Chủ đề
CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !
NI TRƯỞNG THƯỢNG HUỲNH HẠ LIÊN KHAI SÁNG TINH XÁ NGỌC PHƯƠNG TRUNG TÂM NI GIỚI HỆ PHÁI KHẤT SĨ VIỆT NAM (1923 - 1987)

I. THÂN THẾ VÀ TRUYỀN THỐNG GIA ĐÌNH

Ni trưởng thế danh là Nguyễn Thị Trừ sanh ngày 19 tháng 3 năm 1923 (Quý Hợi) tại làng Phú Mỹ, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Định Tường (nay là tỉnh Tiền Giang) vùng giáp ranh hai tỉnh Long An và Đồng Tháp.

Gia đình có năm người con, toàn là gái, Ni trưởng là trưởng nữ thuộc gia đình Nho giáo sống bằng nông nghiệp nhiều đời. Thân phụ là cụ ông Nguyễn Văn Vận, Pháp danh Thiện Trí và thân mẫu là cụ bà Lê Thị Thảo, đã xuất gia thọ Tỳ-kheo-ni trong Ni giới Hệ phái Khất sĩ, Pháp danh là Thiện Liên.

Thiếu thời, Ni trưởng được gia đình nuôi ăn học đến hết chương trình trung học tại quê nhà, sau vì không đủ phương tiện đành phải dở dang đường học vấn. Song nhờ cậu ruột là cụ Lê Quý Đàm tham gia Cách mạng từ những năm 1930, là Đảng viên Đảng Cộng Sản Đông Dương từng theo học trường Cao đẳng Hà Nội, làm gia sư trong thời gian người cậu về quê nhà dưỡng bệnh. Với sự săn sóc và dạy dỗ của cụ Đàm, kiến thức của Ni trưởng thêm thăng tiến, đồng thời cũng sớm tiếp cận với tư tưởng và gương sáng của những người làm Cách mạng đương thời.

Trưởng thành trong điều kiện xã hội đầy dẫy áp bức bất công, đất nước đang bị thực dân xâm chiếm, nên mặc dù đã là một Phật tử tu tại gia theo truyền thống của một gia đình Phật giáo từ năm 20 tuổi (1943) tại Phật đường Minh Sư, nhưng khi phong trào Cách mạng bùng nổ vào năm 1945, Ni trưởng tham gia giành chính quyền cùng với chị em phụ nữ địa phương. Thực dân Pháp trở lại, để bảo tồn lực lượng, những người kháng chiến tạm lui vào bưng biền, Ni trưởng cũng tạm thời gác mọi mối liên hệ trở về với am tranh của người dì ở làng Phú Mỹ, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Định Tường (nay là tỉnh Tiền Giang) để tiếp tục nghiên cứu kinh điển.

 II. THỜI KỲ XUẤT GIA TU HỌC-HOẰNG PHÁP LỢI SANH

1) Xuất gia tu học theo hạnh du Tăng Khất sĩ

Vốn mang tâm niệm ưa thích việc tu trì, nên tuy thân nữ giới nhưng Ni trưởng có ý chí trượng phu, thường mong ước: “Tứ hải vi gia, cửu châu lập nghiệp”, đồng thời do có túc duyên nhiều đời nên được diện kiến đức Tôn sư Minh Đăng Quang - Tổ sư khai sáng Hệ phái Khất sĩ tại Việt Nam từ Vĩnh Long đi hành đạo đến miền Thất Sơn, lại được một vị cư sĩ ở chùa Linh Bửu, làng Phú Mỹ, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Định Tường thỉnh về đây hoằng truyền giáo pháp.

Không bỏ lỡ cơ duyên, vào năm 24 tuổi, sau một thời gian tìm hiểu học đạo, Ni trưởng cùng hai bạn đồng hành là Ni sư Nhị và Ni sư Tam được đức Tổ sư chứng minh làm lễ xuất gia vào ngày 1 tháng 4 năm 1947 tại Linh Bửu Tự, làng Phú Mỹ, thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang) và đặt Pháp danh là Huỳnh Liên, Bạch Liên, Thanh Liên; Ni trưởng là trưởng tử Ni của đức Tổ sư, cả ba đều được đức Tổ sư truyền thọ Giới pháp y bát Khất sĩ, làm Tỳ-kheo-ni nối gót Tổ sư tu học, phát triển mở mang Ni giới Khất sĩ.

“ Một cành mà nở trăm hoa,

Bóng y bát đẹp quê ta tự rày,

Chơn truyền Khất sĩ là đây,

Bóng xưa với lại hình này dặm không.

Đã không không tới tận cùng,

Tam y nhất bát dạo cùng nước non.

Đã không nhà cửa chồng con,

Lại không vướng bận vuông tròn thấp cao.

Đầy vơi trong đục sá nào,

Hải triều âm vọng ngọt ngào tâm linh.

Bờ ao vách miếu mái đình,

Sen thiên thị hiện anh linh nhụy vàng...”

 (Nhà thơ Trụ Vũ)

Từ đó, Ni trưởng được trực tiếp học đạo nghe pháp với đức Tổ sư qua những bài chân lý thực sống, bằng những thử thách gay go trên đường hành đạo, để rèn luyện ý chí, giồi trau phẩm hạnh hầu khai thị Pháp thân, nối truyền huệ mạng truyền lưu giáo pháp Phật Đà.

 2) Báo ân Đức Phật hoằng dương Chánh pháp

Có thể nói suốt cả cuộc đời tu tập và hành đạo là suốt cả quá trình báo ân Đức Phật và hoằng dương Chánh pháp của Ni trưởng:

Buổi đầu mới xuất gia, vừa theo Tổ sư học đạo, vừa được sự ủy thác của Tổ sư tiếp chúng độ Ni.

Đến năm 1954, đức Tổ sư MINH ĐĂNG QUANG thọ nạn vắng bóng. Ni trưởng kế tục sự nghiệp Tổ thầy, trực tiếp lãnh đạo hàng Ni chúng Khất sĩ trong phận sự trưởng tử Ni từ năm 1947 đến năm 1987, tròn 40 năm.

Một chiếc thuyền nan mỏng manh giữa cơn dông tố. Với hạnh nguyện làm chiếc thuyền chở che phái nữ, Ni trưởng đã nỗ lực lèo lái Giáo đoàn Ni giới Khất sĩ song song con thuyền Giáo hội Tăng già, truyền thừa Phật pháp sâu rộng trong quần chúng nhân gian. Nhờ bi nguyện bao la, đức hạnh từ hòa và tinh thần không mỏi mệt, dẫu rằng giới nữ lưu tay yếu chân mềm nhưng Ni trưởng nghị lực không yếu mềm.

Từ năm 1948, những chiếc huỳnh y của Ni giới Khất sĩ đã uyển chuyển hiền hòa trong nắng sớm sương chiều, hội nhập vào lòng người hiện diện khắp các tỉnh thành, quận huyện hai miền Nam Trung nước Việt.

- Tất cả khó khăn gian khổ thử thách đều vượt qua.

- Tất cả những khen chê vinh nhục, ngăn trở đói no đều vượt qua!

- Tất cả mồ hoang miếu lạnh, cảnh rừng vườn vắng vẻ nắng mưa đều vượt qua!

Ni trưởng luôn luôn bền lòng  hướng dẫn Ni chúng theo lời pháp bảo cao quý của Tổ thầy.

“Lâng lâng tâm cảnh,

  Khăng khăng chí nguyền”.

Hoặc:

“Bát làm ruột, Y làm da,

Bạn thiết châu du cùng thế giới;

Trời làm màn, đất làm chiếu,

Tinh thần thông cảm khắp trần gian”.

Trong 41 năm, ánh sáng công hạnh trí huệ của Ni trưởng gieo trồng đến đâu là hoa Giác, quả Thiền xinh tươi đơm cành đến đó. Hội Ni chúng xuất gia càng lúc càng đông; thiện nam tín nữ lớp lớp, hàng hàng thọ giới quy y, tinh thần tu tập ngày càng tăng tiến. Xe pháp luân chuyển pháp hoằng dương của Ni trưởng từ năm 1948 đến nay đã tỏa chiếu ánh từ quang khắp sơn khê, nông thôn, phố thị... Sự hiện hữu của trên trăm ngôi tinh xá đạo tràng, trên một trăm thảm đất vàng, chi nhánh khắp Nam Trung, với sự hiện hữu của hàng ngàn Ni chúng, hàng vạn vạn tín đồ... Ôi! Đây là da thịt, là sự nghiệp hoằng dương Chánh pháp của Ni trưởng, mà cũng chính là hiếu đạo của Ni trưởng báo ân Đức Phật và Tổ thầy.

Đặc biệt, tinh xá Ngọc Phương trung tâm của Ni giới Hệ phái Khất sĩ Việt Nam, nơi mang nhiều dấu ấn lịch sử của Ni trưởng. Tinh xá được xây dựng từ năm 1958, trùng tu năm 1972, khuôn viên tinh xá được hoàn thành thật sự vào khoảng cuối năm 1986. Ni trưởng ra đi khi mọi công hạnh đã tròn xong.

Ôi! Tinh thần hoằng dương Chánh pháp, báo ân Đức Phật của Ni trưởng thật sự đi vào vô tận, vô biên của dòng thời gian bất diệt!

 3) Tu tập và giáo hóa môn sinh, kế tục truyền đăng, tiếp độ Ni chúng làm rạng ngời Chánh pháp.

Suốt cuộc đời vì đạo, vì nhơn sanh, thanh bần giản dị, nhu yếu về ăn, mặc, ở, bệnh, đơn sơ qua bữa, thế mà gánh nặng oằn vai, “mẹ ngàn con đa đoan phận sự”. Phút giây nào Ni trưởng cũng vận dụng trí tâm, nỗ lực dùng thân, khẩu, ý giáo hóa môn đồ, độ cư gia bá tánh.

Vốn có thiên phú về thơ ca văn học, thương Ni chúng và nam nữ Phật tử khó lãnh hội được ý nghĩa súc tích thâm sâu của Kinh tạng chữ Hán và Pàli, Ni trưởng chủ trương dân tộc hóa bằng cách diễn dịch các Kinh trên ra chữ Quốc ngữ, thể văn vần cho dễ đọc, dễ hiểu và dễ nhớ. Một số Kinh tụng thường nhựt được Ni trưởng diễn dịch như Kinh Di Đà, Hồng Danh, Vu Lan, Phổ Môn, Báo Hiếu, Bát Nhã Tâm Kinh, Xưng Tụng Tam Bảo, Kinh Vô Ngã Tướng, Kinh Pháp Cú, Di Giáo, Tứ Thập Nhị Chương, Khóa Hư Lục, Cảnh Sách... Ngoài ra, Ni trưởng rất chú trọng đến việc đào tạo nhân tài mai hậu bằng việc luôn tạo môi trường thuận tiện nhắc khuyên Ni chúng phải cố gắng học lên cao đẳng, học Phật pháp tinh chuyên để đền ơn Tổ thầy, để rạng rỡ tông môn, để Chánh pháp lưu tồn, để tiếp cận kim ngôn Đức Phật. Đối với các Ni nhỏ tuổi, Ni trưởng cho học văn hóa phổ thông, bổ túc, học ngữ văn, sinh ngữ, cổ ngữ, dạy làm thơ phú, giồi luyện Việt văn, dạy làm sách báo...

Suốt cuộc đời Ni trưởng tinh tấn chuyên tu, tham cứu giáo điển, giáo dưỡng Ni chúng, hoằng truyền Phật đạo, vừa du phương thuyết pháp, vừa học kinh nghiệm nơi mọi người. Ni trưởng luôn tìm tòi học hỏi, vừa làm thơ, làm văn, làm sách báo để xương minh Chánh đạo, truyền trao tư tưởng Phật Đà, vừa gióng tiếng gọi thiêng liêng tham gia Cách mạng, giúp đỡ đồng bào, cứu nguy đất nước.

 Dịch phẩm và tác phẩm của Ni trưởng gồm có:

+ Kinh Tam Bảo, Xưng Tụng Tam Bảo và Kệ Pháp trích lục đã xuất bản, tái bản nhiều lần, diễn dịch thành thơ, văn nghĩa rõ ràng, giản đơn dễ hiểu.

+ Khoảng 2.000 bài thơ, bài kệ đủ thể loại.

+ Hàng ngàn bản văn xuôi.

Nội dung thơ văn phần nhiều khích lệ, sách tấn hội chúng xuất gia cũng như tại gia phải nỗ lực tiến tu đạo nghiệp. Lấy GIỚI-ĐỊNH-HUỆ làm căn bản trừ diệt tham sân si, sống trong sạch, giải thoát thanh cao, giồi trau kiến thức; phải luôn luôn đoàn kết, thực hiện pháp Tam tụ Lục hòa xả kỷ lợi tha, sớm tinh cần cơm Thiền sữa Pháp, sao cho vừa cứu mình, vừa giúp người, vừa lợi đạo, thực hành nhiệm vụ thiêng liêng “Tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự” trong tứ phương thiên hạ để đáp ơn Phật pháp, Tổ thầy. Ý thơ văn còn khuyến khích Ni chúng luôn luôn tỉnh giác vô thường, khổ, không, vô ngã; vừa hành Thập thiện, Lục độ, nếp sống thuần lương, vừa gởi gắm bổn hoài cư sĩ, vừa gọi hồn dân tộc, thúc giục đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng quê hương đất nước, đúng theo tinh thần những danh sư thuở trước:

 “ Nguy thời hộ nước cứu dân,

 An thời giũ áo am vân tu trì. ”

 

4) Đặc biệt trong sự nghiệp giáo hóa và dắt dìu Ni chúng, Ni trưởng không chấp nê thủ cựu, mà lại  chủ trương:

“ Tu có học mới rạng ngời Chánh pháp,

  Học có tu mới lợi Đạo, ích Đời”

Dõng mãnh vượt định kiến từ xưa của hạnh Khất sĩ du phương là chỉ chuyên tu giải thoát, Ni trưởng chủ trương cho Ni chúng học thêm văn hóa và học rộng Phật pháp.

Ôm ấp hoài bão đào tạo Tăng tài để “kế vãng khai lai”, Ni trưởng đã nhiệt tâm đóng góp khá nhiều tài vật, cổ động chư Ni và Phật tử ủng hộ thường xuyên việc thành lập trường Cao cấp Phật học Việt Nam Cơ sở II tại thành phố Hồ Chí Minh; khuyến khích, sách tấn tạo điều kiện cho Ni chúng biết trưởng dưỡng thiện căn, trau giồi trí tuệ, hầu đủ sức tài để hoằng dương Chánh pháp.

Ước mơ của Ni trưởng ngày nay đã trở thành hiện thực, mười Ni cô tốt nghiệp khóa I và 10 Ni cô tốt nghiệp khóa II Cao cấp Phật học Việt Nam, 43 Ni cô tốt nghiệp Trung cấp Phật học tại TP.HCM và một số tỉnh phía Nam. Rất nhiều Ni cô đã trúng tuyển, hiện đang theo học các trường Cao cấp Phật học khóa III, Cơ bản Phật học ở các tỉnh Hậu Giang, Lâm Đồng, Đồng Nai, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Định, Đồng Tháp, Cửu Long, Kiên Giang... Nhiều Ni cô khác đã tốt nghiệp Cử nhân Phật học và Triết học Đông phương, Cử nhân ngữ văn Đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh (nay là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn). Một số đông Ni cô đang theo học các khóa Ngữ văn, Hán nôm, Sinh ngữ ở các trường Đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Ni cô Liên Tín tốt nghiệp khóa I Cao cấp Phật học là thư ký thường trực Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam đã được nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho phép nhận học bổng về nghiên cứu Phật học tại trường Đại học New Delhi - Ấn Độ do chính phủ Ấn Độ tài trợ theo chương trình trao đổi văn hóa giữa hai nước Ấn- Việt.

Quả thật tấm lòng vì đạo vì đời của Ni trưởng mênh mông bát ngát như biển khơi.

 III. QUÁ TRÌNH HOẠT ĐỘNG YÊU NƯỚC VÀ THAM GIA CÁC CAO TRÀO ĐẤU TRANH ĐÒI HÒA BÌNH, ĐỘC LẬP TỰ DO CHO ĐẤT NƯỚC

1) Từ năm 1960 đến 1975

Miền Nam bước vào thời kỳ của khúc quanh lịch sử, noi theo hạnh nguyện Phổ Hiền, nối chí những Thiền sư Vạn Hạnh, Khuông Việt, Ni trưởng chủ trương đem đạo vào đời, nhập trần bất nhiễm, tùy duyên mà bất biến, bất biến nhưng vẫn tùy duyên. Trước cảnh chết chóc của nhân dân đồng bào, trong đó có tín đồ Phật giáo chịu nhiều áp bức bất công, dẫy đầy đau khổ, xã hội tinh thần ngày càng xuống dốc, tấm lòng Bồ-tát đau nỗi đau chung của dân tộc, không thể bàng quan tọa thị, an trú thiền môn, nên Ni trưởng đã lãnh đạo hàng Ni giới Khất sĩ vào gông xiềng để bẻ gãy xiềng gông, vào ngục tù để phá tan tù ngục. Ni trưởng tích cực vận động chư Ni và tín đồ Phật tử tham gia vào các phong trào xuống đường, đấu tranh đòi quyền sống, đấu tranh cho hòa bình, độc lập dân tộc và trường tồn đạo pháp.

Những năm 1960, khi chế độ độc tài Ngô Đình Diệm thực hiện chính sách kỳ thị và đàn áp Phật giáo, mà cao điểm là năm 1963, với tư cách là người đứng đầu Ni giới Khất sĩ, Ni trưởng đã liên lạc lãnh đạo toàn Ni giới trực tiếp tham gia các phong trào đấu tranh đòi tự do tín ngưỡng và các quyền dân sinh, dân chủ của Phật giáo, của sinh viên học sinh và nhân dân Sài Gòn- Gia Định. Các phong trào nầy đã có ảnh hưởng sâu rộng đến các tỉnh miền Trung như : Thừa Thiên- Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quãng Ngãi, Gia Lai- Kontum... và các tỉnh miền Nam như Cần Thơ, Sa Đéc, Sóc Trăng...

Song, mốc thời gian đánh dấu cho bước phát triển toàn diện các hoạt động yêu nước của mình, đó là việc Ni trưởng tham gia thành lập và giữ vai trò cố vấn cho phong trào phụ nữ đòi quyền sống, được ra mắt tại chùa Ấn Quang ngày 2 tháng 8 năm 1971 và trụ sở của phong trào đặt tại tinh xá Ngọc Phương. Các năm tiếp sau, Ni trưởng tiếp tục tham gia thành lập Mặt trận Nhân dân tranh thủ dân chủ hòa bình do cụ Đặng Văn Ký làm chủ tịch.

Là người thông tuệ và có nhiều sáng kiến, Ni trưởng đã liên tiếp tổ chức thành công các cuộc lễ “Xuống tóc vì hòa bình” (18-10-1970); biểu tình chống Mỹ và Ngụy quyền (25-10-1970); mít tinh ra tuyên ngôn 10 điểm về hòa bình của Mặt trận Nhân dân tranh thủ dân chủ hòa bình (7-11-1970), triển khai thành lập chi nhánh phong trào Phụ nữ đòi quyền sống tại Cần Thơ, Trà Vinh (22-11-1970). Ni trưởng cùng phối hợp với các phong trào sinh viên học sinh, phong trào dân tộc tự quyết, ủy ban cải thiện chế độ lao tù... tổ chức biểu tình đòi thả tù nhân chính trị (1-1-1971); phối hợp với phụ nữ quốc tế lên án chiến tranh, vận động hòa bình (5-1-1971); tổ chức họp báo với đề tài “Nhân dân đòi cơm áo, Phật giáo đòi hòa bình”, “Nông dân đòi quyền sống” để đòi lại ruộng đất đã bị Ngụy quyền cướp đoạt để xây dựng các công trình phục vụ chiến tranh (7-4-1971); đấu tranh buộc Ngụy quyền phải thả bà Ngô Bá Thành - Chủ tịch phong trào Phụ nữ đòi quyền sống (6-9-1971); phối hợp với đồng bào Công giáo tố cáo các chính sách thâm độc của Mỹ, nhân sự có mặt của Thượng nghị sĩ Mác Govern tại nhà thờ Dòng Chúa Cứu thế đường Kỳ Đồng. Phối hợp với sinh viên, học sinh Sài Gòn, Gia Định chống “Quân sự hóa học đường” (18-9-1971), hoặc phối hợp với công nhân hãng pin Con Ó chống lại sự bóc lột và sa thải công nhân của chủ tư sản (18-11-1971)...Những hoạt động và ảnh hưởng của Ni trưởng đã làm cho Ngụy quyền gặp nhiều lúng túng và buộc phải thực hiện một số yêu sách chính đáng của Phật giáo và quần chúng nhân dân.

Từ năm 1971, địch đàn áp khốc liệt, bắt giam lãnh đạo của phong trào Phụ nữ đòi quyền sống, Mặt trận Nhân dân tranh thủ dân chủ hòa bình, phong trào như rắn không đầu, Ni trưởng đã dũng cảm đứng ra nhận lãnh trách nhiệm, tiếp tục cùng các đoàn thể khác đấu tranh bằng những biện pháp hết sức thông minh, linh hoạt, làm chính quyền Sài Gòn phải điên đầu. Và từ đó danh hiệu “Đội quân đầu tròn” bên cạnh danh hiệu “Đội quân tóc dài” đã hiên ngang đi vào lịch sử đấu tranh của dân tộc.

Bên ngoài đấu tranh công khai với Mỹ - Ngụy, bên trong Ni trưởng còn nuôi dưỡng cán bộ tù chính trị từ Côn Đảo về thành phố, ủng hộ giúp đỡ tài vật cho các cơ sở Cách mạng.

Cuối năm 1971 đến đầu năm 1975, phong trào đấu tranh tiếp tục diễn ra sôi động với mục tiêu rõ rệt là đòi dân quyền, dân sinh, dân chủ, đòi tự do ngôn luận, tự do báo chí, đòi thả tù nhân chánh trị, đòi chính quyền Sài Gòn thực hiện Hiệp định Paris, đòi hòa bình, hòa giải hòa hợp dân tộc. Trong giai đoạn đấu tranh quyết liệt này, có những tháng ngày đã ghi đậm nét vào ký ức chúng ta như :

· Ngày 4-10-1974, cùng biểu tình với ủy ban chống tịch thu báo chí tại chợ Bến Thành gọi là “Đọc báo nói” cho đồng bào nghe. Ban đầu mít tinh đông đảo, sau chính quyền Sài Gòn hoảng sợ đem xe lam phát loa “bán mì con cua” để lấn át tiếng đọc báo của ủy ban, nhưng đoàn Ni cô đã can đảm đẩy lui xe “bán mì con cua” khiến địch hoảng sợ bỏ chạy và cuộc biểu tình mỗi lúc một đông đảo, hào hứng sôi động quanh chợ Bến Thành.

· Ngày 10-10-1974, tham dự ngày “Ký giả ăn mày” mang bị gậy diễu hành quanh chợ Bến Thành rồi đến Hạ nghị viện suốt ngày. Đoàn biểu tình bị đánh, được dân chúng bênh vực, can thiệp, giằng co thành cuộc mít tinh vĩ đại, hàng vạn người. Cuối cùng hai Ni cô và nhiều sinh viên bị thương phải đưa vào bệnh viện Sài Gòn cấp cứu.

Ngoài ra, nhiều cuộc biểu tình khác bảo trợ các phong trào đấu tranh, đòi quyền sống, càng lúc càng sôi động hơn.

· Chư Ni Tịnh xá Ngọc Phương dưới sự lãnh đạo của Ni trưởng Huỳnh Liên vượt rào kẽm gai kết hợp với Ni sư Ngoạt Liên từ Biên Hòa xuống tập trung trước nhà hát lớn Sài Gòn phản đối chính quyền Sài Gòn phong tỏa Tịnh xá Ngọc Phương, yêu cầu thả tù chính trị, các nhân sĩ yêu nước, sinh viên học sinh... Ni trưởng bị thương phải vào bệnh viện Sùng Chính, lúc đó có các chính khách cao cấp đến thăm tạo thêm áp lực với chế độ Sài Gòn.

· Ni trưởng và phong trào Phụ nữ đòi quyền sống luôn luôn ủng hộ và đi sát với các phong trào học sinh, sinh viên, trí thức yêu dân tộc và đất nước.

Đặc biệt trong hai năm (1973 -1975) trước ngày đất nước hoàn toàn giải phóng là giai đoạn cam go, gian khổ và khó khăn nhất cho Ni trưởng : lớp bị địch bao vây, cô lập (cầm tù tại nhà), hăm dọa ; lớp bị địch len lỏi vào nội bộ tuyên truyền lung lạc chư Ni... Ni trưởng phải vận dụng mọi nỗ lực của mình để lèo lái, vượt qua thử thách khó khăn. Nhờ đức bi trí dũng tràn đầy, tinh thần kiên trì, vô úy và vong kỷ lợi tha nên  Ni trưởng vẫn hăng say thực hành hạnh Bồ-tát nghịch cho đến ngày giải phóng đất nước. Riêng Tịnh xá Ngọc Phương, nơi trụ xứ của Ni trưởng cũng lâm vào cảnh giống như bị tù đày, do sự giám sát của cảnh sát chìm nổi và kẽm gai phong tỏa suốt ngày đêm, từ đầu tháng 8-1970 đến 12 giờ trưa ngày 29 tháng 4 năm 1975 mới được buông tha.

Trong thời gian đấu tranh, Ni trưởng cũng đã cho dựng một “lò thiêu dã chiến” ngay trước cổng Tịnh xá Ngọc Phương để nếu có bị cảnh sát tấn công, đàn áp, thì chư Ni sẽ tự thiêu tập thể, chống đối.

 2) Thực hành hạnh Bồ-tát đạo

Với tinh thần tích cực nhập thế, Ni trưởng đặc biệt hướng về con đường từ thiện xã hội, những muốn đem ánh đạo vàng đến tận mỗi tâm hồn qua hạnh bố thí, mong xoa dịu những nỗi đau vật chất để từ đó mưa pháp nhuận thấm tinh thần.

Lúc bấy giờ, hoàn cảnh đất nước chiến tranh ngày càng khốc liệt, dân tộc Việt Nam nhất là đồng bào ở vùng thôn quê bị thất bát mùa màng, vườn ruộng hoang sơ, trở thành nạn nhân trực tiếp của chiến cuộc, lâm vào cảnh đói nghèo, bệnh tật liên miên, lại thêm nạn hỏa tai, lụt lội... Trước những nỗi khổ của đồng bào khiến Ni trưởng động mối từ tâm, đêm ngày canh cánh trong lòng, tùy duyên, phương tiện cứu khổ ban vui. Giai đoạn này Ni trưởng đã viết nhiều bài thơ phản chiến, tiêu biểu như bài “Vì ai?”

Người đã cổ động Ni chúng và Phật tử khắp Nam Trung nhịn ăn, nhịn mặc, nhịn tiêu xài hoang phí để đóng góp ủng hộ tài vật thường xuyên giúp đồng bào, xoa dịu niềm đau. Ni trưởng lại còn nhận nuôi dưỡng trẻ mồ côi, mở trường dạy học từ thiện, ủy lạo các bệnh viện, khám đường...và khuyên nhắc Phật tử bố thí, giúp đỡ đồng bào khốn khổ. Cô nhi viện Nhất Chi Mai bên cạnh tịnh xá Ngọc Uyển - Cầu Hang - Biên Hòa là cơ sở từ thiện trung ương của Ni giới Khất sĩ và một số chi nhánh Cô - Ký nhi tại các cơ sở khác trong khuôn viên tịnh xá các tỉnh thành.

Chiến tranh càng lúc càng leo thang, nỗi ai hoài thống thiết của Ni trưởng càng thêm não lòng. Ngày ngày đưa đám táng thanh niên, Ni trưởng đau lòng tự hỏi “Tu chờ người chết cầu lên cõi nào?” và biết bao nhiêu câu hỏi khác dồn dập tới tấp... Ngày đêm vận chuyển trí tâm, ánh đuốc bi, trí, dũng chói ngời soi lối bước, Ni trưởng gia nhập phong trào quần chúng đấu tranh không súng, không gươm, chỉ bằng đuốc tuệ, tính kiên trinh quyết liệt, không nại hà lửa bỏng dầu sôi, tích cực hy sinh cho quyền sống và hòa bình dân tộc.

Đại thắng mùa Xuân 1975, đất nước thống nhất nhưng dân tộc ta vẫn chưa vơi khổ cảnh, nỗi lòng Bồ-tát vẫn nặng trĩu ưu tư. Do vậy, Ni trưởng vẫn tiếp tục nhiệt tình hưởng ứng và tích cực vận động chư Ni, Phật tử nỗ lực đóng góp sức người, sức của để thực hiện tốt phúc lợi xã hội và tuyến đầu Tổ quốc, đoàn kết tương trợ người già và thiếu niên tàn tật... bằng hành động cụ thể là đi viếng thăm, an ủi, tặng quà vào những ngày Rằm lớn và lễ giỗ Tôn sư.

Các hoạt động thực hiện ủy lạo là tại bệnh viện 175, nghĩa vụ quân sự, trại cùi Bến Sắn, trại cùi Thủ Thiêm, dưỡng trí viện Biên Hòa, nhà tinh thần Gò Vấp, mầm non 4 Gò Vấp, nhà nuôi người già Thị Nghè, nhà nuôi người già Xóm Mới, Thiếu nhi tàn tật Thị Nghè, trường nuôi dạy Thiếu niên 3, các Lớp học tình thương do phường, khóm tổ chức... Ni trưởng còn nhiệt tình hưởng ứng và tích cực vận động quý Sư cô, Ni cô hai miền Trung Nam tiết kiệm mua công trái xây dựng Tổ quốc trong nhiều đợt, ủy lạo hỏa hoạn, thiên tai bão lụt miền Bắc 1985, miền Trung 1986. Đặc biệt bệnh viện Quân y 175, kết nghĩa với tinh xá Ngọc Phương được Ni trưởng luôn quan tâm giúp đỡ và tặng quà thường xuyên. Đầu tháng 4 năm 1987, những ngày tháng cuối của cuộc đời, tuy thân tứ đại thọ bệnh, nhưng tấm lòng yêu đời, thương người của Ni trưởng vẫn dâng cao. Tịnh tài quý Ni sư, Sư cô và Phật tử kính dâng để uống thuốc, được Ni trưởng dành dụm sắm một truyền hình màu thân tặng Quân y viện 175, đem nguồn vui an ủi các bệnh nhân bất hạnh, đồng thời giúp tiền để mua máu cho bệnh nhân tại Trung tâm ung bướu.

Công đức của Ni trưởng vô lượng vô biên ! Ni trưởng những ước mong một xã hội công bằng bình đẳng, cơm no áo ấm con người nhìn nhau bằng ánh mắt thiện cảm, đoàn kết, thương yêu.

 IV.  QUÁ TRÌNH CÔNG TÁC SAU NGÀY THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC

- Ni trưởng được đi dự Đại hội Phụ nữ Quốc tế tại Bá Linh (Berlin) - Cộng hòa Dân chủ Đức từ ngày 20 đến 24 tháng 10 năm 1975. Trên đường về, phái đoàn ghé Liên Xô (cũ).

- Cùng với phái đoàn Phật giáo Việt Nam đi dự Đại hội Tôn giáo thế giới vì hòa bình về vấn đề giải trừ quân bị, chống chiến tranh hạt nhân, tổ chức tại Maxcơva (Liên Xô cũ) từ ngày 06 đến 10 tháng 6 năm 1977. Trong không khí thân mật, tình đoàn kết gắn bó keo sơn giữa các nước anh em, Ni trưởng xuất khẩu thành một bài thơ :

Bỗng dưng mình lại hóa thành tiên,

Lướt gió tung mây gặp bạn hiền.

Dự tiệc bàn đào tiên nữ đãi,

Hòa bình rượu ấm nghĩa đào viên.

Chuyến về, phái đoàn ghé thăm Mông Cổ

- Năm 1976, tham gia Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh với chức vụ Phó Chủ tịch.

- Khi nước nhà thống nhất, được Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng thành phố Hồ Chí Minh và Ủy ban Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh giới thiệu ra ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa VI, ngày 25 tháng 4 năm 1976.

- Tham gia Hội Liên hiệp Phụ nữ Trung ương, cương vị Ủy viên Ban chấp hành.

- Phó Chủ tịch Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước thành phố Hồ Chí Minh.

- Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hồ Chí Minh.

- Đầu năm 1980, Ủy viên Ban Vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam.

- Ngày 7 tháng 11 năm 1981, tại Hội nghị Thống nhất Phật giáo Việt Nam cả nước, tổ chức tại chùa Quán Sứ, Thủ đô Hà Nội, Ni trưởng được mời làm Ủy viên kiểm soát Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

- Phó Chủ tịch Ủy ban bảo vệ hòa bình thế giới của thành phố Hồ Chí Minh.

Được Đảng và Nhà Nước tặng thưởng:

·Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất.

·Huân chương Độc lập hạng Nhì.

·Huân chương Quyết thắng hạng Nhất.

·Huy hiệu Thành phố Hồ Chí Minh.

·Bằng khen 10 năm của Ủy ban TP. Hồ Chí Minh.

V. THỜI KỲ VIÊN TỊCH

Những năm cuối cùng của báo thân, sức khỏe kém dần, Ni trưởng vẫn không xao lãng chí nguyện ưu đời mẫn thế, hóa độ chúng sanh, giáo dưỡng Ni chúng, xiển dương Phật  pháp. Công việc giúp đời hóa đạo chưa viên mãn, bạo bệnh đã vương mang thế mà Ni trưởng vẫn nhiếp tâm thanh tịnh, ánh sáng bi, trí, dũngsáng ngời,

 thân bệnh nhưng tâm hồn vẫn an nhiên tự tại. Trước lúc viên tịch, Ni trưởng đã ân cần nhắc nhở chư Ni nỗ lực tu hành, lấy GIỚI, ĐỊNH, HUỆ làm căn bản nhằm chứng đạt quả cứu cánh Vô sanh ngay trong hiện kiếp. Và sau cùng Ni trưởng làm một bài kệ phó chúc:

Ngày đã cận cần tu gấp rút,

Giới giữ sao trong sạch như xưa,

Định Huệ không thiếu không thừa,

Lợi ích dân chúng đúng vừa khả năng.

Vào lúc 16 giờ 20 ngày 16 tháng 4 năm 1987 (nhằm ngày 19 tháng 3 năm Đinh Mão), Ni trưởng viên tịch, mãn báo thân, hưởng 65 tuổi thọ, hạ lạp trải 41 mùa mưa. Ni trưởng ra đi để lại trong lòng hàng vạn môn đồ Phật tử gần xa xiết bao niềm kính thương luyến tiếc!

Dòng thời gian âm thầm trôi biền biệt nhưng tấm gương sáng chói, công hạnh tuyệt vời, chí nguyện cao cả, trí đức viên dung và tinh thần bất khuất của Ni trưởng mãi mãi khắc sâu và rạng chiếu trong tâm khảm hàng môn đồ Ni giới Khất sĩ Việt Nam.

 
Ni giới Khất Sĩ