Khất sĩ được để lại gương mẫu cho đời, về sự không tranh, bình đẳng, hiệp hòa, sống chung, học chung, tu chung với nhau để gương bằng sự thật hành tu tập, y theo chơn lý sống, biết, linh, trong võ trụ đạo đức. Con đường của Khất sĩ là bố thí pháp học và hành, trao đổi với tài thí ở đời, để được mình đi và dắt kẻ sau cùng đi tới. Giáo lý Khất sĩ ngày nay xa Phật, hiếu học kém tu, nên phép kỉnh Phật thì có, mà sự thật thì không dám tự nhận xưng mình là riêng đệ tử Phật, cũng chẳng gọi mình là đời hay đạo, chỉ biết là đang tập tu học lần lần, theo về với tất cả đạo và đời bằng sự dứt bỏ tham, sân, si, ác quấy, ráng làm các việc thiện lành và nhất là cần phải rửa lòng trong sạch của ta trước người vậy.
Phép tu luôn luôn ở giữa mình và người, hiệp một, ai ai cũng là thầy chung của Khất sĩ, Khất sĩ là thấp kém nhỏ nhon, xấu xa tội lỗi, nên chỉ ráng tự xét, nhớ lấy để răn lòng, và với ai ai, đâu đâu, cũng nhờ đến nương nhờ răn dạy, (với những bậc trên trước, không tỵ hiềm) đúng với chơn lý trong võ trụ, chúng sanh là Khất sĩ, là pháp nhẫn nhục trau tâm dưỡng tánh, là pháp thí trí huệ, mục đích của chúng sanh, là sự đi học, tinh tấn, tiến hóa giải thoát, từ thất bước lên cao, có trước mới có sau, theo gương chư Phật (từ sơ học, đến độc học, đại học, để trở nên toàn học, toàn tu hoàn toàn lẽ sống).
MÔ PHẬT