Như vậy, pháp Phật là pháp trị bệnh cho chúng sanh. Thế nhưng, pháp Phật đã có hai ngàn năm trăm mấy chục năm rồi, mà bệnh chúng sanh cũng không hết, bởi vì chúng sanh nhiều bệnh quá.
Như chúng ta đã biết khi Đức Phật giác ngộ dưới cội Bồ đề rồi, Ngài tìm đến năm anh em ông Kiều Trần Như để hoá độ. Bài pháp đầu tiên Phật nói là Tứ diệu đế. Tứ diệu đế chia ra hai phần, một phần chỉ ra sự đau khổ, một phần dạy cách diệt đau khổ.
Về phần đau khổ, Phật chỉ thân này chứa đựng bao nhiêu sự đau khổ, nên có thân là có khổ. Vậy cái khổ đó ai đặt ra, từ đâu đến ? Đức Phật bảo cái khổ đó có nguyên nhân. Nguyên nhân đó gọi là gì ? Gọi là tập. Như vậy khổ là một lẽ thật, nguyên nhân tạo khổ cũng là một lẽ thật. Vì vậy nên nói khổ đế, tập đế.
Khổ đã không phải ngẫu nhiên đến mà có nguyên nhân. Vậy khi biết nguyên nhân rồi muốn cho hết khổ thì phải tiêu diệt nguyên nhân gây khổ. Tiêu diệt được nguyên nhân gây khổ thì sẽ hết khổ. Nhưng muốn tiêu diệt nguyên nhân đau khổ, không thể nói suông, mà phải có phương pháp. Cũng như thầy thuốc biết bệnh đang hành, bệnh nhân đang khổ, thì phải truy nguyên tìm ra vi trùng gây bệnh. Biết chính xác vi trùng rồi thì phải diệt vi trùng, diệt vi trùng xong mới hết bệnh. Nhưng nói diệt vi trùng suông thôi thì không được, phải có phương thuốc cụ thể, mới diệt hết vi trùng.
Cũng vậy, Phật dạy tất cả khổ của chúng sanh đều có nguyên nhân. Nếu chúng ta tra cứu biết rõ nguyên nhân rồi thì phải tiêu diệt nó, muốn tiêu diệt nó phải có phương pháp. Nên Phật nói khổ đế là quả, tập đế là nhân. Diệt đế là diệt hết nhân khổ. Muốn diệt hết nhân khổ phải có phương pháp, phương pháp đó là đạo đế. Có phương pháp mới dùng phương pháp ấy diệt hết nguyên nhân đau khổ. Do đó, diệt đế là quả giải thoát, còn nhân của quả giải thoát là đạo đế, tức phương pháp diệt khổ.
Đức Phật dạy chúng sanh đâu khác gì việc của các thầy thuốc đang làm. Nên Đạo Phật rất thực tế, không nói chuyện viển vông xa vời gì hết. Ai có bệnh chỉ cần dùng thuốc đúng thì trị lành bệnh. Trị lành bệnh là hết khổ, nên nói đạo Phật là đạo cứu khổ chúng sanh.
Ở thế gian, thầy thuốc trị về thân bệnh. Trong đạo, Phật trị tâm bệnh. Giữa hai việc điều trị đó, việc nào quan trọng hơn ? Điều trị tâm bệnh quan trọng hơn. Bởi vì dù thầy thuốc hay mấy biết bệnh nhân đang bị đau tim hay đau phổi. Thầy thuốc có thuốc, nhưng người bệnh cứ rầu, cứ buồn, thì trị nổi không ? Không nổi, vì tâm người bệnh không an, không vui thì điều trị khó lành. Vì vậy, nên tâmbệnh rất là hệ trọng. Nếu thầy thuốc có được hai phương thuốc, một trị thân bệnh, một trị tâm bệnh thì hay biết mấy. Trị như vậy mới toàn hảo, còn chỉ một phần thì chưa được.
Để trị tâm bệnh, Phật dạy những pháp để tiêu trừ nguyên nhân sanh ra bệnh. Bệnh của chúng sanh tới tám muôn, bốn ngàn, Pháp của Phật cũng có tới tám muôn, bốn ngàn. Nhưng nói về cội gốc của bệnh, thì có sáu món căn bản phiền não. Trước khi nói pháp trị bệnh, chúng ta cần phải biết các thứ bệnh. Bệnh tình đó đang thế nào, muốn giới thiệu thuốc thì phải biết hậu quả hay hiện trạng bệnh đang hoành hành ra sao.
Bây giờ thử nghiệm lại tất cả chúng ta trong hiện đời khổ hay vui ? Nếu vui thì không có bệnh, không bệnh thì cần gì thuốc. Nếu có bệnh mới tìm nguyên nhân gây bệnh và trị bằng cách nào. Trong nhà Phật nói con người bị bốn, hoặc tám thứ khổ vây hãm, không ai thoát khỏi. Sanh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết khổ, có ai khỏi đâu ? Như vậy quả thật chúng ta là bệnh nhân rồi. Ngoài ra còn ái biệt ly khổ, oán tắng hội khổ, cầu bất đắc khổ, ngũ ấm xí thạnh khổ. Nghĩa là thương yêu xa lìa khổ, oán thù mà gặp mặt hoài khổ, mong muốn không được khổ, thân này tự bại hoại không an khổ. Kiểm lại trong tám thứ khổ, chúng ta đều có đủ. Rõ ràng xác định được chúng ta là bệnh nhân rồi, thì mới nói tới trị liệu.
Muốn trị bệnh thì phải phăng tìm nguyên nhân. Nguyên nhân nào sanh ra những thứ khổ đó. Phật nói nhiều lắm nhưng ở đây tôi chỉ kể sáu thứ : tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến. Vì có nhân này nên có quả kia. Thí dụ như tham, căn bản là tham sống. Có người nào không tham sống sợ chết đâu ? Nhưng rồi cũng phải chết, bởi vậy nên khổ. Bây giờ mình hết tham sống thì không sợ chết. Mà không sợ chết thì đâu còn khổ.
Từ tham sanh bao nhiêu thứ khổ. Đức Phật chia ra hai thứ : một là tham về ngũ dục, hai là ngũ trần. Tham ngũ dục là : tài, sắc, danh, thực, thụy. Tài là tiền của, sắc là sắc đẹp, danh là danh vọng, thực là ăn uống, thụy là ngủ nghỉ ; năm cái này để cho mình tham. Từ những tâm tham này sanh ra các thứ khổ kia. Vậy chúng ta phải lấy thuốc gì để trị vi trùng tham ?
Tham tài phải lấy hai thứ thuốc hoà hợp vào trị. Thuốc thứ nhất là bố thí, thuốc thứ hai là vô thường. Phật dạy tất cả tài sản của chúng ta bị năm nhà cướp lấy. Năm nhà là gì ? 1. Nước lụt. 2. Trộm cướp. 3. Con bất hiếu. 4. Lửa cháy. 5. Vua chuá hay quan quyền tìm cách cưỡng đoạt.
Như chúng ta chứng kiến nạn lụt miềnTrung vừa rồi, bao nhiêu năm dành dụm chỉ một cơn lũ là cuốn sạch, không còn gì cả. Như vậy tài sản của chúng ta có bảo đảm đâu, nên Phật nói nó thuộc về năm nhà. Nếu không bị lụt, có khi bị cháy cũng rụi. Không cháy thì bị trộm cướp, không bị trộm cướp thì con bất hiếu phá hết sự nghiệp. Không bị con cái thì gặp những thế lực bên ngoài cưỡng bức cướp lấy.
Tuy nói tiền bạc của cải của mình nhưng không bảo đảm giữ được lâu dài, như vậy tham để làm gì ? Nghĩ đến lý vô thường chúng ta bớt tham. Bớt tham thì bớt khổ. Con người thường có bệnh, hễ tiền của trong tay thì được một đòi hai, được hai đòi bốn, muốn thêm hoài. Ở đây Phật dạy phải xả, phải bố thí. Nên nghĩ chúng ta có bao nhiêu đủ ăn rồi, phần dư bố thí cho người. Như vậy là bớt lòng tham. Nếu người dư dả đem bố thí, vì biết rằng của cải giữ không được, không có tâm gom góp, keo xẻn là đã trị được bệnh tham tài. Rõ ràng có bệnh thì có thuốc. Biết được nguyên nhân vì tham tài, mà cầu bất đắc nên khổ. Muốn nhiều của nhưng muốn hoài không được thì khổ. Bây giờ mình đem ra bố thí tức không cần giữ gìn nữa thì đâu còn lòng tham. Mà không tham thì đâu có khổ.
Đối với người tham sắc, Phật dạy dùng thuốc quán bất tịnh để trị. Bởi vì khi tham sắc thì thấy người đẹp, tự nhiên chúng ta nghĩ ngợi người đó đẹp thế này, người đó quý, sang thế nọ v.v… Ngược lại, nếu chúng ta quán thân mình bẩn thỉu không ra gì, thân mọi người cũng vậy, quán đến khi mình gớm thân mình, thì thân người khác mình cũng gớm luôn . Mà gớm thì hết ham . Đó là cách trị bệnh tham sắc .
HT. Thích Thanh Từ
(Nói chuyện với đoàn Bác sĩ TP. HCM ngày 08/01/2005)