Nhân duyên tương hội, vào sáng ngày 14.08.2021 (nhằm ngày mùng 7 tháng Bảy năm Tân Sửu), HT. Giác Toàn đã có thời pháp thoại trên ứng dụng Google Meet đến với chư Tôn đức Tăng Ni thuộc Hệ phái Phật giáo Khất sĩ đang an cư trong cả nước. Tham dự buổi pháp thoại còn có sự chứng minh của HT. Giác Hà - Phó ban Thường trực Giáo phẩm Hệ phái, HT. Giác Pháp - Phó ban kiêm Chánh Thư ký Hệ phái, HT. Minh Hoá - Giáo phẩm Hệ phái, TT. Giác Hoàng - Phó Thư ký Hệ phái, cùng chư Tôn đức Tăng an cư tại Pháp viện Minh Đăng Quang, Tịnh xá Trung Tâm (TP. HCM), Tịnh xá Ngọc Đạt (Đăk Nông). Tham dự pháp hội còn có chư Tôn đức Ni đang an cư tại Tổ đình Tịnh xá Ngọc Phương (TP. HCM), Tịnh xá Ngọc Trung, Tịnh xá Ngọc Túc (Gia Lai), Tịnh xá Ngọc Uyển (Đồng Nai)… cùng nhiều chư Tôn đức Tăng Ni và Phật tử có mặt trong Room và trên sóng livestream từ Facebook Đạo Phật Khất Sĩ, Tịnh Xá Linh Sơn và Tịnh Xá Ngọc Đạt.
Mở đầu buổi thuyết giảng, Hòa thượng nói lên tinh thần kham nhẫn yên tu trong chốn thiền môn của Tăng Ni giữa mùa dịch bệnh. Các đạo tràng cần tuân thủ theo lệnh cách ly của Nhà nước và cũng đồng hành chia sẻ mọi khó khăn trong cuộc sống với người dân trong thời điểm này. Đối với người tu hành, khi thân tâm đã kiền thiền trong chánh pháp thì dù đối diện với bất kỳ hoàn cảnh nguy nan nào cũng không cảm thấy có gì khốn khó.
Để thắp sáng tâm hồn cho đạo tràng đang lắng lòng nghe pháp dẫu chỉ qua màn hình máy tính hay chiếc điện thoại, HT. Giảng sư đã trùng tụng lại hai bài kinh quý báu từ bộ Trung A-hàm. Bằng chất giọng nhẹ nhàng với âm điệu thơ ca đượm chất thi sĩ, mỗi lời kinh như thấm dần vào tâm thức của thính chúng. Ở mỗi đoạn kinh, Hoà thượng tạm dừng và giảng giải tường tận nghĩa lý dựa trên kinh nghiệp tu tập của tự thân với 60 năm sống trong Phật pháp.
Bài kinh thứ nhất được trùng tụng mang tên Kinh Trú Độ thọ trích từ Kinh Trung A-hàm. Kinh này được đức Phật giảng tại Thắng Lâm, nước Xá-vệ cho chư Tỳ-kheo. Đức Phật lấy hình ảnh niềm vui mừng hỷ lạc của chư thiên ở cõi Tam Thập Tam thiên khi nhìn 7 hiện tướng của cây Trú Độ như sau:
1. Khi lá cây Trú Độ úa vàng.
2. Khi lá cây rụng xuống.
3. Khi lá cây mọc lại.
4. Khi cây kết mạng lưới.
5. Khi nở nụ búp như mỏ chim.
6. Khi hoa nở bằng cái bát
7. Khi hoa nở tròn viên mãn, cánh hoa tỏa ánh sáng và hương thơm sực nức, chư thiên câu hội hưởng lạc dưới bóng cây.
Một vị Thánh đệ tử cũng phải có 7 pháp lạc trú.
1. Nghĩ tưởng đến việc xuất gia như chiếc lá úa vàng.
2. Cạo bỏ râu tóc, mặc áo cà sa xuất gia học đạo như lá rụng cành.
3. Vị Thánh đệ tử ly dục, ly ác bất thiện pháp, có tầm có tứ, hỷ lạc phát sinh do viễn ly, chứng và trú Sơ thiền, như mùa trổ lá mới.
4. Vị Thánh đệ tử dứt tầm tứ, định sanh hỷ lạc, nhập Nhị thiền, như cây kết mạng lưới.
5. Vị Thánh đệ tử lìa hỷ dục, an trụ xả vô cầu với chánh niệm chánh trí, an trú lạc có xả có niệm, nhập Tam thiền, như hoa nở nụ mỏ chim.
6. Vị Thánh đệ tử diệt lạc diệt khổ, ưu và hỷ từ trước cũng diệt, không khổ không lạc, xả và niệm thanh tịnh, chứng và trú Tứ thiền, như hoa nở như cái bát.
7. Vị Thánh đệ tử các lậu đã được diệt tận, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, ngay trong đời hiện tại này tự tri, tự giác, tự tác chứng, thành tựu an trụ; vị ấy biết như thật rằng “Sanh đã hết, Phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa.” Lúc đó, vị Thánh đệ tử được gọi là hoa nở tròn trịa, cũng giống như cây Trú Độ ở Tam Thập Tam thiên nở hoa tròn trịa.
Ngang qua lời kinh Phật, Hòa thượng dùng những phương tiện quyền xảo bằng những hình ảnh tội lỗi khi chúng ta chưa biết tu hành cho đến khi bén duyên vào Phật pháp. Hình dung về thuở xa xưa đó, vì cuộc sống mưu sinh con người có thể tạo bao ác nghiệp như sát sanh hại vật, trộm cắp tài sản từ người khác... Và trong suốt quá trình ấy, hầu như ai ai cũng thoả mãn và vui thích trong việc ác của mình. Còn về khẩu nghiệp thì con người cũng thường tranh đấu hơn thua, phải quấy, không bao giờ chịu thua ai trong cuộc sinh tồn. Ý nghĩ thì luôn sống trong niệm tham sân si, mưu toan bao việc để mong mỏi lợi ích cho bản thân mình.
Khi học bài Kinh Trú Độ thọ, hành giả cần phải tự soi xét lại thân, khẩu, ý từ quá khứ đến hiện tại. Phải xét soi nghiệp thiện ác của đời mình như một người ngắm khuôn mặt trong gương, rằng nếu khuôn mặt ta dơ bẩn hãy đi tẩy rửa, còn khuôn mặt sạch đẹp thì nên tự vui mừng. Việc tu hành này như một người nghĩ tưởng đến việc xuất gia sẽ trở thành chiếc lá úa vàng xa lìa thế tục và khi thực hiện đại sự xuất gia tu hành như chiếc lá lìa khỏi cành đời thế tục nhiễm ô. Khi trở thành một vị Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo-ni như pháp có đầy đủ giới tánh và giới tướng, chúng ta phải nỗ lực kiền thiền, giác quán trong mọi thời khắc. Lần lượt tu hành theo các thiền chứng từ Sơ thiền đến Tứ thiền và cuối cùng là đạt Thánh quả. Đó là mục tiêu tối hậu của người xuất gia, theo bước đường của vị Thánh đệ tử Phật. Nếu đã phát tâm xuất gia mà không khéo thúc liễm thân tâm, để có cái xấu, cái quấy ác sanh khởi hàng ngày qua thân qua khẩu thì chẳng khác nào rơi ngược trở lại thế tục, dẫu mang hình thức y bát Tăng đồ. Cả đời tu tập như vậy luống công vô ích, không đắc một thiền chứng nào thật là đáng tội nghiệp cho mình.
Bài kinh thứ hai được Hòa thượng Trưởng ban Thường trực Hệ phái trích giảng là Kinh Đại Câu-hy-la, trích từ phẩm thứ 3: Xá-lê-tử tương ưng, Trung A-hàm, tập 1. Đây là một bài kinh tương đối dài, được Tôn giả A-nan trùng tụng lại cuộc đàm đạo giữa Tôn giả Xá-lê-tử (Xá-lợi-phất) và Tôn giả Đại Câu-hy-la. Với phương tiện khéo léo trong việc truyền bá Kinh tạng, Hoà thượng đã tuyên đọc phần đầu và phần cuối của bài kinh để đại chúng am tường. Phần đầu bài kinh, phiên tả sự kiện khi đức Phật trú tại thành Vương Xá, vườn Ca-lan-đa. Bấy giờ, Ngài Xá-lê-tử tìm đến đàm luận đạo với Ngài Đại Câu-hy-la bằng những câu hỏi đưa đến thành tựu chánh kiến, có niềm tin bất động và thể nhập chánh pháp. Khi nghe như vậy, Tôn giả Đại Câu-hy-la đáp rằng muốn thành tựu chánh kiến, có niềm tin bất động và thể nhập chánh pháp thì phải biết về bất thiện và căn của bất thiện.
⁃ Bất thiện là ác hành của thân, ác hành của khẩu, ác hành của ý.
⁃ Căn của bất thiện là tham lam, sân nhuế và si mê. Lại nữa, muốn thành tựu chánh kiến, có niềm tin bất động và thể nhập chánh pháp thì phải biết về thiện và căn của thiện.
⁃ Thiện là diệu hành của thân, diệu hành của khẩu, diệu hành của ý.
⁃ Căn của thiện là vô tham, vô nhuế, vô si.
Như vậy, phần đầu bài kinh khi một người tu muốn thành tựu chánh kiến, có niềm tin bất động và thể nhập chánh pháp phải lấy thân khẩu ý nơi tự thân để đối chiếu với tam độc tham sân si. Trên nền tảng của việc ác hay thiện mà một người tu có thể chứng pháp hay không chứng pháp, rằng nếu chúng ta tạo nghiệp bất thiện thì tam nghiệp sẽ bị cấu bẩn không bao giờ thành tựu chánh kiến, không bao giờ chứng đắc giải thoát. Còn ngược lại, nếu tự thân tu tập tắm mình trong thiện thiệp nghiệp thì hành giả mới có thể đắc pháp.
Phần cuối bài kinh là đoạn vấn đáp sâu sắc về các pháp của bậc Thánh nhơn. Tôn giả Xá-lê-tử lại hỏi rằng:
“Hiền giả Đại Câu-hy-la, lại còn có điều nào mà nhân điều đó Tỳ-kheo thành tựu kiến, được chánh kiến, đối với pháp được bất hoại tịnh, và thể nhập chánh pháp chăng?”
“Có, thưa Tôn giả Xá-lê-tử. Đó là có Tỳ-kheo biết như thật về hành, biết như thật về tập của hành, diệt của hành và diệt đạo của hành.
“Thế nào là biết như thật về hành? Có ba hành: Thân hành, khẩu hành và ý hành. Đó là biết như thật về hành.
“Thế nào là biết như thật về tập của hành? Do vô minh mà có hành. Đó là biết như thật về tập của hành.
“Thế nào là biết như thật về diệt của hành? Vô minh diệt tức hành diệt. Đó là biết như thật về diệt của hành.
“Thế nào là biết như thật về diệt đạo của hành? Tám chi Thánh đạo từ chánh kiến cho đến chánh định là tám. Đó là biết như thật về diệt đạo của hành.
“Này Tôn giả Xá-lê-tử, nếu có Tỳ-kheo biết như thật về hành, biết như thật về tập của hành, diệt của hành và diệt đạo của hành như vậy, đó là Tỳ-kheo đã thành tựu kiến, được chánh kiến, đối với pháp được bất hoại tịnh và thể nhập chánh pháp Tôn giả Xá-lê-tử nghe rồi khen rằng:
“Lành thay, lành thay, Hiền giả Đại Câu-hy-la!”
Tôn giả Xá-lê-tử khen ngợi rồi hoan hỷ phụng hành. Tôn giả Xá-lê-tử lại hỏi rằng: “Hiền giả Đại Câu-hy-la, nếu có Tỳ-kheo mà vô minh đã dứt, minh đã phát sanh, thì vị ấy còn phải làm những gì nữa?”
Tôn giả Đại Câu-hy-la trả lời rằng:
“Thưa Tôn giả Xá-lê-tử, nếu có thầy Tỳ-kheo mà vô minh đã dứt, minh đã phát sanh, thì vị ấy không còn gì phải làm nữa”.
Tôn giả Xá-lê-tử nghe rồi khen rằng: “Lành thay, lành thay, Hiền giả Đại Câu-hy-la!” Tôn giả Xá-lê-tử khen ngợi rồi hoan hỷ phụng hành. Hai vị Tôn giả cùng nhau nói về nghĩa như vậy, thảy đều hoan hỷ phụng hành, từ chỗ ngồi đứng dậy mà đi.
Tóm lại, ngang qua hai bài kinh được trích giảng từ Kinh Trung A-hàm, Hòa thượng đã mang đến niềm tịnh lạc vô biên cho thính chúng. Bằng đạo lực uyên thâm thể hiện qua ánh mắt chứa chan đức hạnh từ bi của hàng thạch trụ tòng lâm cùng nụ cười hiền hoà như vị Bồ-tát tái sinh, Hoà thượng đã mang lời kinh thắp sáng tâm hồn cho hàng hậu học Tăng Ni và Phật tử trong suốt thời pháp thoại. Pháp ngữ của Ngài như những cơn mưa đầu mùa trở về tưới tắm trên những đồng ruộng phì nhiêu trên miền đất quê hương thanh bình nơi quê mẹ. Toàn thể thính chúng như những hạt giống ẩn mình trong lòng đất nhờ uống nguồn sữa diệu giác này mà nứt mầm trỗi dậy, nảy nở một sức sống thiêng liêng nơi tâm giác ngộ, niềm tin vào giáo pháp Tổ thầy được tăng trưởng mạnh mẽ và tinh thần tu tập, soi sáng tự thân được thắp lửa tâm linh bừng sáng hơn bao giờ hết. Đây chính là pháp lạc từ kinh điển nhà Phật được Hoà thượng Giảng sư trùng tuyên trong thời pháp sáng hôm nay.
Nguồn: Đạo Phật Khất Sĩ