Chủ đề
CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !
Vào lúc 9h, ngày 15/11/2022 (nhằm ngày 22/10 năm Nhâm Dần), HT. Giác Thành - Viện chủ Tịnh xá Ngọc Yên (tổ 17, P. Yên Thế, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai), cùng chư Tôn đức Tăng Ni Giáo đoàn III đã trang nghiêm tưởng niệm lần thứ 30, ngày cố HT. Giác Độ viên tịch
Buổi lễ diễn ra dưới sự chứng minh của HT. Giác Thành - Chứng minh BTSGHPGVN tỉnh Gia Lai, Giáo phẩm Hệ phái Khất sĩ Việt Nam, Giáo phẩm lãnh đạo Giáo đoàn III, Tăng Trưởng Phật giáo Khất sĩ Gia Lai; TT. Giác Duyên – Phó trưởng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Gia Lai, Chánh Thư ký Giáo đoàn III, trụ trì Tịnh xá Phú Cường; TT. Giác Chơn – trụ trì Tịnh xá Ngọc Hội; TT. Giác Hiền - phó Ban Trị sự kiêm Trưởng ban Văn hóa GHPGVN tỉnh Gia Lai; TT. Giác Pháp - Trụ trì Tịnh xá Ngọc Phụng huyện Chư PRông tỉnh Gia Lai; TT. Giác Nhường – Phó thư ký kiêm Chánh văn phòng Ban trị sự GHPGVN tỉnh Đăk Nông, Trưởng Ban trị sự GHPGVN TP Gia Nghĩa, Phó thư ký Giáo đoàn III; cùng sự hiện diện của chư Tôn Đại đức Tăng Giáo đoàn III HPKS, trụ trì các Tịnh xá, Tịnh thất trong và ngoài tỉnh.
Về phía chư Ni có: Về phía Ni giới có sự hiện diện của: NT Hiệp Liên, Trưởng ban Quản sự Ni giới Giáo đoàn III; NT. Cảnh Liên - Chứng minh Phân ban Đặc trách Ni giới tỉnh Gia Lai, Phó ban Quản sự Ni chúng Giáo đoàn III, trú trì Tịnh xá Ngọc Túc (huyện Đakpơ, tỉnh Gia Lai), cùng sự hiện diện của quý Ni trưởng, Ni sư, Sư cô trong Giáo đoàn III HPKS và đông đảo bà con Phật tử về tham dự.
Tại buổi lễ, hòa thượng chứng minh đã hướng dẫn chư Tôn đức Tăng Ni và Phật tử lên chánh điện niệm Phật, dâng hương, tụng kinh cầu nguyện đến cố HT. Giác Độ.








Sau đó Chư Tôn đức Tăng Ni cùng các Phật tử đã tuần tự theo thứ lớp nhiễu tháp thờ cố HT. Giác Độ và thắp hương tại đây.









Sau khi nhiễu quanh tháp cố HT. Giác Độ, chư Tôn đức đã về lại thiền đường Minh Đăng Quang của Tịnh xá, nơi đặt di ảnh trang thờ của cố Hòa thượng. Tại đây, chư Tôn đức giáo phẩm đã đối trước bàn thờ Phật, Tổ, quý đức Thầy và bàn thờ của cố HT. Giác Độ, niệm Phật cầu sự gia hộ. ôn lại công hạnh và những hoạt động Phật sự mà cố Hòa thượng đã để lại cho tứ chúng.








Sau đó TT. Giác Nhường - Trưởng Ban trị sự GHPGVN TP Gia Nghĩa, Phó thư ký Giáo đoàn III đối trước bàn thờ giác linh cố HT. Giác Độ tuyên đọc lại cảm tượng, tiểu sử cuộc đời và đạo nghiệp của cố Hòa thượng.
Theo đó, cố HT. Giác Độ thế danh là Nguyễn Hữu Trí, sinh ngày 8/2 năm Tân Dậu (1920), tại thôn Bình Hòa, xã An Hảo, quận Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.
Thân phụ Ngài là cụ ông Nguyễn Húy Châu, thân mẫu Ngài là cụ bà Lê Thị Nghĩa. Sau khi sinh ra Ngài, cụ ông đi xuất gia theo dòng Lâm tế Chánh tông Tứ thập Nhị Thế thượng Thị hạ Thế, tự Diệu Hạnh, hiệu Minh Đức. Từ bao đời gia đình vốn có truyền thống Phật giáo nên cách ăn ở luôn luôn tuân theo nề nếp của đạo Thánh hiền, cho nên được người đương thời ngợi khen là gia đình hiền lương đạo đức.
Đến tuổi cắp sách đến trường, Ngài được cha mẹ cho vào trường học tập như bao đứa trẻ khác, nhưng ở Ngài có lẽ do ảnh hưởng được truyền thống đạo đức lâu đời của gia phong, nên thường dẫn đầu chúng bạn về tài năng cũng như về đức hạnh.
Ngoài giờ học ở trường Ngài còn được cha mẹ hướng dẫn tìm hiểu nghiên cứu học hỏi sách vở sử liệu về Thích, Đạo, Nho, cho nên kiến thức cũng dần in sâu trong tâm khảm Ngài từ thuở thiếu thời. Rời ghế nhà trường với tuổi thanh niên, Nguyễn Hữu Trí vì muốn vui lòng cha mẹ, nên đã vâng lời kết hôn cùng cô Cao Thị Nhờ, một người con gái hiền thục trong làng (sau này xuất gia theo Giáo pháp Khất sĩ, nay là Ni trưởng Đắc Liên – Giáo phẩm Ni giới Giáo đoàn III). Sau khi lập gia đình, sinh được ba người con – một trai và hai gái. Trưởng nữ tên Nguyễn Thị Chỉnh (đã xuất gia, nay là Ni trưởng Khánh Liên – Giáo phẩm Ni giới Giáo đoàn III); Trưởng nam tên Nguyễn Thiện Huấn (đã xuất gia, nay là HT. Giác Thành – Giáo phẩm Hệ phái Khất sĩ Việt Nam, Giáo phẩm lãnh đạo Giáo đoàn III, Tăng Trưởng Phật giáo Khất sĩ Gia Lai); Thứ nữ tên Nguyễn Thị Kim Định (đã xuất gia, nay là Ni sư Loan Liên).
Ngài xuất gia vào ngày 29 tháng 7 năm 1970, tại Tịnh xá Ngọc Túc (An Khê), do Trưởng lão Giác Phải - Đệ nhị Trưởng Giáo đoàn III thu nhận.
Trải qua thời gian thử thách, cũng là thúc liễm thân tâm, trau dồi hạnh đức, Ngài được Giáo hội chứng minh và Đức Trưởng lão Giác Phải - Đệ nhị Trưởng Giáo đoàn truyền thọ Sa di giới vào ngày Rằm tháng 7 năm 1973, tại Giới đàn Ngọc Trung, thị trấn An Khê, tỉnh Gia Lai, với pháp hiệu Giác Độ.
Từ ngày thọ lãnh Bát y, Ngài noi dấu người xưa, tiếp nối sự nghiệp Tổ thầy đem đạo vào đời trang nghiêm tự thân, trang nghiêm tịnh độ, Ngài thọ giới Cụ túc vào ngày Rằm tháng 7 năm 1976 tại Giới đàn tịnh xá Ngọc Tòng, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Sau khi thọ Tỳ kheo, Ngài được Giáo hội phân công trú xứ tại Tịnh xá Ngọc Sơn (Tuy Phước, Bình Định), Tịnh xá Ngọc Ninh (Sông Cầu, Phú Yên), đến năm 1982 bổ nhiệm về trụ trì Tịnh xá Ngọc Hạnh, tỉnh Kon Tum, để thực hiện công hạnh “Tác Như Lai sứ, hành như Lai sự”.
Với nhiệm vụ thiêng liêng của người Tăng sĩ tiếp nối mạng mạch Giáo pháp hoằng hóa lợi sanh, nơi đây Đức Ngài lại một lần nữa đem chánh pháp làm đẹp cuộc đời, qua hai công hạnh: Kiến lập Đạo tràng và pháp hóa môn đồ.
Song song với công tác phụng sự đạo pháp và dân tộc, Đức Ngài được Ban Trị sự lâm thời tỉnh hội Phật giáo Kon Tum thỉnh vào Ban Chứng minh (1992) để góp phần vào việc xây dựng Giáo hội, đồng thời tiếp tục sự nghiệp “Thượng cầu hạ hóa”, duy trì hạnh tự giác giác tha trong suốt cuộc đời mình.
Rồi theo quy luật tự nhiên, và sự bào mòn thời gian năm tháng, sự thay đổi của luật vô thường, nên thân tứ đại của Hòa thượng cũng phải suy mòn, sức khỏe cũng dần suy yếu, sắc thái xả bỏ thọ mạng trong những ngày sau cùng cũng đã biểu lộ.
Tuy thân thể suy yếu, đau đớn do sự xung đột của thân tứ đại trước giờ phút chia ly, nhưng Hòa thượng không vì thế mà quên chánh niệm. Với pháp môn niệm Phật Tam muội, duy trì tâm nguyện vãng sanh Tịnh độ, vì thế thân tuy đau mà lòng chẳng khổ đau.
Cho đến ngày 22 tháng 10 năm Nhâm Thân (1992) Hòa thượng dậy sớm rồi gọi môn đồ đến dạy: “Chuẩn bị hộ niệm, tôi sắp ra đi”. Thật thù thắng, đúng như lời dạy của Đức Ngài, cuối ngày trong lúc lời kinh hộ niệm còn đang vang vọng thì Hòa thượng mĩm cười rồi an nhiên viên tịch vào lúc 17h30 ngày 22 tháng 10 năm Nhâm Thân (1992) tại Tịnh xá Ngọc Hạnh, tỉnh Kon Tum.
Ngay sau phần tuyên đọc tiểu sử của TT. Giác Nhường, HT. Giác Thành - Chứng minh BTSGHPGVN tỉnh Gia Lai, Giáo phẩm Hệ phái Khất sĩ Việt Nam, Giáo phẩm lãnh đạo Giáo đoàn III, Tăng Trưởng Phật giáo Khất sĩ Gia Lai, trụ trì Tịnh xá Ngọc Phúc đã có lời đạo từ đến toàn thể đại chúng: Hòa thượng chỉ dạy, cố HT. Giác Độ sinh ra trong một gia đình có truyền thống, hạt giống chư Phật. Chính vì thế cha của ngài, rồi bản thân, và vợ con đều xuất gia tu học. Ngài ngoài việc mong muốn tu tập còn mong muốn cho các thành viên trong gia đình được tu. Đây là một phước duyên lớn của cố Hòa thượng.
Vì thế mỗi vị con Phật, các vị Phật tử cần giữ vững lòng tin vào đức Phật, vào giáo pháp, vào chư Tôn đức Tăng Ni. Mỗi vị cần phải có mục tiêu trong sự tu hành để đạt được lý tưởng hướng thiện mà đức Thế Tôn đã chỉ dạy. Ngoài ra các vị khi về đây ngoài việc ôn lại lịch sử công hạnh của cố Hòa thượng, mà cần phải nhớ ơn công đức của các bậc thầy tổ trong việc hành đạo, mở đạo trước đây.
Cố HT. Giác Độ là người có nhiều đóng góp trong việc xây dựng Tịnh xá Ngọc Hạnh (Kon Tum) và là người sáng lập Tịnh xá Ngọc Yên (Tp. Pleiku – Gia Lai). Vì thế HT. Giác Thành cũng nhắc nhở các Phật tử cần cố gắng nỗ lực trong sự tu tập, chỉ có sự tu học mới giúp mọi người có được sự an lành trong cuộc sống.
Sau phần nghi thức tưởng niệm, chư Tôn đức Tăng Ni đã được Phật tử tại địa phương cùng môn đồ pháp quyến của cố HT. Giác Độ cúng dường trai tăng đến chư Tôn đức Tăng Ni về dự lễ nhân ngày tưởng niệm lần thứ 30, ngày cố Hòa thượng viên tịch.

Được biết, cố HT Giác Độ trong thời gian hành đạo đã ở tại Tịnh xá Ngọc Yên (Gia Lai), Đến năm 1982, chư Tôn đức trong Giáo hội mới cử Hòa thượng về trụ trì hoằng dương Phật pháp tại Tịnh xá Ngọc Hạnh (Kom Tum).Tại đây Ngài đã trùng tu lại ngôi tịnh xá, hướng dẫn Phật tử về nghe pháp, công quả, không khí tu học khởi sắc.

Hòa thượng phát triển tịnh xá ngày một hưng thịnh, mang ánh sáng Phật pháp đến với bà con vùng này cho đến khi Ngài viên tịch vào năm 1992. Sau khi cố Hòa thượng viên tịch, kim thân của Ngài được đưa về an tang tại bảo tháp đặt ở Tịnh xá Ngọc Yên (Tp. Pleiku – Gia Lai)

TT. Vườn Tâm