Chủ đề
CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !
"Cảm ơn cháu, con người là thế đấy, mỗi ngày một già yếu hơn, vì vậy hãy chăm sóc tốt cho bản thân nhé".

1.Lời nhắc nhở của thiền sư Ryokan

Có một thiền sư Nhật Bản nổi tiếng tên là Ryokan Taigu (1758–1831). Một hôm, ông nghe gia đình mình phàn nàn rằng cậu cháu trai của ông đang tiêu xài phung phí cho việc chơi gái lầu xanh. Vì thế, Ryokan quyết định đến thăm người cháu trai mà lâu rồi ông chưa có dịp gặp mặt.

Người cháu thấy ông tới thăm thì mời ông ngủ lại một tối. Suốt đêm đó, Ryokan chỉ ngồi thiền mà không nói gì. Sáng hôm sau, trước khi rời đi, Ryokan bảo người cháu: "Chắc là ta già rồi, tay ta run quá. Cháu có thể giúp ta buộc dây giày được không?"

Người cháu trai nghe thấy vậy, liền chạy tới giúp đỡ ông.

Ngay lúc đó, Ryokan mới cảm thán một câu, "Cảm ơn cháu, con người là thế đấy, mỗi ngày một già yếu hơn, vì vậy hãy chăm sóc tốt cho bản thân nhé".

Nói rồi, vị thiền sư rời đi, không nhắc nửa lời đến chuyện phong hoa tuyết nguyệt của người cháu cũng như những lời phàn nàn của gia đình về cậu ta. Thế nhưng, không ai hiểu tại sao, từ hôm đó trở đi, người cháu trai đã thật sự thay đổi, tu chí làm ăn và không còn chơi bời phóng đãng nữa.




Lời bình 

Một lời nói đúng lúc, đúng chỗ, tế nhị và vừa đủ còn có sức nặng gấp ngàn lần những lời nói thẳng thừng nhưng sáo rỗng và giáo điều. Hiểu rõ đối tượng để đưa ra lời khuyên, bạn sẽ dễ dàng nắm chắc phần thắng hơn.

2. Chuộc người không nhận tiền
Vào thời Xuân Thu, nước Lỗ quy định: "Nếu người nước Lỗ có dịp sang nước khác mà thấy người nước Lỗ đang phải làm nô lệ ở nơi đó, hãy bỏ tiền ra chuộc họ về, về nước có thể đến quốc khố trình báo và lấy lại tiền."

Học trò của Khổng Tử là Tử Công sang nước khác, nhìn thấy người nước Lỗ làm nô lệ ở đó liền bỏ tiền ra mua họ về nhưng không đến quốc khố để trình báo, lấy lại tiền.

Nhiều người đã khen Tử Công là người có phẩm cách cao thượng.

Nhưng Khổng Tử sau khi biết chuyện đã lên tiếng trách học trò. Những người xung quanh cảm thấy thật lạ lùng, liền hỏi: "Chuộc lại người nhưng không đi đòi lại tiền, đó chẳng phải là hành vi rất cao thượng sao?"

Khổng Tử nói: "Sai rồi, cách làm của Tử Công sẽ dẫn đến việc rất nhiều nô lệ không được cứu chuộc, sau này người khác thấy người nước Lỗ làm nô lệ ở nước khác sẽ nghĩ: ‘Tôi chuộc anh về, nếu đi trình báo để lấy lại tiền, chẳng phải sẽ bị nói phẩm chất sẽ không bằng Tử Công sao? Không đi trình báo họ sẽ không tự gánh vác được tổn thất về mặt tiền bạc.’ 

Và như vậy, nếu gặp người nước Lỗ phải làm nô lệ ở nước khác, họ sẽ vờ như không nhìn thấy và không chuộc giúp. Cách mà Tử Công không trình báo để lấy lại tiền, thực tế đang gây trở ngại cho nhiều người, là việc làm có hại."

Rõ ràng, Khổng Tử đã có tầm nhìn rất xa đối với sự phát triển, biến hóa của sự việc.

 

Lời bình

Lương thiện là một kiểu nhìn xa, không chỉ suy nghĩ từ góc độ của bản thân mà còn suy nghĩ từ vị trí của người khác, thậm chí còn suy nghĩ xem sau khi làm việc đó, có khả năng xảy ra phản ứng chuỗi của sai lầm hay không, sau đó mới tiến hành thực hiện và đạt đến mức độ tốt nhất.

3.Thèm một bát canh

Tống Nhân Tông làm việc đến tận đêm khuya, vừa mệt vừa đói nên rất muốn ăn một bát canh thịt dê nóng, song ông lại cố nhịn đói không nói ra.

Hôm sau, cận thần biết chuyện đã khuyên ông: "Bệ Hạ làm việc ngày đêm vất vả, nhất định phải giữ gìn sức khỏe, người muốn ăn canh thịt dê thì lúc nào cũng có thể dặn bề tôi, sao lại nhịn mà không nói ra, để long thể phải chịu thiệt thòi?"

Tống Nhân Tông nói: "Trong cung, nhất thời đòi hỏi một cách tùy tiện sẽ khiến người bên ngoài đánh giá, coi đó là điều thường thấy. 

Tối qua nếu như ta ăn canh thịt dê, nhà bếp sẽ đêm đêm phải giết mổ, một năm tính ra phải đến cả trăm con con dê bị đem ra làm thịt, vô hình trung hình thành nên quy định. 

Sau này, số lượng những con thú bị sát hại sẽ khó có thể tính toán hết, vì một bát canh của ta mà làm ra điều lệ xấu xí này, lại làm hại đến các con vật, ta thà chịu nhịn cơn đói nhất thời còn hơn."

Lời bình
Lương thiện là một dạng trí tuệ, là dựa trên sự thật cơ bản về sự việc nào đó để tiến hành nhận thức sự việc một cách toàn diện, đồng thời, sau khi tiến hành đánh giá chi tiết về quy luật phát triển của sự vật, sự việc mới đưa ra lựa chọn tốt nhất.

Nguồn Internet