Chủ đề
CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !
Mỗi khi có thái độ khinh thường ai, ta hãy tự hỏi mình có đang vướng kẹt vào một nhận thức sai lầm, một thành kiến, hay một như cầu nào đó với họ mà chưa được thỏa mãn không? Nếu biết được lỗi thuộc về người kia thì ta cũng hãy tự nhắc nhở mình đó chỉ là một phần rất nhỏ trong tổng thể rất tuyệt vời của họ. Đừng bao giờ quên, chỉ có hành vi xấu xa chứ không bao giờ có con người xấu xa. Mà từ xấu xa đến đáng khinh miệt là một khoảng cách rất lớn. Nó tùy thuộc vào sự hiểu biết và dung lượng trái tim của mỗi người.

Nền tảng mọi liên hệ

 

Ai trong chúng ta cũng cần được kính trọng, vì khi được kính trọng ta sẽ thấy rõ hơn những giá trị sâu sắc và đích thực của mình. Dù ta đang chịu nhiều thất bại nặng nề, đến nỗi suy sụp niềm tim vào bản thân, nhưng thái độ kính trọng một ai đó sẽ ngầm nhắc ta nhìn lại những giá trị quan trọng khác của mình. Trong bất cứ mối liên hệ tình cảm nào, niềm kính trọng cũng là nền tảng quyết định nên sự tồn tại lâu bền. Không có sự kính trọng, tình cảm ấy chỉ còn là sự dựa dẫm cảm xúc qua lại mà thôi.

 

Có những sự kính trọng bị miễn cưỡng trong những nguyên tắc ràng buộc như tuổi tác, vai vế hay địa vị. Tuy nó có thể tạo nên sự điều hợp hữu hiệu trong chừng mực nào đó, nhưng vì thiếu ý thức tự nguyện nên sự kính trọng ấy không phải là chất liệu để nuôi dưỡng mối liên hệ tình cảm lâu bền. Bởi vì bản chất của sự kính trọng phải xuất phát từ lòng chân thành, do thấy được giá trị chân thật của nhau hay sự tương tức sâu sắc với nhau.

 

Quả thật, càng kính trọng nhiều đối tượng thì thói quen tự hào và kiêu ngạo trong ta sẽ càng bị cô lập và rơi rụng bớt. Niềm kính trọng nếu vượt qua khỏi những định kiến của xã hội, có thể trải lòng vói mọi đối tượng dù đó là những kẻ bị liệt vào tầng lớp thấp hay xấu xa, thì không gian bình yên và tự do trong ta sẽ vô cùng rộng lớn. Vì khi kính trọng đối tượng nào là ta đã chính thức thiết lập sự liên kết và tiếp nhận năng lượng từ nơi đối tượng ấy, dù ta không có chủ ý. Huống chi, kính trọng nhau tức là tôn trọng sự có mặt của nhau trong cuộc đời này, đó là cấu trúc cân bằng giữa các cá thể trong vũ trụ.

 

Đời sống luôn có quá nhiều mối lo toan nên ta ít có cơ hội nhìn lại mình để giữ tâm quân bình và trong sáng. Theo đó, ta cũng dần đánh mất khả năng nhìn sâu sắc vào bản chất của từng đối tượng để thấy rằng ai cũng đáng kính trọng. Bởi suy cho cùng thì ai cũng có cái hay cái đẹp. Có khi những cái hay cái đệp của họ đang hiện ra sờ sờ, nhưng vì mắt ta bị nhuộm lên những màu sắc của thành kiến nên ta không thể thấy được. Cũng có khi nó đang tiềm ẩn hay tmaj thời bị vài năng lượng tiêu cực che khuất, mà nếu ta không có cái nhìn khám phá và cảm thông thì ta cũng không thể nào phát hiện ra được. Cho nên, ta hãy luôn tự hỏi mình vì sao ta lại thiếu kính trọng với người ấy? Tại ta hay tại họ?

 

Muốn người kính trọng ta thì trước tiên ta phải kính trọng người đó. Đó là lẽ tự nhiên. Ngoài ra, muốn tạo sự kính trọng đối với mọi đối tượng, ta phải hội đủ 2 điều kiện nổi bật: đó là uy lực và ân tình. Không cần phải có quyền lực thì ta mới có uy lực. Đôi khi quyền lực cũng có thể tạo nên sự thất kính, nếu nó bị lạm dụng để răng đe hay uy hiếp kẻ yếu thế. Chỉ cần ta luôn sống trong tỉnh thức hay luôn kiểm soát và chịu trách nhiệm cho mọi lời nói hay hành động của mình, luôn giữ được biên giới vừa đủ giữa mình và đối tượng, không gây phiền phức hay xâm phạm vào quyền lợi của họ thì ra sẽ có uy lực. Ân tình cũng là yếu tố quan trọng để tạo nên sự kính trọng. Ân tình là thương yêu đối tượng một cách không vụ lợi, không toan tính, không đòi hỏi quá nhiều, lúc nào cũng dành mọi ưu tiên cho họ, sẵn sàng mở lòng ra chấp nhận và tha thứ những yếu kém vụng về của họ. Đặc biệt là ta luôn tận tình giúp họ vượt qua những khó khăn, hay hướng dẫn họ đi tới con đường sáng đẹp. Một người có thái độ ứng xử như thế thì chắc chắn sẽ được mọi người dành sẵn cho niềm kính trọng rất lớn. Nói chung, người nào có đầy đủ đức và phước - tức khả năng tự tạo ra năng lượng tốt và đem năng lượng tốt đó để hiến tặng cho mọi người - thì người đó chắc chắn sẽ được nhiều sự kính trọng. Người được nhiều sự kính trọng tức là người được đón nhận năng lượng nuôi dưỡng từ rất nhiều nguồn. Cũng như cây có nhiều rễ cắm sâu vào lòng đất thì nó sẽ không còn lo sợ bị xô ngã bởi phong ba bão táp.

 

 

Thương nhau phải kính nhau

 

 

Khi ta bắt đầu có sự kính trọng là ta đã bắt đầu có cảm tình với nhau. Cảm tình trong một giới hạn nhất định sẽ là khởi đầu tốt đẹp cho tất cả các mối quan hệ tình cảm. Nếu duy trì được niềm kính trọng trong suốt quá trình sống chung với nhau, thì quan hệ ấy sẽ rất nhẹ nhàng và dễ dàng vượt qua những đoạn đường cách trở. Vì nhờ kính trọng mà mỗi bên có ý thức giữ gìn phẩm chất của mình, không để cho những năng lượng xấu tự do tràn lấp ra ngoài mà gây phiền nhiễu hay đau khổ cho đối phương.

 

Tuy nhiên, khi ở gần nhau ta rất dễ thấy những khuyết điểm sâu kín của nhau rồi dần dần thiếu tôn trọng nhau. Vậy làm sao để ta nuôi dưỡng niềm kính trọng lâu bền với nhau?

 

Trước tiên, ta phải biết rõ bên kia có thật sự kính trọng mình hay không đã. Nếu thấy họ rất thương yêu mà lại ít kính trọng, thì ta hãy khoan quyết định sống chung. Tình thương ấy có thể là lòng thương hại, hay chỉ là thứ cảm xúc thỏa mãn trong nhất thời. Họ thương ta là vị họ có nhu cầu muốn được thương một người nào đó mà thôi. Tình thương ấy tuy dễ mặn nồng, nhưng lại thiếu tính "keo sơn". Chỉ khi nào họ kính trọng ta thật sự thì họ mới có trách nhiệm với tình cảm và cuộc đời ta. Họ sẽ biết nên làm gì và không nên làm gì để ta có hạnh phúc. Vì họ hiểu rằng hạnh phúc của ta và của họ luôn gắn liền với nhau.

 

Tuy nhiên, khi tình yêu lên cao thì ta lại ít xét đến vấn đề kính trọng. Chỉ khi nào về sống chung thì nhu cầu đó mới hiện ra một cách rõ ràng. Không phải khi yêu là ta không cần được kính trọng. Nhưng vì cảm xúc yêu đương quá mạnh mẽ, nó đã lấn át hết lý trí. Thấy bên kia yêu quý và si mê talaf ta đã thỏa mãn rồi. Đến khi trở thành người của nhau, thay vì tiếp tục phấn đấu nuôi dưỡng tình yêu cho nhau, ta lại bỏ nhiều năng lượng ra để nắm bắt những nhu cầu khác như tích góp tiền bạc hay củng cố địa vị trong xã hội. Vì vậy cảm xúc yêu đương ngyaf nào mau chóng tuột xuống và nhu cầu được kính trọng lại vọt lên.

 

Nhưng tiếc thay, niềm kính trọng thường dễ bị phập phều sau khi cơn bão tình đi qua. Bởi trong thương yêu, ta đã lỡ đánh mất chính mình và đã để lại những hình ảnh rất tầm thường trong tâm trí người kia rồi. Nói cách khác, trong một tình yyeeu mà chất liệu si mê hay hệ lụy quá nhiều thì niềm kính trọng sẽ bị phá vỡ. Một khi niềm kính trọng bị phá vỡ thì càng yêu thương ta lại càng đuối sức, càng thấy tình yêu như muốn vuột khỏi tầm tay.

 

Để cho sự kính trọng gắn liền với thương yêu, điều quan trọng nhất là ta phải biết kiềm chế cảm xúc muốn được thương yêu của mình. Ta phải biết tăng giảm một cách có ý thức, có trách nhiệm. Đừng để cho người ấy nghĩ rằng tình thương yêu của ta chỉ là sự trá hình của sự đổi chác, của sự đòi hỏi ích kỷ, vi ta không hề quan tâm đến tình trạng hay nhu cầu của họ. Nếu suốt ngày ta cứ quấn vào nhau, không chịu tách rời nửa bước, thì sớm muộn gì tình yêu ấy cũng bị lung lay và đổ vỡ. Vì càng quấn vào nhau thì càng tăng thêm cảm xúc thỏa mãn. Rồi nghiện ngập, đòi hỏi. Khi một bên không đủ đáp ứng chán chường. Hơn nữa, cứ gắn chặt với nhau như thế thì làm sao ta còn thời gian và năng lực để ít nhất giữ được sự cân bằng của mình, giữ được những cái hay cái đẹp mà mình đang có. Huống chi, trong tình yêu luôn cần tới khả năng sáng tạo và đột phá của đôi bên. Nguồn sống của bản thân còn không có thì làm sao ta có thể chia sẻ cho người khác?

 

Vì vậy, khi yêu thương ta phải luôn biết rõ sự giới hạn cần thiết của nhau. Có lúc cần đến nhau nhưng cũng có lúc ta cần phải trở về với chính mình. Trở về chính mình để sửa sang lại thân tâm, để ta luôn là nguồn năng lượng dự trữ cho người kia khi họ cần đến. Muốn làm được điều này thì ta phải có đời sống bình an và hạnh phúc khá vững vàng trước khi sáp nhập với người khác. Tron khi chung sống với nhau, ta phải luôn nhớ nuôi dưỡng phẩm chất của riêng mình. Lúc nào thấy tổn thương vì bị thất kính, ta hãy mau chóng trở về chữa lành vết thương của mình trước. Đừng vội vàng truy cứu và cố gắng trừng phạt kẻ khác. hãy tự hỏi ta đã làm gì khiến cho người kia không còn kính trọn ta như trước nữa. Coi chừng chính thái độ thương yêu bằng cảm xúc quá mạnh mẽ đã tố cáo sự yếu đuối và dựa dẫm trong ta. Điều quan trọng nhất là ta phải luôn giữ được phong độ của mình. Phải luôn giữ vũng những điểm son mà người kia đã từng yêu quý và không ngừng chuyển hóa những yếu kém đã từng gây chương ngại cho liên hệ đôi bên. Muốn có đủ khả năng và thiện chí để làm như vậy, bắt buộc ta phải có một năng lực mạnh mẽ dự trữ. Năng lực ấy chỉ đến từ đời sống có luyện tập, đời sống tỉnh thức.

 

Kính trọng là nền tảng của đạo đức, là điều kiện không thể thiếu để thiết lập nên hòa bình của nhân loại. Vì khi kính trọng nhau thì những ý niệm lấn lướt hay xâm phạm quyền lợi của nhau sẽ không có cơ hội phát triển. Ta thấy được sự tồn tại của mình có liên quan mật thiết đến sự có mặt của mọi đối tượng, nên ta sẽ dùng sự tử tế và lòng chân thành để đối xử với nhau. Cách đối xử ấy là thuận theo nguyên tắc điều hợp tự nhiên của vũ trụ, mỗi cá thể đều bình đẳng với nhau vì đều được sinh ra từ một bản thể.

 

Mỗi khi có thái độ khinh thường ai, ta hãy tự hỏi mình có đang vướng kẹt vào một nhận thức sai lầm, một thành kiến, hay một như cầu nào đó với họ mà chưa được thỏa mãn không? Nếu biết được lỗi thuộc về người kia thì ta cũng hãy tự nhắc nhở mình đó chỉ là một phần rất nhỏ trong tổng thể rất tuyệt vời của họ. Đừng bao giờ quên, chỉ có hành vi xấu xa chứ không bao giờ có con người xấu xa. Mà từ xấu xa đến đáng khinh miệt là một khoảng cách rất lớn. Nó tùy thuộc vào sự hiểu biết và dung lượng trái tim của mỗi người.

 

                                                          Không cao cũng không thấp

                                                          Không sang cũng không hèn

                                                          Tất cả đều mầu nhiệm

                                                            Bụi đời làm ta quên.