Chủ đề
CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !
VTO - Ngày 3/12/2019 (nhằm ngày 8/11 năm Kỷ Hợi), TT. Minh Thành - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, Giáo phẩm thường trực Hệ phái đã có bài pháp về chủ đề “Chơn lý với chữ Hòa và chữ Tâm trong Tam giáo” đến các hành giả của Khóa tu.
Mở đầu bài giảng, Thượng tọa cho biết sáng hôm nay hữu duyên đọc được một bài thơ của HT. Giác Huệ do HT. Minh Hóa chia sẻ:
“Ai nở phân chia Tôn giáo bạn
Ai đành kỳ thị những màu da
Ai còn giai cấp khinh giai cấp
Tu sĩ ta liền thắt chặt nhau”
Qua bài thơ, Thượng tọa cho biết đã có một cảm thức kỳ diệu và một phần nào đó mầu nhiệm. Thượng tọa cho rằng đây là một sự trùng hợp không ngờ, vì bài thơ nói lên một cái tình cảm đại đồng, không có phân chia. Dù là phân chia màu da, dù là phân chia tôn giáo… trong khi bài nói chuyện của bản thân chuẩn bị để chia sẻ với đại chúng lại là chữ hòa. Theo Thượng tọa, chữ Hòa là không phân chia, có nghĩa là sống một cách tương thân, tương ái với nhau.
Trước khi TT. Minh Thành giảng, Ngài đã chia sẻ với đại chúng hành giả một vài cách thở mà Thượng tọa vừa tiếp cận được trong việc hành trì qua đó giúp cho những hành giả cảm thấy khó khăn trong việc định tâm có thể an tịnh thân tâm trong thực hành tu tập.
Đến với các hành giả của Khóa tu, bài chia sẻ được Thượng tọa chia làm 3 phần. Phần thứ nhất là chữ hòa chưa trọn vẹn, phần thứ hai là chữ tâm, phần thứ ba là chữ hòa trọn vẹn được tiếp cận thông qua 3 bộ Chơn lý của Tổ sư Minh Đăng Quang: chơn lý Tam giáo (số 27), chơn lý Tâm (số 21) và chơn lý Chánh Đẳng Chánh Giác (số 9)
Ở phần đầu, Thượng tọa đặt vấn đề chữ hòa chưa trọn vẹn: Thượng tọa cho biết trong quyển chơn lý Tam giáo (số 27), có ghi một câu chuyện đó là Lão tử nhìn Khổng tử, Khổng tử nhìn Lão tử, Chơn lý nhìn cả hai. Tức là trong quyển chơn lý Tam Giáo đã đưa ra nội dung về một cuộc hội kiến giữa Khổng tử với Lão tử. Các vị này sống cùng thời với nhau, nên đã gặp nhau.
Trong cuộc gặp của Khổng tử và Lão tử, Chơn lý Tam Giáo được đức Tổ sư Minh Đăng Quang viết kết luận: “Vì thế nên đức Khổng Tử, Ngài mới thất bại nơi nước Lỗ, cùng 72 xứ chư hầu xưa không trọng dụng, và cũng như khi hầu chuyện với Lão Tử, Ngài thấy Ngài nghẹt lối, nói không thành lời.”. Tức là 2 ngài gặp nhau, Khổng tử tham kiến Lão tử, Lão tử nhìn Khổng tử, Chơn lý nhìn cả hai. Quan trọng ở đây là chơn lý nhìn cả hai rồi đưa ra kết luận. Theo Thượng tọa ý của nội dung kết luận là Khổng tử thất bại, không có đất để mà dụng võ, đến thăm Lão tử thất bại luôn.
Thượng tọa cho biết, khi tìm hiểu về câu chuyện Lão tử thì có tới 3 phiên bản: Phiên bản 1 từ câu chuyện dân gian về Lão tử, một người sống tới 200 tuổi, một người thành đấng chân nhân, trường sinh bất lão, một người trở thành Thái Thượng Lão quân chuyên môn chế thuốc trên Ngọc Hoàng thượng đế. Phiên bản thứ 2, nhắc lại trong 1 tác phẩm Sử ký Tư Mã Thiên. Phiên bản thứ 3: là phiên bản của các nhà học giả sau này, họ xây dựng phiên bản thứ ba   
Khi đọc Chơn lý Tổ sư Minh Đăng Quang Thượng tọa thấy Tổ sư đã vận dụng 2 phiên bản đầu để hình thành cái nhìn về Khổng tử và Lão tử. Sau đó Thượng tọa đọc về phiên bản Sử ký Tư Mã Thiên: Đối với Lão tử, Khổng tử chỉ là kẻ thất bại, không làm được gì hết, hại thân mà thôi “xương tàn cột rụi” mà thôi. Theo Thượng tọa nội dung đó chỉ ra cách nhìn của Lão tử đối với Khổng tử
Còn Khổng tử nhìn Lão tử: “Đức Khổng Tử ra về, nói với các học trò: Con chim, ta biết nó bay; con cá ta biết nó lội, con thú ta biết nó chạy. Đối với loài chạy thì ta có thể dùng lưới để săn, đối với loài lội thì ta có thể dùng câu để bắt, đối với loài bay thì ta có thể dùng cung tên mà bắn, đến như con rồng cỡi mây cỡi gió lên Trời, ta không sao biết được. Hôm nay, gặp được Lão Tử, Ông ta có lẽ là con rồng chăng?”.
Ở đây Thượng tọa cho rằng đặt cái hòa chưa trọn vẹn ở phần đầu là vì hòa là còn nói chuyện được với nhau, hòa là còn ngồi lại được với nhau. Nhưng mà nói chuyện người này không hiểu người kia, người kia không hiểu người này. Ý kiến của người này trái chiều với ý kiến người kia. Khổng tử thì chuyên về lễ. Hỏi lễ Lão tử nói cái đó là ông tham dục vọng, cái đó là ông kiêu ngạo, dẹp đi. Lão tử mới dẫn dắt Khổng tử về cái chuyện sống thuận theo tự nhiên, Khổng tử dẫn dắt Lão tử là sống theo đạo đức… Hai bên không có chỗ gặp nhau. Do đó hòa mà chưa trọn vẹn.
Bước qua phần thứ 2 của bài giảng, Thượng tọa hướng đại chúng về chữ Tâm: Thượng tọa cho biết điều này có thể thấy trong nội dung quyển Chơn lý Tâm (số 21) của Tổ sư Minh Đăng Quang. Trong quyển Chơn lý này có 1 danh sách dài bao gồm cả Tam giáo: Nho, lão, Phật. “Kìa như khi xưa, đức Khổng Tử dạy nhơn đạo, lấy chữ nhơn làm tâm. Đức Lão Tử lấy cái không làm tâm, người tu kẻ thì lấy giới làm tâm, kẻ thì lấy định làm tâm, kẻ thì lấy huệ làm tâm. Phật thì lấy chơn làm tâm, Trời thì lấy thiện làm tâm…. Có kẻ lấy nghĩa làm tâm, người lại lấy lễ làm tâm, kẻ lấy trí, sự học cái biết làm tâm, người lấy chữ tín làm tâm…”  
Qua đó, thông qua chơn lý Tâm, Tổ sư đã liệt kê hàng chục cái tâm khác nhau, từ nhơn làm tâm, không làm tâm, giới làm tâm, định làm tâm, huệ làm tâm, chơn làm tâm, thiện làm tâm, nghĩa làm tâm, lễ làm tâm, trí làm tâm, cái biết làm tâm, tín làm tâm… Tức là hơn 10 cái (Thượng tọa nhìn nhận: nói như vậy chúng ta có thể dùng cái gì làm tâm là quyền của chúng ta. Chớ không phải là 1 cái gì định trước, 1 cái gì có sẳn, 1 cái gì mà ơn trên ban xuống cho mình. Đó chính là tinh thần của đạo Phật).
Tinh thần tự mình xây dựng cái nội dung tâm thức cho mình. Dĩ nhiên có chư Phật, chư Bồ tát, có Thầy, có Tổ, có huynh, có đệ… nhưng mà ai biết được mình mới là người quyết. Theo Thượng tọa chúng ta nương lời dạy của chư Tôn đức để làm cho quyết định của mình trở thành 1 hiện thực. Đó là cái mà chúng ta có thể nhận ra liền. Khi đọc về cái nhìn như vậy, chúng ta thấy có 10 cái mà Tổ sư đặt ra có thể dùng làm tâm
Qua đó có thể thấy, Chơn lý đưa ra, thực sự có thể lấy 3 cái tâm là chính, đó là: Thứ nhất: Khổng tử lấy chữ nhơn làm tâm. Thứ hai: Lão tử lấy cái không làm tâm. Thứ ba: Phật lấy cái chơn làm tâm. Thượng tọa cho rằng đây là 3 tâm quan trọng nhất, còn những cái khác chỉ là nền. Giống như tấm vải nhung để đặt lên 3 viên ngọc quý.
Với các yếu tố trên, Thượng tọa đưa ra câu hỏi với hội chúng. Chúng ta có thể xem cách nói của Chơn lý có phù hợp hay không? Tại vì thế giới của Lão giáo là thế giới khác, thế giới của Chơn lý là một thế giới khác. Bây giờ Chơn lý nói chuyện của Lão giáo, thì chúng ta phải đi vào thế giới của Lão giáo để xem cái nhận thức, cái nhận xét của Chơn lý nó có khớp với nhận thức của Lão giáo hay không?
Để làm rõ, Thượng tọa đã đưa ra một câu trong Đạo Đức kinh của Lão giáo: “Thị dĩ thánh nhân xử vô vi chi sự, hành bất ngôn chi giáo. Vạn vật tác yên nhi bất từ, sinh nhi bất hữu, vi nhi bất thị”. Dịch nghĩa: “Vì vậy thánh nhân ở chổ vô vi mà hành xử, dạy dỗ mà không dùng lời. Để vạn vật sinh hóa mà không can thiệp, làm mà không cậy khéo (có nơi dịch: làm mà không kể công)
Vậy ở trong chơn lý Tâm, chỉ ra Lão tử lấy cái không làm tâm. Vậy ở câu trên trong Đạo đức kinh, chúng ta có thể thấy chữ không hiện ra (xử vô vi chi sự: vô là không) (hay Hành bất ngôn chi giáo: bất đây là không) (Vạn vật tác yên nhi bất từ: từ ở đây nghĩa là ra lệnh, dẫn dắt, điều hành…. Vì vậy với các chữ bất từ, bất ở đây là không), (vi nhi bất thị: bất ở đây cũng có nghĩa là không). Qua đó thấy chữ không của Lão tử nó hiện ra, chỉ 1 câu ngắn như vậy mà có 1 chữ vô, 4 chữ bất. Mà 2 chữ vô và bất đều có nghĩa là không. Nên chúng ta thấy Chơn lý nói về Lão tử như trong nội dung là chính xác.
Theo Thượng tọa, lâu nay chúng ta cứ nghĩ Lão tử là vô vi, là thuận theo tự nhiên thôi, chứ đâu có ngờ tinh yếu của Lão tử vẫn là không. Vậy mà Chơn lý phát hiện ra tinh túy của Lão tử, để nói rằng Lão tử lấy cái không làm tâm.
Từ phần thứ 2, Thượng tọa đi sâu vào trong phần thứ ba với chữ Hòa trọn vẹn: ở đây Thượng tọa đã lấy một đoạn trong chơn lý Chánh Đẳng Chánh Giác (số 9). “Giáo lý Phật dạy cả chúng sanh hay hơn hết, Lão tử dạy xã hội hay hơn hết, Khổng tử dạy gia đình hay hơn hết; nhưng mỗi ông cũng có dạy cả ba pháp, mà chỉ giữ riêng một lớp sở trường, đều để dắt lần chúng sanh đến đạo như nhau, nên gọi là tam qui hiệp nhứt, ba giáo một nhà. Cùng nhau chú trọng có một chữ hòa. Hòa là đạo, đạo là trung, trung là kết quả.”. Qua đó thấy chữ Hòa trong Chơn lý là chữ Hòa trọn vẹn.
Điều này Thượng tọa cho rằng xuất phát từ chữ Hòa chưa trọn vẹn, đến chữ Tâm. Đến chữ Tâm thì Tổ sư Minh Đăng Quang qua chơn lý Tâm đã đưa ra 3 chữ vô cùng quan trọng, đó là: Khổng tử lấy chữ nhơn làm tâm. Lão tử lấy cái không làm tâm. Phật lấy chữ chơn làm tâm. Ở đây nếu lấy chữ nhơn làm tâm chắc chắn đưa tới cảnh giới hòa trọn vẹn. Nếu lấy cái không làm tâm, tức không vướng mắc, không cố chấp, chỉ làm mà không cần nói nhiều chắc chắn sẽ đưa được 1 chữ hòa trọn vẹn. Nếu lấy chữ chơn làm tâm theo cái nhìn của đức Phật chắc chắn sẽ đưa đến cái chữ hòa trọn vẹn. Vì vậy lấy cái tâm đặt vô chính giữa, biết đặt cái tâm mình chổ nào mà kết quà là hòa trọn vẹn.
Ở đây không còn bị xung đột với cái gì hết, mọi chuyện đưa đến trạng thái như Khổng tử nói bình thiên hạ. Muốn bình thiên hạ thì phải biết đặt cái tâm mình chổ nào thì mới bình được thiên hạ. Đặt ở chổ nhơn cũng được bình thiên hạ, đặt ở chổ không cũng bình được thiên hạ, đặt ở chổ chơn cũng bình được thiên hạ. Vì thực sự mà nói Tổ sư Minh Đăng Quang nói rất uyên thâm: “khi dạy ba pháp, vị nào cũng dạy chung 3 pháp, chẳng qua gọi là thuận duyên hoặc là chuyên môn về một phương diện nào đó cho nên dạy nhiều về phương diện đó chứ không phải là Lão tử không biết được cái Chơn lý tối thượng. Nếu không biết sao Lão Tử nói Đạo của mình là "Đạo khả Đạo phi thường Đạo. Danh khả danh phi thường danh".
Để hiểu rõ hơn về chữ Hòa, Thượng tọa muốn minh họa bằng câu chuyện Đào Mồ ở Trung Quốc năm 1973 và 1993. Vào thời điểm năm 1973, Viện Khảo cổ của Trung Quốc đã đến khu vực tại tỉnh Hà Nam đàm mồ. Khi đào lên, người ta mới xửng sờ, quá nhiều đồ. Có những món đồ gây sự chú ý đó là sự cổ kính của nó. Có nghĩa món đồ đó có niên đại cách nay mấy ngàn năm, tức là thời Xuân Thu – Chiến Quốc. Đồ này có từ thời Khổng tử, Lão tử.
Ở đây, Thượng tọa muốn chia sẻ với hành giả thông qua câu chuyện đào mồ để hiểu về chữ Hòa. Thượng tọa cho rằng ngay chữ đào mồ cũng đã nói lên được hòa trọn vẹn rồi. Hòa là sao? Ai cũng như thế, ai cũng là một nắm xương tàn, có chuyện gì đâu mà không hòa. Còn sống thì đủ thứ nào là quyền lực, danh vị, trí ngu… Chết rồi thì hòa trọn vẹn là đương nhiên. Vì vậy Khổng Tử có câu khá lý thú. Khi nói chuyện với Khổng tử, Lão tử nói rằng: “Những lời ông nói đều xương tàn, cốt rụi cả rồi” Ai cũng tới cảnh xương tàn, cốt rụi. Tới chổ đó là cảnh giới hòa trọn vẹn
Việc đào mồ, khi đào lên có quá nhiều đồ người ta chôn theo, gặp nhiều đồ người ta thắc mắc: “Tại sao người ta chọn món đó mà không chọn món khác?” Đây là sự kiện bất ngờ, vì khi đào lên thì đồ đó có từ thời Xuân Thu – Chiến Quốc, với trên 3000 hiện vật, trong đó có 3 quyển kinh là: Kinh thư của Nho giáo, Kinh lễ của Nho giáo, Đạo đức kinh của Đạo giáo. Đây là những quyển có từ thời Xuân Thu – Chiến Quốc. Theo lý giải dân gian, người ta tin khi chôn theo người chết những bản kinh đó, thì phẩn hồn của người chết được lợi lạc. Từ đó cho thấy, qua việc đào mồ chúng ta nhận ra rằng cuối cùng con người ta cũng có 1 điểm chung là muốn linh hồn của mình được siêu thoát. Đạo Khổng cũng vậy, Đạo Lão cũng vậy, Đạo Phật cũng vậy. Đó là mẫu số chung. Hòa một cách trọn vẹn

 
Cuối cùng Thượng tọa cho rằng: Mình phải có thái độ chan hòa với mọi người, thái độ bao hết suy nghĩ của mọi người. Từ đó sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn. Sau khi giảng về chủ đề này xong, Thượng tọa đã cùng với các hành giả chia sẻ những lý giải, những vấn đề khúc mắc trong nội dung vừa được chia sẻ.

Kết thúc một ngày giảng tại Khóa tu Truyền thống Khất sĩ lần thứ 30 tại Tịnh xá Trúc Lâm, TT. Minh Thành đã cùng chụp hình lưu niệm với chư Tôn đức Hòa thượng chứng minh Hệ phái và các hành giả của Khóa tu.

Minh Thiện