Chủ đề
CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !
Tốt nghiệp đại học, ở lại thành phố đi làm. Tháng rồi, mẹ vào thăm. Mừng và thương. Mẹ khen: “Bạn gái con xinh”. Cuối tháng, lãnh lương. Dẫn người thương đi shopping. Em bảo: “Mỹ phẩm của hãng này là tốt nhất. Những loại rẻ tiền khác đều không nên dùng vì có hại cho da, giống mẹ anh đó, mẹ bị nám hết anh thấy không...” Chợt giật mình. Mẹ cả đời lam lũ, nắng gió với cái ăn, nào đã biết phấn son màu gì.
Triết lý.....

Một nhà triết học gặp một thanh niên đang khóc vì thất tình. Nhà triết học cười lớn. Chàng thanh niên giận dữ chất vấn thì nhà triết học lắc đầu nói: "Không phải tôi cười anh, mà chính là anh đang tự diễu mình". "Anh đau thương như vậy, chứng tỏ trong lòng anh còn tình yêu, mà đối phương không còn. Rõ ràng là tình yêu ở phía anh, anh không mất tình yêu, mà chỉ mất một người không yêu anh thôi, như vậy việc gì phải đau lòng? Tôi thấy anh nên về nhà ngủ một giấc là hơn. Người đáng khóc chính là cô gái, cô ta không chỉ mất anh mà còn mất cả tình yêu nữa..
...........................

Mất xe

Nhà có hai chiếc xe đạp. Mẹ đi dạy hàng ngày phải chạy một chiếc. Còn lại một chiếc cho nó đi học đại học.

Hơn hai năm đại học trôi qua, lối sống nhộn nhịp ở thành phố đã cuốn hút nó. Những quán nhậu, quán cà phê, quán bi da trở nên quen thuộc đối với nó.
Một buổi tối nó đi bộ về nhà trọ. Mặt buồn xo. Hai đứa bạn cùng phòng đang học bài bật dậỵ “Xe mày đâu?”. “Mất rồi”. Để giáo trình lên bàn, nó nằm úp mặt vào gối, chẳng buồn nói chuyện. Hai đứa bạn lại gần vỗ về, an ủi.
Cuối tháng nó về quê. Ba mẹ không mắng, chỉ buồn. Ngày đi, ba cho tiền. Nó nhét tiền vào bóp. Một tờ giấy mỏng chợt rơi xuống đất. Mẹ nhặt vội tờ giấy và trả lời thắc mắc của ba :”Hóa đơn thuốc của em, tháng trước em cho con tiền vô tình cái hóa đơn bị kẹp vào giữa xấp tiền, may mà còn”.
Nó nhìn mẹ, hai dòng nước mắt lăn dài trên má. Ba đâu biết rằng, cái hóa đơn thuốc mà mẹ nói chính là giấy biên lai cầm chiếc xe đạp của nó.
.........................

Anh hai

Năm 18 tuổi, anh quyết định nghỉ học đi phụ hồ. Bố Mẹ giận dữ, mắng “ sanh ra.. giờ cãi lời bố mẹ… phải chi nó ngoan, siêng học như bé Út…”
Anh lặng thinh không nói năng gì… Bố mẹ mắng mãi rồi cũng thôi. Anh đã quyết thế!
Ngày bé Út vào Đại Học, phải xa nhà, lên Thành Phố ở tro. Anh tự ý bán đi con bò sữa – gia tài duy nhất của gia đình, gom tiền đưa cho bé Út. Biết chuyện, bố thở dài, mẹ lặng lẽ, bé Út khóc thút thít… anh cười, “ Út ráng học ngoan…”
Miệt mài 4 năm DH, Út tốt nghiệp loại giỏi, được nhận ngay vào công ty nước ngoài, lương khá cao… Út hớn hở đón xe về quê…
Vừa bước vào nhà, Út sững người trước tấm ảnh của anh trên bàn thờ nghi ngút khói… Mẹ khóc, “ Tháng trước, nó bị tai nạn khi đang phụ hồ…lúc hấp hối, biết con đang thi tốt nghiệp, nó dặn đừng nói con biết…”
............................

Đưa đón

Nội từ quê vào thăm, mang quà quê vào cho cháu, nào là bánh đa gạo nếp, có cả chục trái dừa khô.
Thấy nội lỉnh kỉnh vất vả, con trách bố: Sao không đón nội. Bố bảo: Bận quá.
Ngoại nước ngoài về thăm quê. Các cậu, dì thuê hẳn một xe ôtô đi đón. Bố cũng đóng cửa hàng nghỉ buôn bán vài hôm, để cùng đi đón ngọai. Bố bảo: Ai cũng có mặt, bố không đi ngoại trách. 
..............................

Đôi giày

Vào một ngày nọ, khi Gandhi bước lên tàu thì đột nhiên một trong hai chiếc giày ở chân anh bị rơi xuống đường tàu. Anh không thể lấy lại được nó nữa vì tàu đã bắt đầu chuyển bánh.

Bỗng nhiên Gandhi từ từ lấy nốt chiếc giày còn lại ra và ném nó lại gần chiếc giày kia trước sự ngạc nhiên của các bạn đồng hành.

Khi được hỏi tại sao lại làm như thế, Gandhi mỉm cười và nói: "Sẽ có một người nghèo khổ nào đó tìm thấy chiếc giày nằm trên đường ray và anh ta sẽ có cả một đôi giày để đi."
...................................

Tô mì

Em gái tôi rất thích ăn mì, nhưng hồi ấy nhà nghèo lắm, không phải thèm là ăn được. 
Có bữa ba đến trường rước nó về, hai cha con ghé lại xe mì đầu hẻm, ba kêu một tô mì, đẩy về phía nó : "Con ăn đi, ba no rồi !"
Ăn xong, nó chợt nhìn thấy ba vét hết các túi mới đủ tiền trả tô mì .....
15 năm trôi qua . Em tôi đã là một cô giáo. Hôm lãnh tháng lương đầu tiên về , nó cầm xấp tiền tần ngần hoài . Tôi hỏi :
- Nhỏ định mua sắm gì đây ?
- Em sẽ mua tô mì thiệt ngon để cúng ba !
Rồi nó quay mặt hướng khác, giấu đi hai con mắt đỏ hoe ..... 
................................................

Bóng nắng, bóng râm

Con đê dài hun hút như cuộc đời. Ngày về thăm ngoại, trời chợt nắng, chợt râm. Mẹ bảo:
- Nhà ngoại ở cuối con đê.
Trên đê chỉ có mẹ, có con
Lúc nắng, mẹ kéo tay con:
- Đi nhanh lên, kẻo nắng vỡ đầu ra.
Con cố.
Lúc râm, con đi chậm, mẹ mắng:
- Đang lúc mát trời, nhanh lên, kẻo nắng bây giờ.
Con ngỡ ngàng: sao nắng, râm đều phải vội ?
Trời vẫn nắng, vẫn râm...
Tiền cứu trợ
Lũ. Ba nhắn lên " ... Nhà ngập, con đừng về! "
Mỗi tối, con cùng những người bạn trong đội công tác xã hội của trường cầm thùng lạc quyên vào các giảng đường, lớp học nhận tiền cứu trợ đồng bào miền Tây.
Truyền hình vẫn tiếp tục đưa tin và hình ảnh lũ lụt ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có quê mình. Con số người và của cải mất mát cứ tăng dần. Con sốt ruột, nôn nóng.
Hôm qua, cả nhà bác Ba kéo nhau lên ở tạm nhà chị Hai. Con sang hỏi thăm. Ra về, bác gái gởi cho con một gói mỏng và bảo: " Tiền cứu trợ, ba con gởi lên cho con đó! "
............................................

Chào

Bố mẹ đi làm về. Bé gái miệng rất tươi: "Con chào bố mẹ ạ. Bố mẹ chào ông đi chứ?" Bố mẹ của bé lẳng lặng đi lên lầu. 
Chỉ còn lại ông và cháu, ông nói: Cháu ạ, bố mẹ cháu quên mất điều ấy từ lâu rồi!
.............................................
Vô can.

Quốc lộ về đêm, hắn rải đinh rồi hắn vá bốn xe xẹp. Mưa, hắn bỏ về. Hai xe khác đang tìm nơi vá bỗng "Rầm..... Ree...ét". Một chiếc nữa ngã lăn, bé năm tuổi văng vào bánh xe tải. 
Người nguời rơi nước mắt. Hắn chẳng hay biết. Vô can. 
............................................
Rau muống.

Ở Mỹ, viết thư về nó cứ bảo: "Mình thèm rau muống luộc chấm mắm nêm quá, ước gì!". Vừa rồi nó về, mình ra chợ mua một mớ rau muống ngon về luộc đãi nó. Nhìn đĩa rau muống nó bĩu môi: "Cậu ăn uống kham khổ thế à?".
........................................

Lời nói dối.

Ngày đó nhà nghèo cha mất, mẹ tần tảo nhưng không đủ ăn. Để con có bữa ngon, mẹ gởi con về giỗ họ. Giữa đám cúng đông vui, chẳng ai đoái hoài, con bơ vơ lạc lõng... Về nhà mẹ hỏi con né tránh: "Dạ, vui! Cô bác mừng con...!!!".
Lớn lên, con đi làm xa, tạm gọi là thành đạt. Ngày giỗ họ con về cùng con trẻ, mọi người vui gặp gỡ, chăm sóc đủ điều, từ miếng ăn, chiếc bánh...
Về nhà nhìn ảnh mẹ con thấy lòng rưng rưng...
..........................................

Mùa thi

Ngày tôi thi tú tài, ba đạp xe hơn chục cây số, chờ tôi ngoài trường thi cả buổi, cốt để hỏi:
- Con làm bài tốt không?
Sợ ba nhọc lòng, tôi nói:
- Ba chờ ngoài này, có khi con lại lo, không làm bài được.
Buổi thi cuối, ra cổng không thấy ba, hỏi chú Bảy còi:
- Ba con có đến không?
Chú đưa tay chỉ cây bàng phía xa mươi mét bảo:
- Ổng ở đằng kia, tao biểu đến ổng không chịu.

Phấn son

Tốt nghiệp đại học, ở lại thành phố đi làm.
Tháng rồi, mẹ vào thăm. Mừng và thương. Mẹ khen: “Bạn gái con xinh”.
Cuối tháng, lãnh lương. Dẫn người thương đi shopping. Em bảo: “Mỹ phẩm của hãng này là tốt nhất. Những loại rẻ tiền khác đều không nên dùng vì có hại cho da, giống mẹ anh đó, mẹ bị nám hết anh thấy không...”
Chợt giật mình. Mẹ cả đời lam lũ, nắng gió với cái ăn, nào đã biết phấn son màu gì.
-------------------------------------

Nghề cao quý

Cô bé học giỏi nhất, ngoan hiền nhất. Chị tận tình chỉ dạy còn cô bé chăm chỉ học, cô-trò vô cùng tâm đắc. Chị hình dung đến một ngày cô bé đứng trên bục giảng. Chị ướm thử :
- Con có thích trở thành cô giáo không?
Cô bé không ngần ngừ một giây, mạnh mẽ lắc đầu. Chị cảm thấy hụt hẫng. Sao cô bé lại dứt khoát đến thế? Nghề giáo vốn là nghề cao quý. Hay là...
Nhìn lại cảnh nhà thanh bạch, chị thở dài.
------------------------------------------