Chủ đề
CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !
NI SƯ thượng DÕNG hạ LIÊN I. THÂN THẾ Ni sư Dõng Liên, thế danh Đàm Thị Sa thuộc hệ phái Khất sĩ Việt Nam, là đệ tử của Ni trưởng Tạng Liên và Thanh Liên. Ni sư sinh năm 1931 (Tân Mùi) tại huyện Long Đức, thị xã Trà Vinh, tỉnh Cửu Long. Thân phụ là cụ ông Đàm Văn Tần, thân mẫu là cụ bà Trần Thị Dậu. Vốn xuất thân trong gia đình Nho giáo nhưng có lòng kính tin Tam Bảo, sống trong tình thương bao dung, giáo dục rất mực kỷ cương của song thân nên đàn con sống trên thuận dưới hòa, tất cả đều quy y Tam Bảo một lòng hướng Phật. Ni sư là người con thứ sáu trong gia đình gồm tám anh chị em. Với bản tánh thông minh, hiếu học và chịu thương chịu khó gánh vác công việc gia đình mà chẳng nại hà.

II. THỜI KỲ XUẤT GIA TU HỌC
Sớm nhận thức Phật pháp là uyên thâm, cảnh trần là huyễn mộng phù vân, nên quyết chí tầm sư học đạo. Năm Giáp Ngọ (1954) khi vừa tròn 23 tuổi, Ni sư cầu thọ giáo pháp với Ni trưởng Tạng Liên, sau đó Y chỉ với Ni trưởng Thanh Liên.

Từ ý thức trách nhiệm xuất gia, thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh “Tác Như Lai sứ hành Như Lai sự”, mang trọng trách thừa truyền Chánh pháp Như Lai đem đạo vào đời, nỗ lực phục vụ chúng sanh, triển khai tuệ giác, đoạn diệt sanh y.

Với ý chí ấy, Ni sư nỗ lực cần tu, trau giồi giới đức, ngõ hầu theo hoài bão của cố Ni trưởng Huỳnh Liên, hăng say phục vụ:

“ Nguyện xin hiến trọn đời mình
Cho nguồn đạo pháp, cho tình quê hương ”

Năm 1955, Ni sư thọ Sa-di-ni giới. Vốn sẵn tánh thông minh và lòng khát ngưỡng Chánh pháp nên ngày đêm tinh tấn tu hành, quyết tâm thành tựu Tam Vô lậu học.
Năm Mậu Tuất (1958), Bổn sư biết người học trò này có thể là bậc truyền thừa mạng mạch Chánh pháp nên cho đăng đàn thọ Đại giới.

III. THỜI KỲ HÀNH ĐẠO
Từ năm 1958, theo gót Ni trưởng Huỳnh Liên và quý Tôn túc Ni, Ni sư đã hội đủ phước duyên lên thuyền Giáo hội vân du khắp các tỉnh thành, quận huyện miền Trung Việt Nam, xương minh Chánh giáo, thiết lập đạo tràng để ánh sáng Phật pháp soi chiếu khắp nơi.

Sau thời gian du hóa, Ni sư về trụ trì tinh xá Ngọc Cảnh - Đà Lạt; tinh xá Ngọc Thành - Long Thành; tinh xá Ngọc Trước - Bến Tre; tinh xá Ngọc Khánh - Long Khánh; tinh xá Ngọc Thuận - Vĩnh Long; tinh xá Ngọc Khánh- Sóc Trăng; rồi đến tinh xá Ngọc Viên - Cần Thơ.

Trước ngày đất nước giải phóng, theo lệnh bổ xứ hành đạo của Khất sĩ và hợp với hạnh giải thoát để dứt trừ bản ngã, không chấp cảnh chấp người các vị trụ trì và chúng Ni phải bắt thăm bổ xứ, ba tháng hoặc sáu tháng một lần có sự thay đổi trú xứ nhằm tạo điều kiện hành đạo rộng khắp.

Trong thời gian hành đạo, Ni sư đã có công kiến lập đạo tràng Ngọc Cảnh - Đà Lạt; Ngọc Thanh - Long Thành và trùng tu Tam Bảo Ngọc Trước - Bến Tre.
Ni sư rất tinh cần tu tập, thích tham khảo sách Kinh, tinh chuyên tụng Kinh Pháp Hoa, giỏi việc trang điền như trồng rau quả và chăm sóc cây cảnh của vườn chùa, gia chánh lại khéo léo, tiếng tụng niệm đầy truyền cảm.

Mỗi khi có Phật tử đến chùa, Ni sư thường giảng Phật pháp, khuyên làm điều lành, khích lệ sách tấn tu hành nên Phật tử rất hoan hỷ, phấn khởi trong ánh từ quang chư Phật.
Vốn tánh đức nhã nhặn, sống hài hòa, chân thật, Ni sư thường nhắc nhở Ni chúng và Phật tử thập phương trong việc tu hành, đền đáp tứ trọng ân. Với sự cảm hóa của Ni sư nên rất nhiều Phật tử nam nữ kiên trì tinh tấn, nhiệt tâm hộ đạo, giúp đời. Ni sư rất được nhiều người mến mộ.

Năm Đinh Tỵ (1977) sau khi nước nhà thống nhất, Ni sư về trụ trì tinh xá Ngọc Viên tại tỉnh Hậu Giang (nay là thành phố Cần Thơ). Nơi đây, Ni sư đã vì tiền đồ Phật pháp, vì sự hưng thịnh của dân tộc, người đã kề vai sát cánh với xã hội trong việc từ thiện, góp phần làm giàu đẹp quê hương, bảo vệ và xiển dương Chánh pháp. Nên Ni sư đã được Giáo hội và xã hội giao nhiều trọng trách kể từ năm 1978 như :

- Phó Ban Đại diện Phật giáo Cần Thơ.
- Ủy viên Thủ quỹ Ban Trị sự Phật giáo - Hậu Giang.
- Ủy viên Kiểm soát trường Cơ bản Phật học-Hậu Giang.
- Ủy viên Mặt trận Tổ quốc thành phố Cần Thơ.
- Ủy viên Mặt trận Tổ quốc phường Cái Khế.

Sức chịu đựng của Ni sư thật đặc biệt, chưa bao giờ biểu hiện sự đau đớn lúc thân bệnh, hay than thở trong công việc, chẳng sờn lòng trước chướng ngại. Nụ cười luôn nở trên môi ! Suốt trong lộ trình hành đạo, trải qua bao cuộc bể dâu, thăng trầm, Ni sư vẫn một dạ sắt son, phụ lực Tổ thầy xương minh giáo pháp và kề vai sát cánh cùng chư Tôn giáo phẩm Tỉnh hội Phật giáo Hậu Giang, các cấp chính quyền và Ban Tôn giáo tỉnh để hoàn thành mọi công tác nhằm thực hiện phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa Xã hội”, đồng thời xây dựng ngôi nhà Phật pháp trường tồn, kế thừa sự nghiệp của đấng Từ Tôn.

IV. THỜI KỲ VIÊN TỊCH
Vào lúc sắp từ bỏ báo thân thì vóc dáng đã tiều tụy do cơn đau hoành hành nhưng Ni sư vẫn chánh niêm, tỉnh giác, an trú chuyên tâm niệm Phật.
Ni sư đã xả bỏ báo thân lúc 10 giờ 55 phút ngày 13 tháng 10 năm Tân Mùi (ngày 18 tháng 11 năm 1991) tại tinh xá Ngọc Viên, TP. Cần Thơ, trụ thế 61 năm, trải qua 37 mùa An cư tu tập.
Ni sư vào cõi Niết-bàn để lại cho hàng hậu học Ni một tấm gương kiên trì giới đức, sức tinh tấn và sự hộ trì Chánh pháp sáng ngời đáng noi theo. Sự ra đi của Ni sư, ai mà chẳng ngậm ngùi thương tiếc cho một vị Ni đã cống hiến trọn đời cho đạo pháp và dân tộc.

 
DPKS