Chủ đề
CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !
VTO - 6h sáng ngày 02/11/2019 (nhằm ngày 6/10 năm Kỷ Hợi), hơn 350 học viên của Khóa bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý thông tin truyền thông Phật giáo toàn quốc năm 2019 đã đến tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ và tìm hiểu về quá trình đấu tranh để giải phóng và phát triển của người dân tỉnh Long An tại Công viên Tượng đài Long An "Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc".
Tại đây HT. Thích Gia Quang – Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN, Trưởng Ban Thông tin Truyền thông Trung ương GHPGVN, Trưởng Ban Tổ chức khóa bồi dưỡng; HT. Thích Minh Thiện – UV HĐTS, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Long An, Phó Thường trực BTC; cùng các học viên của Khóa bồi dưỡng đã dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì sự giải phóng cho vùng đất Long An.
Sau đó, các học viên truyền thông Phật giáo đã được nghe lại lịch sử của sự đấu tranh, giải phóng và phát triển của vùng đất nơi đây.

Theo đó, đầu năm 1966, quân Mỹ bắt đầu tham chiến trên chiến trường Long An. Khi đó, Tỉnh ủy phát động phong trào toàn dân đánh Mỹ bằng vũ khí thô sơ và phong trào thi đua chiến đấu để giành danh hiệu dũng sĩ diệt Mỹ, đồng thời mở nhiều đại hội chiến sĩ thi đua. Hưởng ứng chủ trương của Tỉnh ủy, nhân dân Long An đã sản xuất gần 100.000 trái mìn, trái gài, lựu đạn để đánh Mỹ. Trong 2 năm 1966 và 1967, dân - quân Long An đánh bại nhiều cuộc hành quân càn quét quy mô lớn của Mỹ, tiêu diệt khoảng 1.000 tên địch, phá hủy nhiều phương tiện. Trong đó, nổi bật là chiến dịch 45 ngày đêm đánh Mỹ ở vùng hạ Cần Giuộc vào tháng 6 và tháng 7/1967.
Trong giai đoạn này, hình thái chiến tranh nhân dân ở Long An phát triển lên đến đỉnh cao. Trong đó, điển hình là vành đai Rạch Kiến tiêu diệt hàng ngàn tên Mỹ, 17 máy bay, 20 xe thiết giáp, thu nhiều phương tiện chiến tranh. Nhìn chung trong cả tỉnh, đánh Mỹ trở thành một phong trào rộng lớn, trong đó, nổi bật là vai trò của nhân dân. Đó là những bà mẹ tay không chặn xe tăng địch, những em bé vừa chăn trâu, vừa làm trinh sát cho bộ đội và dũng cảm lấy lựu đạn của địch để tiêu diệt địch.

Trước thắng lợi vô cùng oanh liệt và vẻ vang ở vành đai diệt Mỹ ở Rạch Kiến, tại Đại hội Anh hùng và Chiến sĩ thi đua toàn miền Nam lần thứ 2 được tổ chức vào ngày 17/9/1967, Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam quyết định phong tặng tỉnh Long An 8 chữ vàng "Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc". Đó chính là sự đúc kết kinh nghiệm cho phong trào đánh Mỹ trên toàn miền Nam thời điểm đó cũng như biểu dương, ghi nhận kịp thời đối với Long An.
Để ghi nhận những công lao của cha ông, lãnh đạo tỉnh Long An đã cùng nhân dân xây dựng khu Công viên Tượng đài Long An "Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc". Những năm qua, khu công viên tượng đài luôn thu hút khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, tìm hiểu. Chỉ tính từ đầu năm 2019 đến nay, nơi đây đã tiếp hơn 6.500 lượt khách.
Được biết, khu Công viên Tượng đài Long An "Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc" được khởi công xây dựng từ năm 2005, rộng hơn 6ha, tọa lạc tại phường 5, TP.Tân An và được khánh thành vào ngày 28/4/2010. Khu tượng đài gồm các hạng mục như tượng đài, khu trưng bày. Trong đó, không gian trưng bày một tổ hợp gồm các hộp hình, bảng giới thiệu nội dung, hình ảnh 8 chuyên đề về những chiến công đặc trưng, dấu ấn tiêu biểu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước".
Khu công viên là công trình văn hóa tiêu biểu của tỉnh, nơi đây không chỉ là điểm tham quan, giải trí mà còn thể hiện rõ nét về truyền thống lịch sử của đất và người Long An trong kháng chiến.
Một số hình ảnh được ghi nhận:






























Giác Minh Chương
Ảnh: Thiện Dưỡng - Minh Thiện