Không ít lần tôi lắc đầu, xua tay khi đang ngồi một hàng quán ven đường nào đó thì có một em nhỏ, một cụ già hoặc một người tàn tật tới bán những phong kẹo cao su hay vài món đồ vật nhỏ. Lúc họ rời bước đi, tôi có chút áy náy, và cũng đôi lần suy nghĩ về điều đó. Liệu mình làm thế là đúng hay là sai? Tôi thật sự cũng không có câu trả lời rõ ràng cho điều đó
Xét về một mặt nào đó, tôi sống cuộc đời của mình và cuộc sống của người khác đâu phải là trách nhiệm của tôi. Nhưng xét một khía cạnh nào đó, tôi là một “chiếc lá lành” so với nhiều người kém may mắn hơn. Và điều quan trọng hơn là không giúp đỡ người khác khi có cơ hội cũng khiến tôi … tự ái ngại với bản thân mình. Vì vậy, nhiều lần khác khi tâm trạng vui vẻ, tôi cũng mua giúp họ vài thứ gì nho nhỏ và thấy trong lòng mình có những niềm vui xinh xinh.
Rồi đến lúc tôi tìm hiểu nghiêm túc hơn về vấn đề tiền bạc, tài chính. Tôi đọc được những lời khuyên rằng nên chia thu nhập của mình vào các hũ khác nhau với những tỉ lệ phù hợp, để dành cho từng phần: nhu cầu thiết yếu, tiết kiệm, đầu tư, hưởng thụ và giúp đỡ người khác… Trong đó, quỹ để giúp đỡ người khác chiếm khoảng 5% thu nhập gì đó. Tôi nhẩm tính, 5% đó cũng là một con số không ít với tôi để tự mua sắm cái gì đó cho mình. Tôi chưa từng chủ động cho đi một con số nào như vậy.
Tôi giữ trong đầu lời khuyên đó mà chưa một lần thực hiện theo. Cho tới một ngày, tình cờ tôi biết đến một câu nói đại ý rằng – “Tiền bạc không làm thay đổi bản chất của một con người, nó chỉ làm phóng đại bản chất đó lên mà thôi”. Ngày hôm nay, khi có 1 triệu trong tay, tôi chưa sẵn sàng cho đi 5% số đó, thì điều gì dám chắc rằng trong tương lai khi có 1 tỷ trong người, tôi sẽ sẵn sàng cho đi 5% của con số này? Những con số trên tất nhiên chỉ là tương đối, nhưng 5% thu nhập sẽ luôn là 5% thu nhập, bất kể thu nhập của chúng ta là bao nhiêu. Như vậy có nghĩa là mình có nhiều thì cho đi nhiều, có ít thì cho đi ít. Vì thế mà lúc ấy tôi quyết định, trong tháng này, mình hãy thử hành động theo lời khuyên ấy xem sao.
Không khó để tôi tìm được một người mà mình có thể giúp đỡ. Hằng ngày, trên đường đi làm về, tôi vẫn hay để ý tới một cụ già ngồi ở ngã tư chỗ dừng đèn xanh đèn đỏ. Tôi không nhìn kỹ, nhưng dường như đôi mắt mờ đục của cụ có vấn đề. Bộ quần áo rách rưới, gương mặt khắc khổ, cụ bán những đồ vật nhỏ như chiếc lược, cây bút, cái kềm bấm móng tay … Thi thoảng, có vài người chờ đèn đỏ cũng mua giúp cụ thứ gì đó. Không hiểu sao mỗi lần nhìn thấy hình ảnh đó từ phía đằng sau, tôi đều cảm thấy một cảm giác ấm áp.
Một hôm đến khúc dừng quen thuộc ấy, tôi liền đỗ xe lại, mua giúp cụ hai món đồ nhỏ mà không hỏi giá. Số tiền ấy nhiều hơn bất kỳ một lần nào mà tôi chủ động dành cho một người xa lạ trên đường. Cụ gật đầu cảm ơn tôi, hàm răng cười móm mém. Tôi cũng cảm ơn lại cụ khi nhận lấy mấy món đồ, rồi lại phóng đi khi đèn giao thông đã bật xanh, hòa theo dòng người vội vã trên đường.
Mặc dù là người cho đi, nhưng sau giây phút ấy tôi đã khóc. Tôi lén lau đi những giọt nước mắt lăn trên gương mặt khi đang đi trên đường để mọi người xung quanh không thấy tôi kỳ cục.
Tôi khóc vì ngay lúc ấy tôi cảm giác có một điều gì đó lớn hơn đã xảy ra trong tôi. Tôi không thể giải thích được rõ ràng tại thời điểm ấy. Sau này tôi mới hiểu, cùng là số tiền đó, nhưng nếu tôi đợi tới khi mình khấm khá về mặt tài chính rồi mới cho đi, thì nó không bao giờ so sánh được với lúc tôi cho đi ngay cả khi mình chưa giàu có gì nhiều.
Tôi biết cuộc sống của cụ già ở ngã tư đường chẳng vì một chút lòng mọn của tôi mà đỡ xám xịt hơn. Nhưng tôi biết ít ra trong ngày hôm ấy, cuộc sống của cụ dễ thở hơn một chút. Với tôi vậy cũng là đủ rồi. Tôi biết ở đâu đó, trên thế giới rộng lớn này, có một hành động chia sẻ nào đó đang diễn ra. Giống như việc tôi đang làm, vào thời điểm đó.
Tôi tin rằng, trong chúng ta ai cũng có sẵn những hạt giống của lòng trắc ẩn. Đến giờ tôi đã hiểu chính cảm giác ái ngại mỗi khi không giúp đỡ người khác là lúc mà những hạt giống của lòng trắc ẩn đang cựa quậy bên trong tôi. Nhưng tôi không thể cảm nhận được những hạt giống ấy nảy mầm trong mình nếu như chính tôi không làm điều gì đó để giúp đỡ người khác.
Tôi có thể đã rất nhiều lần nghe tới câu nói “Cho đi là hạnh phúc”. Nhưng đối với tôi, câu nói đó chỉ là một ý niệm, một cái vỏ không chứa nhiều nội dung cho đến khi tôi thật sự hành động việc cho đi và tự mình cảm nghiệm lấy cái “hạnh phúc” kỳ lạ đến trong khoảnh khắc ấy.
Tôi và cụ già chỉ là hai con người xa lạ, lướt qua nhau trong những lát cắt rất mỏng của cuộc sống. Nhưng tôi vẫn cảm ơn cụ ngày ấy, đã cho tôi một cơ hội để thực hiện việc cho đi, được một lần cảm nghiệm về sự “giàu có” của mình – không phải về mặt vật chất mà về mặt tâm hồn. Cảm nhận “sự giàu có trong tâm hồn” là một trải nghiệm rất đáng để thử, mà tôi tin rằng ai cũng nên ít nhất một lần trải qua. Một điều gì đó khác lạ sẽ diễn ra bên trong – bạn sẽ không còn là con người cũ kỹ muốn cho đi nhưng lại ngần ngại trước đây nữa.
Bây giờ, hai món đồ tôi nhận từ cụ già bên vệ đường vẫn nằm trên bàn làm việc của tôi – một cây bút mực nước màu xanh và một chiếc lược vàng xinh xắn. Chúng như những vật kỷ niệm nhắc nhở tôi về một trải nghiệm khó quên, về những hạt giống của lòng trắc ẩn bên trong mình. Nhiều món đồ vật tôi tự sắm sửa cho mình cũng không chứa đựng nhiều cảm xúc đối với tôi như thế.Tôi tin rằng, trong chúng ta ai cũng có sẵn những hạt giống của lòng trắc ẩn. Đến giờ tôi đã hiểu chính cảm giác ái ngại mỗi khi không giúp đỡ người khác là lúc mà những hạt giống của lòng trắc ẩn đang cựa quậy bên trong tôi. Nhưng tôi không thể cảm nhận được những hạt giống ấy nảy mầm trong mình nếu như chính tôi không làm điều gì đó để giúp đỡ người khác.
Thời gian sống trôi đi, những trải nghiệm diễn ra trong cuộc sống khiến cách nghĩ trong tôi cũng thay đổi. Tới lúc này, tôi nhận ra mình không cần phải đợi đến lúc mình giàu có mới có thể trao một chút hơi ấm cho những người khác. Chúng ta luôn có thể cho đi, bất kỳ một điều gì – không chỉ là vật chất, cho một người đang cần nó, trong chính khả năng hiện có của mình. Sẽ thật tuyệt nếu ta biết thế giới này luôn có những điều tốt lành đang diễn ra xung quanh, và chính ta được tham gia một phần vào hành trình ấy.
Phạm Thị Ngọc Anh/ Songgiatri.com