thuở nào
Ra vào quạnh quẽ trước sau
Người thân thương nhớ, đớn đau gan vàng
Biết rằng có hợp có tan
Nhưng lòng vẫn thấy héo tàn xót xa
Người tròn trách nhiệm kế thừa
Lòng không hổ thẹn, con nhà Như Lai
Để gương hạnh đức cho đời
Tây Phương Thượng Phẩm, Liên Đài ngát hương
Từ nay tự tại miên trường
Không còn khổ lụy, đau thương dập vùi
Mừng Pháp Đệ hầu Như Lai
Đoái thương sanh chúng, nổi trôi thế trần
Phát tâm Bồ Tát quên Thân
Dắt dìu nhân loại, thoát vòng bến mê
Cùng nhau nối gót Phật Đà
Nương thuyền Bát Nhã, vào nhà Như Lai.
(Tịnh Xá Ngọc Bửu, đầu xuân Mậu Tuất PL. 2562
Sa Môn Giác Hùng – Mặc Nhân)
3. Câu chuyện Phật pháp
Tập truyện ngắn, trong lời đầu: Đây là những mẫu chuyện ngắn tôi viết ra trong tâm trạng “mộng” của mình. Tuy nhiên nó cũng có thể là của tất cả, bởi lẽ các pháp xưa nay tánh như vậy và tướng cũng như vậy. Trong sanh tử đã có Niết Bàn. Trong mọi cái khổ đau ươm mầm sự an lạc hạnh phúc. Và đó cũng tức Đạo lý “bất nhị” mà Phật Tổ đã dạy.... Dù viết, dù nói cũng với mục đích “ soi sáng lại mình” và xin tặng cho những ai có duyên với tác giả.
Xin trích nội dung vài mẫu chuyện, chỉ trích đoạn, hoặc ý của câu chuyện:
VU LAN NGÀY ẤY
Mùa Vu Lan ngày ấy nó còn đọng lại nơi Tôi, một vết tích mà không bao giờ phai nhạt. Tôi ra đi vào năm 19 tuổi, cuộc đời hoa mộng bỏ lại sau lưng, sự nghiệp mới chỉ vỏn vẹn trong niềm tin và ý chí.
Thế rồi Tôi trở thành con người “phiêu bạc” nay đây, mai đó lặn lội trong gió bụi thời gian đem ánh sáng tình thương cho cuộc đời. Tôi và những người đàn anh Tôi, những người đàn em Tôi, tất cả đều theo dấu chân của người Cha kính thương, người Cha tinh thần duy nhất trong cuộc đời Tôi.
Những tưởng gót chân người “ lãng tử” sẽ mãi mãi hòa điệu theo gót chân Thầy trên đường du hóa, nào ngờ đâu! Đá mòn sông cạn, mây tán tuyết tan! Thầy tôi đã ra đi, một sự ra đi mà không bao giờ còn gặp lại. Ôi! Không có sự mất mát và đau đớn nào hơn nữa khi mà Thầy Tôi đã vội vả xa lìa. Bỏ lại cho Tôi và cho tất cả Anh Em, với bao thương nhớ ngập tràng, với bao xót xa tê tái!
Tôi còn nhớ khi Tôi mới vào Đạo, Thầy hỏi Tôi:
- Ông tu được không? - Tôi trả lời: - Mô Phật, bạch Thầy được!
Thầy hỏi tiếp: - Tu suốt đời nghen?
- Tôi cuối đầu, - Mô Phật!
Thế rồi Thầy thọ ký cho Tôi pháp danh “ Huệ Học”.
Tôi vốn kém văn hóa, có lẽ Thầy hiểu vậy nên muốn chú ý đến mặt rèn luyện tri kiến nên mới đặt pháp danh như vậy chăng? Mà quả thật như vậy, từ ngày được thọ ký pháp danh Tôi luôn luôn đặt trọng tâm cho phần nguyên cứu giáo điển, hăng say trong việc tìm học giáo lý và cho đến ngày xuất gia thiệt thọ thì được Đức Thầy ban pháp hiệu là “ Giác Tần” (có lẽ đây là sự giác ngộ từng phần). Từ khi được xuất gia thiệt thọ, Tôi hân hoan vui sướng và ngày lại qua ngày theo gót chân Thầy lập hạnh người tu thoát tục.
ANH EM SONG SINH
Có hai anh em song sinh giống nhau thật là giống.…
Hai người này lúc sinh ra được một bậc Sư tài hoa đoán vận mạng và đặt tên cho.
Người anh tên: Tánh Thể, cuộc đời và tâm tính lúc nào cũng ở trong ngôi sao sáng.
Người anh đúng như tên đặt, tính tình lương thiện hay làm lợi ích cho mọi người.
Người em tên: Vô Minh Thủy
Ngược lại người em thì tâm tính ác độc, lúc nào cũng gieo tai họa cho kẻ khác.
Thế rồi ngày kia hai anh em đồng tử bỏ cõi đời. Khi Diêm Vương phán tội. Nhưng thật là oái ăm! Hai người giống nhau không thể nào phân biệt được.
Người em lại lợi dụng chỗ giống nhau này mà khôn lanh tráo trở khiến cho Diêm Vương đành phải bó tay.
Vua Diêm Vương liền dẫn hai linh hồn đến Địa Tạng Bồ Tát phán xét. Nhưng rồi Bồ Tát Địa Tạng cũng phải lắc đầu trước sự chân sự giả này. Cuối cùng tất cả đều đến núi Linh Sơn để nhờ Đức Phật phán quyết.
Đức Như Lai dùng Phật nhãn soi rõ căn nguyên. Ngài liền đọc bài kệ:
“Vô minh là sanh tướng
Cùng tánh thể công sinh
Tuy thiện tuy bất thiện
Xưa nay tánh vốn đồng”.
Nghe Đức Phật đọc xong bài kệ linh hồn người em liền tang biến và bây giờ sự chơn sự giã đã hiển bày.
ĐỘ ĐỜI ĐỜI ĐỘ
Một vị tu sĩ nọ, sau khi từ tạ Thầy, ông ta theo bổn nguyện của người xuất gia “thượng cầu hạ hóa” mà dấng thân vào đời. Với một tâm nguyện to lớn và một lòng hi sinh cao cả, nên vị tu sĩ hành Đạo đến đâu đều được mọi người đều hưởng ứng. Vì vậy mà danh tiếng của ông mỗi ngày mỗi nổi lên vang vọng! Đạo tràng được mở ra nhiều nơi, đệ tử Tăng Ni ngày càng đông, còn tín đồ bổn đạo thì đông vô số kể.nÔng rất hoan hỷ cho Đạo nghiệp của mình và thường tự bảo: “mấy ai mà được như mình”. Rồi một ngày kia vị tu sĩ nọ trở lại thăm Thầy. Ông định đem sự nghiệp hóa Đạo to lớn này trình lên Thầy để xin ấn khả. Nhưng khi ông vừa mới đặt chân đến đất Già Lam, thì Thầy bổn sư liền sai Thị giả: “Gài chặt cổng chùa”.
CÁI VÔ CÙNG
Một thiền sư nọ, có hai người đệ tử rất là tâm đắc, một người thì đa văn quảng bác, học rộng hiểu nhiều, không việc gì là không tinh tường.
Còn một người thì lúc nào cũng như lúc nào trầm tư im lặng, gần như quên hết mọi chuyện xung quanh mình.
Thế rồi ngày kia, thiền sư muốn kiểm tra sự tâm chứng sâu cạn của hai đệ tử, nên đưa ra một thoại đầu để hai đệ tử quán chiếu, quảng trạch. Thoại đầu đó là cái “vô cùng”.
Người đệ tử thứ nhất quả là thông tuệ tuyệt vời! Ông ta không cần quán chiếu liền trả lời ngay. Bằng luận lí sắc bén, quán triệt... nào sự lí, tánh tướng, hữu vô, đồng dị mỗi mỗi đều dung thông, tương nhập tương tức... Vị thiền sư nghe xong liền khen “con quả là đa văn tổng trì”, nhưng vì thầy vẫn còn chưa kết luận, đợi người đệ tử thứ hai, nhưng người này vẫn ngồi yên lặng. Không nói một lời, nhưng phong thái thì thoát tục siêu phàm. Người đệ tử thứ hai bỗng ông đứng dậy môi nở nụ cười rồi quỳ xuống đảnh lễ vị thầy.
Vị thiền sư cũng liền mỉm cười rồi bảo: “con xứng đáng tiếp nối tông môn của ta”.
Cuối thời pháp thoại, Thượng tọa giảng sư chúc lành đến quý Phật tử cố gắng tinh tấn tu học noi gương hạnh của Hòa thượng Ân sư mà tiến tu trên con đường đạo, đem lại lợi lạc cho tự thân và có ích cho xã hội.
Ban TTTT Hệ Phái Khất Sĩ GD III - Đạo Phật Khát Sĩ