Chủ đề
CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

Ý NGHĨA SỐNG CHUNG TU HỌC QUA “TIỂU KINH RỪNG SỪNG BÒ”

(Pháp thoại của HT. Giác Giới - Phó Thư ký HĐCM TWGHPGVNGiáo phẩm chứng minh Hệ phái)

Sáng ngày 09/10/2021 (nhằm ngày mùng 04/9/Tân Sửu), hội đủ nhân duyên lành, Ban Tổ chức Khoá tu đã cung thỉnh HT. Giác Giới - Phó Thư ký HĐCM TWGHPGVNGiáo phẩm chứng minh Hệ pháiTrụ trì Tổ đình Minh Đăng Quang (Vĩnh Long), quang lâm thuyết giảng cho hơn 150 hành giả tham dự khoá tu “Sống chung tu học” của Ni giới Giáo đoàn III, Hệ phái Khất sĩ, trên diễn đàn online qua phần mềm Google Meet. Thời pháp thoại còn có sự chứng minh của chư Tôn đức Tăng và được livestream trên Facebook Pháp âm Khất sĩ.

Hòa thượng Giảng sư đã trùng tuyên nội dung Tiểu kinh Rừng Sừng Bò (Cūlagosingasutta), số 31, thuộc Trung bộ để nói lên ý nghĩa sống chung tu học, đồng thời cũng giúp hành giả hiểu rõ về lời dạy của  Tổ sư Minh Đăng Quang tương hợp với lời kinh Phật:

“Cái sống là phải sống chung,

Cái biết là phải học chung,

Cái linh là phải tu chung.”

(Chơn lý 56: Hòa Bình)

Trước khi giảng bài kinh, Trưởng lão HT. Giác Giới đã tán dương và khích lệ chư Ni đã thực hiện tốt tinh thần “nên tập sống chung tu học” này. Mặc dù đất nước ta đang trong giai đoạn khó khăn của đại dịch Covid-19, nhưng Ban Tổ chức lại biết tận dụng thời đại công nghệ 4.0 để cùng tu học trong sự hiệp hoà. Đây cũng chính là ý nghĩa sống chung tu học qua bài giảng của Ngài hôm nay. Bài pháp thoại của Hoà thượng được tóm tắt như sau:

Đức Phật thương tưởng, quan tâm đến đời sống của ba vị Tỳ-khưu: Anurudha, Nandiya và Kimbila đang trú ngụ tại khu rừng Sừng Bò (Gosinga), nơi có nhiều cây sa-la. Bậc Đạo sư đã thân lâm đến nơi chư Tỳ-khưu đang tu tập để thăm hỏi và muốn hiểu rõ về đời sống vật chất, thể chất, tâm lý, tâm linh, sự thực hành chánh pháp, chứng đắc quả vị của chư đệ tử. Những điều này được nêu rõ qua sự hỏi và đáp giữa đức Phật và ba vị Tỳ-khưu có thể tóm lại trong các nội dung:

1. Thân khẩu ý của các Tỳ-khưu như thế nào? Thưa vâng, Thế Tôn,  chúng con thân tuy khác nhưng đồng một tâm, hoà như nước với sữa; khẩu hành từ ái, luôn bàn luận đạo pháp; Ý hoà cả trước mặt lẫn sau lưng.

2. Đời sống tu hành của các Tỳ-khưu như thế nào? Thưa vâng, Thế Tôn,  chúng con sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần,  có sự an trú, khinh an.

3. Quả vị chứng đắc của các Tỳ-khưu như thế nào? Thưa vâng, Thế Tôn,  chúng con chứng được pháp thượng nhân, tri kiến thù thắng, xứng đáng bậc Thánh, sống thoải mái, an lạc.  

Đức Phật khen ngợi đây là đời sống thanh cao, tối thượng cần thực hành và duy trì. Ngài dạy không có nơi nào lạc trú, tối thắng hơn nơi này. Sự có mặt của đức Phật và của ba vị Tỳ-khưu đã được đem lại sự lợi ích an lành cho dân chúng Bạt-kỳ (Vajjī), đem lại hạnh phúc cho chư thiên và loài người qua lời thưa bạch của Dạ-xoa (Yakkha) Dīgha Parajana.

Qua đoạn tóm tắt này, Hoà thượng muốn nhấn mạnh ý nghĩa của sự sống chung tu học là phải đem lại hạnh phúc cho mình và cho tha nhân, cho số đông quần chúng trên tinh thần “thượng cầu Phật đạo, hạ hoá chúng sinh”. Mỗi người phải tự nỗ lực, tinh tấn, chuyên cần, hoà hợp, khi đang sống trong hội chúng Thanh văn và cần hiểu rõ ý nghĩa của sự giác ngộ. Sự giác ngộ có thể chia thành 3 hạng: Bậc giác ngộ thứ nhất  là đức Phật, bậc giác ngộ thứ nhì là của chư Phật độc giác (Duyên giác) và chúng ta được xem là hội chúng Thanh văn - bậc giác ngộ thứ ba, là những ai biết sống nương nhờ vào người thầy chỉ đường, cần có chân sư soi sáng và bạn đồng tu. Hội chúng này sống nương tựa lẫn nhau, cùng học tập chánh pháp, sống không phóng dật, chuyên cần, tinh tấn. Thuở Phật còn tại thế, chư Thánh đệ tử như Ngài Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên, A-nan,… cũng thuộc bậc giác ngộ thứ ba này, các vị cũng đều nương bậc chân sư mà giác ngộ.

Để làm sáng tỏ ý pháp, Hòa thượng trích giảng bài kinh Người Bệnh (Gilānasutta) trong Tăng chi bộ (A. I. 120) nói về ba hạng người bệnh: Hạng thứ nhất có thuốc hay không thuốc, có thực phẩm phù hợp hay không có thực phẩm phù hớp, có người chăm sóc hay không có người chăm sóc thì người ấy cũng phải chết; Hạng thứ nhì là người không cần thuốc, không người chăm sóc, không thầy thuốc, vị ấy có sức đề kháng và tự chữa lành căn bệnh của mình; Hạng thứ ba là người bệnh cần phải có thuốc trị bệnh, có thực phẩm phù hợp và phải có người chăm sóc thì mới khỏi bệnh. Ba hạng người bệnh này thí dụ cho ba hạng người hiểu về chánh pháp, sống trong chánh pháp: Hạng thứ nhất dụ cho người đã chết trong chánh pháp; hạng thứ nhì chỉ cho chư Phật độc giác; hạng thứ ba chỉ cho những ai tìm cầu chánh pháp, yết kiến bậc chân nhân, học pháp, nghe pháp, hành pháp, sống trong pháp, khéo tư duy và chứng ngộ được giáo pháp, tức là hạng Thanh văn.

Trong phần kết thúc buổi pháp thoại, Hòa thượng nhấn mạnh vai trò và sự quan tâm cho sự tu học của người thầy đến với đệ tử từ vật chất đến tinh thần, tâm lý, tâm linh và sự nỗ lực tu tập của đệ tử. Người đệ tử cần phải biết vâng giữ oai nghi, cung kính học pháp, hành pháp theo sự hướng dẫn của vị thầy. Đặc biệt, hành giả với số lượng đông dù thân tuy có khác nhưng tâm là đồng nhất, phải thể hiện tinh thần hòa hợp như nước hoà với sữa, luôn có thiện cảm, đồng thuận cả khi có mặt và vắng mặt, luôn bàn luận Phật pháp, không tranh luận cãi lẫy, sống đồng Phạm hạnh để cùng tu tập tiến hoá trên lộ trình giải thoát.

Hội chúng tu học trong khoá tu “Sống chung tu học” đồng ý giáo phụng hành, tri ân lời giảng ý nghĩa sâu sắc của Hoà thượng Giác Giới. Đại diện cho Ban Tổ chức, Ni Trưởng Hiệp Liên - Trưởng ban Quản sự Ni giới Giáo đoàn III đã thành tâm đảnh lễ tri ân và dâng lên lời cảm tạ ân đức đến với bài pháp thoại đầy nghĩa lý thâm sâu của Hòa thượng Giáo phẩm Chứng minh Hệ phái.

Thành tâm đảnh lễ ơn người

Dạy lời pháp bảo để đời gắng tu

Ni chúng lãnh thọ công phu

Sống chung an lạc thiên thu hiệp hòa.

Nguồn: Đạo Phật Khất Sĩ